Bên trong văn phòng dưới tầng hầm của Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á của mình trong một khu phố ở trung tâm thành phố San Francisco, ông Philip Nguyen lướt qua một danh sách những vấn đề mà ông nói là quan trọng nhất đối với hầu hết người Mỹ gốc Việt như ông.
Thiếu công ăn việc làm tốt. Chi phí chăm sóc y tế gia tăng. Giá nhà ở cao ngất. Nói cách khác, đó là những vấn đề mà bất kỳ người Mỹ nào cũng quan tâm khi đến mùa bầu cử. Nhưng khi vừa nhắc đến Trung Quốc, mắt ông Philip Nguyen sáng lên.
"Đây là chủ đề yêu thích nhất của tôi," người đàn ông 70 tuổi này cho biết. Ông Philip Nguyen đến Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ trong Chiến tranh Việt Nam. Giống như nhiều người Mỹ gốc Việt khác, ông không có thiện cảm với chính quyền cộng sản của Việt Nam.
Nhưng ông vẫn tràn ngập niềm tự hào về đất nước cũ của mình. Tình cảm đó hiện rõ khi ông nói về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.
"Người Mỹ gốc Việt chúng tôi có quan tâm tới tranh chấp Biển Đông hay không ư? Có chứ," ông Philip Nguyen nói chắc nịch. "Tôi có thể nói với bạn là gần như 100 phần trăm người dân ở đây quan tâm. Đây là chủ đề số 1 hiện nay trong cộng đồng của chúng tôi."
Biển Đông nổi lên như một vấn đề bầu cử quan trọng, không chỉ đối với nhiều người trong số 1,6 triệu người Mỹ gốc Việt, mà còn với 2,6 triệu người từ Philippines, nước cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Phương sách khác nhau
Cả hai ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Đảng Cộng hòa Donald Trump đều tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc, theo cách riêng của họ.
Làm bộ trưởng ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2013, bà Clinton đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với Trung Quốc. Bà đã tỏ lập trường nhất quán mạnh mẽ lên tiếng những hành động hung hăng của Trung Quốc tại những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Bà là một trong những kiến trúc sư chính của chiến lược "tái cân bằng" của Tòa Bạch Ốc về Châu Á, phần nhiều được xem như một cách để kiềm tỏa Trung Quốc.
"Bà Clinton chắc chắn có tiếng là người có quan điểm diều hâu ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc," Steven Lewis, một chuyên gia Châu Á tại Đại học Rice, nói. "Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy bà ấy tiếp tục thể hiện quan điểm này trong tương lai."
Quan điểm của ông Trump về Châu Á phức tạp hơn. Dù những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử của ông, song những chỉ trích này chủ yếu tập trung vào thương mại, không phải vấn đề quân sự. Ông cũng đã dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Châu Á, khơi lên câu hỏi liệu ông có nhường ảnh hưởng lại cho Bắc Kinh hay không.
Khi nhắc tới Biển Đông, ông Trump thường cường điệu vấn đề, như hồi tháng 4 khi ông nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một "pháo đài quân sự mà có lẽ thế giới chưa từng thấy pháo đài nào giống như vậy."
Dù các chính trị gia Mỹ đưa ra những luận điệu cứng rắn, thực tế là Trung Quốc đã xúc tiến những hành động khẳng định quyền kiểm soát khu vực có tranh chấp, biến những bãi san hô và những bãi đá thành những hòn đảo nhân tạo có thể hỗ trợ những cơ sở quân sự và đường băng.
'Little Saigon'
Người Mỹ gốc Việt lâu nay vẫn mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề Biển Đông, có lúc thậm chí còn tổ chức những cuộc biểu tình trước đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington hoặc những lãnh sự quán khác để phản đối những hành động của Bắc Kinh.
California là bang có dân số người Mỹ gốc Việt đông nhất. Nhiều người sống ở Vùng Vịnh, bao gồm San Francisco, nơi họ tập trung trong một khu phố xuống cấp nhưng nhộn nhịp được gọi là Tenderloin.
Hai block nhà trong khu vực đồi núi trập trùng này được chính thức định danh là Little Saigon vào năm 2004 và có nhiều nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng tạp hóa do người Việt làm chủ. Một cặp tượng sư tử đá đứng gác ở cổng vào.
Đây là một trong những khu vực duy nhất còn sót lại trong thành phố nơi mà người ta có thể thuê được một căn hộ giá vừa phải, theo lời ông Philip Nguyen, giám đốc điều hành của Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á. Trung tâm này mở những lớp về nhập tịch và cung cấp hỗ trợ cho những người nhập cư thu nhập thấp, cùng những dịch vụ khác.
