Đường dẫn truy cập

Người Nga ở Donetsk: Ông Putin là vị cứu tinh


Hàng ngàn người thân Nga theo dõi bài diễn văn của Tổng thống Nga Putin về vấn đề Crimea được truyền hình trực tiếp ở Sevastopol, Crimea, 18/3/2014.
Hàng ngàn người thân Nga theo dõi bài diễn văn của Tổng thống Nga Putin về vấn đề Crimea được truyền hình trực tiếp ở Sevastopol, Crimea, 18/3/2014.
Phát biểu hôm thứ Ba trước thượng viện Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông không nhắm mục tiêu chia cắt Ukraina nhưng người sắc tộc Nga nói họ vẫn muốn gia nhập Liên bang Nga giống như Crimea.

Ðây là một buổi tối giá buốt ở quãng trường Lenin của Donetsk, nhưng cái lạnh đã không ngăn một đám đông nhỏ tiếp tục cuộc biểu tình đã kéo dài nhiều tuần lễ để phản đối chính phủ mới của Ukraina ở Kyiv. Họ nói họ muốn theo gương Crimea và ly khai với Ukraina để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Ông Denis, 70 tuổi, nói chính phủ mới ở Kyiv đang làm cho mọi người nghèo hơn và dân chúng ở đông bộ Ukraina không thể chịu đựng nổi các chính trị gia ở thủ đô nữa.

Bà Vera, 62 tuổi, nói bà muốn Donetsk vẫn thuộc về Ukraina nhưng những người sắc tộc Nga đang buộc phải yêu cầu ông Putin giúp đỡ vì các chính trị gia ở Kyiv không quan tâm đến đông bộ Ukraina và họ chỉ nghĩ đến bản thân họ.

Donetsk nằm giữa lòng vùng than đá Donbass và là một trong các thành phố công nghiệp chính của Ukraina. Các nhà hoạt động ở quãng trường Lenin đang đòi phóng thích một người hoạt động vừa tự nhận mình là “tỉnh trưởng nhân dân” của khu vực trong tháng này.

Và họ ca ngợi các hành động của các phần tử ly khai Nga ở Crimea, đã xông vào một căn cứ hải quân Ukraina ở thành phố Sevastopol của Crimea. Sự kiện diễn ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Crimea ký một hiệp ước với Nga sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi.

Các nhà lãnh đạo mới của Ukraina đang ngày càng lo lắng về những cuộc biểu tình ở các thành phố đông bộ Ukraina, nơi sinh cư của số đông người sắc tộc Nga. Các cuộc biểu tình đã bùng ra khi hơn 5.000 người biểu tình thân Nga tràn vào trung tâm Donetsk đập phá cửa và xông vào các công ốc.

Ba người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình mới đây ở đông bộ Ukraina.

Các chính trị gia ở Kyiv tuyên bố Moscow đã lén đưa những người Nga khiêu khích để xúi giục nổi loạn - một lời cáo buộc mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đưa ra. Ðiện Kremli bác bỏ cáo giác này và đã cảnh báo sẵn sàng gửi lực lượng đến chiếm đóng vùng biên giới để bảo vệ người sắc tộc Nga – là lý do ban đầu được đưa ra để chiếm đóng Crimea.

Các nhà hoạt động thân Nga bác bỏ những tuyên bố vừa kể, và giơ hộ chiếu Ukraina ra để chứng minh là họ đến từ Donetsk.

Các nhà lãnh đạo mới của Ukraina, đã thay thế Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng Hai sau nhiều tháng biểu tình phản đối chế độ của ông, đang tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của người Nga bằng cách đề nghị cải cách.

Họ hứa sẽ phi trung ương hoá nhiều hơn trong khi vẫn bảo toàn sự thống nhất của Ukraina, nghĩa là dành cho các khu vực, các thành phố, và các quận hạt quyền hành rộng rãi hơn và tài trợ cần thiết để phát triển.

Nhưng một trong các quyết định của quốc hội Ukraina sau khi ông Yanukovych bỏ trốn sang Nga vẫn còn gây khó chịu. Các nhà lập pháp đã thông qua dự luật bãi bỏ một bộ luật cho phép các khu vực sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức thứ hai. Quyền tổng thống Ukraina phủ quyết việc bãi bỏ này nhưng người sắc tộc Nga nêu ra điểm đó là bằng chứng cho thấy Kyiv thực sự nghĩ gì về họ.

Ông Artyom, một doanh gia 36 tuổi, nói cải cách bây giờ là quá muộn. Donetsk nên là một phần của Liên bang Nga và ông cho rằng điều đó là tốt nhất.

Mặc dầu Tổng thống Putin hôm thứ Ba tỏ ý cho thấy ông không có kế hoạch gì thêm cho lãnh thổ Ukraina, người Ukraina e rằng nay ông đang chuẩn bị lấn đất thêm ở các vùng có khối dân đa số thuộc sắc tộc Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG