Đường dẫn truy cập

Người lao động nghèo kêu cứu sau hơn 4 tháng ‘giãn cách’ chống dịch


Vợ chồng ông Võ Văn Đậm và bà Nguyễn Quỳnh Giao trước căn phòng trọ ở Đức Hòa, Long An.
Vợ chồng ông Võ Văn Đậm và bà Nguyễn Quỳnh Giao trước căn phòng trọ ở Đức Hòa, Long An.

Sống bó buộc trong các khu nhà trọ chật hẹp ở thành phố Hồ Chí Minh và Long An, các lao động nghèo bị thất nghiệp muốn về quê cũng chẳng được, muốn tìm việc làm khác cũng chẳng có, muốn được hỗ trợ thì cũng không thấm vào đâu. Cuộc sống của họ sau hơn bốn tháng chấp hành biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 dường như chưa có lối thoát, dù chính quyền từng bước cho phép người dân đi lại từ ngày 1/10.

Dân cư khu xóm trọ với hơn 30 phòng trên đường Tân Hòa Đông, quận Bình Tân, Tp, HCM, thường xuyên xếp hàng chờ các nhóm thiện nguyện đến phát thức ăn. Bà Châu Thị Nương, 42 tuổi, quê ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, và chồng là ông Lê Văn Dành, 43 tuổi, là những người trong số đó.

Bà Nương nói với VOA:

“Ông xã làm phụ hồ, lương thấp, tiền phòng trọ 1,7 triệu đồng/tháng. Còn tôi làm công nhân ép nhựa trong xưởng quạt, mỗi ngày làm 10 tiếng được 200 ngàn đồng.”

Ông Lê Văn Dành, làm phụ hồ, ở quận Bình Tân, Tp. HCM, thất nghiệp hơn 4 tháng nay, đang kêu cứu.
Ông Lê Văn Dành, làm phụ hồ, ở quận Bình Tân, Tp. HCM, thất nghiệp hơn 4 tháng nay, đang kêu cứu.

“Tôi nghỉ làm 4 tháng rồi. Cả khu trọ này ai cũng nợ tiền trọ, thiếu nợ 2-3 tháng rồi. Hôm trước nhà nước cho được 1,5 triệu đồng, tôi trả cho chủ nhà trọ liền, không dám xài. Nhà nước cũng có cho được 15kg gạo.”

“Tôi không dám mua đồ ăn. Chỉ ăn với nước mắm vậy thôi!”

“Lúc này bên ngoài thực phẩm, cá mắm mắc lắm!”

Bà Nương cho biết gia đình bà muốn về Bạc Liêu để tránh dịch nhưng chính quyền ở đó không tiếp nhận người ở ngoài tỉnh vào và chính quyền Tp. HCM cũng không cho phép rời đi.

Vừa qua khi chính quyền làm xét nghiệm khu nhà trọ này đã cho kết quả 14 người dương tính COVID-19 và yêu cầu tự cách ly, bà Nương cho biết thêm.

Ông Võ Văn Đậm, 44 tuổi, vợ là Nguyễn Quỳnh Giao, 37 tuổi, cùng quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, đang thuê phòng trọ tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nơi giáp ranh với Tp. HCM, gặp hoàn cảnh tương tự.

Ông Đậm chia sẻ:

“Tôi nghỉ làm đến nay đã 5 tháng rồi. Chủ nhà trọ giảm được phân nửa tiền trọ, nhưng vẫn phải đóng 700 ngàn đồng/tháng. Ăn uống, vật chất các thứ rất khó khăn.

“Tôi làm đóng gói khung sườn xe đạp, nhưng khi thành phố HCM đóng cửa thì ở đây cũng đóng cửa luôn, vì hàng này tiêu thụ ở thành phố. Vợ tôi làm cho xưởng sản xuất ống hút cũng bị đóng cửa y vậy.

Bà Nguyễn Quỳnh Giao tại căn bếp trọ chờ ngày sinh nở.
Bà Nguyễn Quỳnh Giao tại căn bếp trọ chờ ngày sinh nở.

“Vợ tôi sắp sanh con như cũng không có bảo hiểm của công ty. Còn bảo hiểm y tế thì có nhưng do khác tuyến nên chỉ giảm ít thôi.”

“Mới đây vợ tôi đi siêu âm, mà phải test COVID-19 mới cho siêu âm. Hai vợ chồng đi làm test mất hết 600 ngàn đồng, đã nghèo mà còn bị mất 600 ngàn.”

“Ăn uống thiếu thốn đủ thứ, vợ sắp sanh nhưng không ăn uống đầy đủ như người ta được.

“Hồi đó, tôi sinh ra năm 1977, khi đó chiến trường Campuchia diễn ra, mình đã khổ rồi, nay đến lượt con tôi cũng khổ y vậy.”

Ông Đậm cho biết chính quyền địa phương nơi ông ở trọ có phát gạo cho các gia đình có thu nhập thấp như vợ chồng ông, nhưng nói rằng hỗ trợ chỉ một lần và chẳng thấm vào đâu. Ông nói: “lửa đang cháy đến chân tụi tôi rồi!”

VOA Express

XS
SM
MD
LG