"Chúng tôi giờ là người Mỹ, nhưng nhiều người vẫn còn đau đáu nhìn về" Việt Nam. Ông giải thích mối quan tâm của cộng đồng người Việt đối với Trung Quốc: "Chúng tôi hiểu lý do tại sao Trung Quốc phải bành trướng. Nhưng nếu họ bành trướng gây tổn hại cho chúng tôi thì chúng tôi phải lo lắng."
Lá phiếu có ảnh hưởng
Những chiến dịch tranh cử tổng thống thường không bỏ công sức tiếp cận khối dân nhập cư ở những bang như California, nơi đã bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong mọi cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1992.
Nhưng khối cử tri người Đông Nam Á có thể đóng một vai trò then chốt ở những nơi khác, chẳng hạn như ở Florida, Nevada hoặc Virginia, tất cả những bang chiến trường chính yếu mà có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Nhấm nháp ly cà phê đá ở ngoài hiên một quán cà phê của người Việt tại thành phố Falls Church, bang Virginia, ông Lam Nguyen thẳng thừng nêu suy nghĩ của mình về tranh chấp Biển Đông.
"Tôi không thích Trung Quốc," người tài xế này nói. "Tôi muốn quân đội Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông."
Ngồi gần đó là Keith Lee, một người tổ chức công đoàn địa phương. Ông cũng nói ông không thích việc Trung Quốc tỏ ra hung hăng với Việt Nam, nhưng hoài nghi rằng có nước nào có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Trung Quốc.
"Kẻ lớn luôn tìm cách giành phần lớn thôi," ông Lee ta thán. "Đây là thế giới thực."
Khoảng 150.000 triệu người Mỹ gốc Việt và gốc Philippines sống ở Virginia. Dù đó là tỉ lệ nhỏ trong số 8,3 triệu người sống ở Virginia, vài năm nữa con số này sẽ đủ lớn để đổi chiều một cuộc bầu cử.
Chỉ cần hỏi Thượng nghị sĩ Mark Warner thì sẽ rõ. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ bang Virginia này giành một ghế ở Thượng viện vào năm 2014 với cách biệt chỉ 17.000 phiếu.
Ông Warner, theo Đảng Dân chủ, đã tiến hành một nỗ lực có phối hợp để tiếp cận cử tri người Mỹ gốc Á và cuối cùng giành được lá phiếu của họ với tỉ lệ 2-1. Điều này có nghĩa là chỉ riêng số phiếu của người gốc Á không thôi là đã đủ để giúp ông về nhất.
Một thập niên trước, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ theo Đảng Dân chủ từ Virginia, Jim Webb, giành được ghế tại Thượng viện với cách biệt hết sức mong manh với chỉ 9.000 phiếu bầu, một phần cũng nhờ tiếp cận cử tri người Mỹ gốc Á.
Không biết bầu cho ai
"Tôi nghĩ ông Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng tôi thực sự không biết," ông Binh Tran nói. Ông sở hữu và quản lý một tiệm bánh ở Trung tâm Eden ở Falls Church, một khu thương mại đầy những cửa hàng do người Việt làm chủ.
Nhìn chung, người Mỹ gốc Á đang có quan điểm chính trị tự do hơn và phần lớn không thích ông Trump, theo một cuộc thăm dò được thực hiện hồi tháng 5 bởi một nhóm những tổ chức vận động của người Mỹ gốc Á.
Nhưng người Mỹ gốc Á không bỏ phiếu thống nhất. Chẳng hạn như người Mỹ gốc Việt lâu nay thường bỏ phiếu cho phía Cộng hòa, một phần vì những ứng cử viên Cộng hòa được xem là cứng rắn hơn đối với với chính quyền cộng sản.
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho ông Trump trong khối dân gốc Philippines có thể bị tổn hại vì ông Trump đưa Philippines vào danh sách "những quốc gia khủng bố" màà ông sẽ cấm nhập cảnh.
Tình hình này trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã có những phát biểu chỉ trích mối quan hệ quân sự của Manila với Mỹ, và được cho là đang đưa đất nước ông xích lại gần Trung Quốc.
Tiếp cận
Cả bà Clinton và ông Trump đều đã có những nỗ lực nhằm tiếp cận người Mỹ gốc Á.
Vào tháng 1, chiến dịch tranh cử của bà Clinton ra mắt một nhóm có tên là Cử tri Mỹ Người gốc Á và đảo Thái Bình Dương Ủng hộ Hillary. Đầu tuần này, ông Trump loan báo thành lập một Ủy ban Cố vấn Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương "để hỗ trợ và củng cố những mối quan hệ" với cộng đồng đó.
Nhưng không rõ liệu hai ứng cử viên có sử dụng vấn đề Biển Đông để cố gắng giành phiếu hay không. Giáo sư Lewis của trường Đại học Rice cho biết đó có thể là một chiến lược mạo hiểm.
"Bà Clinton sẽ khôn ngoan khi tỏ ra thận trọng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam hay Philippines, vì lịch sử phức tạp của chúng ta với hai nước này," ông nói.