Nga đang chuẩn bị ăn mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai bằng nhiều sự kiện mà cao điểm là lễ duyệt binh hoành tráng vào 10 giờ sáng ngày 9 tháng 5 từ Quảng trường Đỏ đi qua khắp trung tâm Moscow.
Vào một ngày thứ Bảy mới đây tại Công viên Chiến thắng ngay trung tâm Moscow, công nhân xây dựng dựng một sân khấu tạm để đọc diễn văn và bắn pháo hoa trong khi các cặp trai gái, các gia đình, và du khách đi dạo chơi, đi xe đạp, trượt pa-tanh và đạp xe gần đó. Những tấm bích chương lớn với hình ảnh các lãnh tụ quân đội Xô viết trong Thế chiến thứ hai, được chính thức gọi là Cuộc chiến tranh Đại Ái Quốc, được treo dọc theo con đường đi bộ chính dẫn tới viện bảo tàng chiến tranh.
Tại cổng vào viện bảo tàng là những biểu hiện ghi ơn những người đã chịu đau khổ vì chiến tranh, một ngọn lửa vĩnh cửu và một cột hình tiêm bi cao đúng 141 mét 8, mỗi 10 centimet tiêu biểu cho một ngày của cuộc chiến tranh.
Chiến tranh đã gây tổn thất cho Nga, dưới thời liên bang Xô viết, hàng triệu người tử vong, khiến không một ai mà không có gia đình hay bạn bè bị các vết sẹo của những năm chinh chiến.
Ông Ivan Karpov làm nghề bán xe hơi cho biết họ đã chết để những người khác có thể sống trong tự do và để những người khác khỏi phải khóc thương họ.
Ông nói: “Ông nội tôi đã tham chiến, và nhờ Thượng Đế, còn sống mà trở về. Đối với nhiều người cũng thế. Chúng ta không nên quên điều đó.”
Sinh viên luật Ivan Makarov nói Ngày Chiến thắng không hẳn là một ngày lễ mà là một ngày để tưởng nhớ tất cả những hy sinh, rằng những hy sinh này không phải là vô ích và mang nhiều ý nghĩa.
Anh nói: “Đối với tôi dường như ký ức về những hy sinh này ắt phải nói với thế hệ trẻ tuổi hơn, không phải chỉ người Nga, mà người trẻ trên khắp thế giới, rằng chiến tranh là một tai họa có quy mô to lớn. Chiến tranh không có gì là tốt đẹp cả và chúng ta cần phải ghi nhớ điều ấy.”
Cuộc diễn hành năm nay sẽ là cuộc diễn hành lớn nhất trong lịch sử Nga với hơn 14 ngàn binh sĩ và hàng trăm quân xa và vũ khí hạng nặng.
Việc diễu hành các vũ khí quân đội kiểu Xô viết đã bị đình chỉ hồi đầu thập niên 1990, khi liên bang Xô viết sụp đổ. Nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã hồi sinh tập tục này vào năm 2008, trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc đối với quá khứ hùng mạnh của Nga.
Người đứng đầu công ty xây dựng Valery nói việc biểu dương sức mạnh quân sự là để dành cho người Nga, “để người dân chúng tôi biết rằng chúng tôi hùng mạnh và tinh thần vững chãi.” Nhưng ông nói: "Nó cũng dành cho một cử tọa nước ngoài để mọi người nghĩ không tốt về chúng tôi cũng như đừng cho là chúng tôi yếu kém và bất lực.”
Cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm đang bị lu mờ vì những diễn biến ở Ukraine, nơi Nga đã vận dụng sức mạnh quân sự. Các nhà lãnh đạo quân sự, trong đó có Đức và các đồng minh thời chiến của Nga là Anh, Pháp và Hoa Kỳ, đã làm lơ trước cuộc diễu binh bởi vì việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và sự hỗ trợ quân sự hiện đang dành cho phiến quân thân Nga. Các biện pháp chế tài Tây phương nhắm vào Nga, cùng với giá dầu xuồng thấp đang đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
Nhưng các nhà lãnh đạo Châu Á sẽ đến dự, kể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và một số người cho rằng đây là một sự kiện chứng tỏ chính sách “Hướng Đông” của Moscow đang đem lại kết quả.
Sinh viên luật Makarov nói việc quay ra hướng đông không phải là điều lạ. Anh nói: “Chúng ta có các quan hệ tốt về lịch sử với Trung Quốc, quá khứ cộng sản của chúng ta, và của họ. Và bởi lẽ chúng ta không nhận được hậu thuẫn của phương Tây vì những diễn biến đang xảy ra, tại sao không quay sự chú ý qua hướng Đông? Nhất là khi có lợi về kinh tế và chính trị.”
Bất chấp những sự làm lơ, chuyên viên thảo chương điện toán Viktor Fedoseev nói ông không tin rằng các nhả lãnh đạo Tây phương có thái độ xấu đối với Ngày Chiến thắng.
Ông nói cho biết: “Tôi nghĩ họ ở trong một vị thế khó khăn. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quóc thì không. Họ không tham gia chế tài. Họ không có biện pháp chống Nga. Việc đến dự đối với họ là đơn giản. Tôi không cho rằng đây là bằng chứng Nga đang quay sang hướng Đông, hay làm bất cứ gì tương tự. Tôi nghĩ đó chỉ là tình hình ngay lúc này. Đối với một số người chuyện đến dự là đơn giản, đối với những người khác lại là việc khó.”
Lãnh tụ cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un, đã dự định tham dự trong khuôn khổ chuyến đi đầu tiên ra ngoài quốc gia cô lập, những đã hủy bỏ vào phút chót, vì “các vấn đề nội bộ,” theo các giới chức Nga.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ đến dự, sau khi dừng chân ở Kyiv, cùng với các nhà lãnh đạo của hầu hết các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ, trừ Ukraine và Belarus.
Chuyên gia tiếp thị Natalia Matukhina nói bất chấp việc các nhà lãnh đạo nước ngoài có tham dự hay không, Nga nên tập trung sự chú ý vào các cựu chiến binh. Bà nói: “Điều đâu tiên là lòng tôn kính đối với các cựu chiến binh. Đó là ngày để gọi họ, đi thăm họ, tưởng nhớ họ. Dĩ nhiên, thật là quá tệ khi các nước Tây phương đổ dồn các diễn biến này vào lịch sử của chúng ta mà nay lại từ chối không đến. Nhưng cuộc diễn hành sẽ không vì thế mà xấu hơn.”
Các quốc gia không gửi người lãnh đạo đến dự sẽ được đại diện bởi các vị đại sứ ở Nga. Các giới chức Nga cho hay Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steimeier dự trù sẽ tham dự cuộc diễu hành, trong khi Thủ tướng Angela Merkel sẽ đến Moscow một ngày sau để mở các cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Putin về quan hệ với phương Tây và tình hình ở Ukraine.