Đường dẫn truy cập

Dân Philippines hoan nghênh quân đội Mỹ trở lại


Một gia đình người Philippines đi dạo trên bãi biển tại Vịnh Subic. Phía sau là chiến hạm USS Harpers Ferry của hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh tư liệu chụp ngày 17/2/2006).
Một gia đình người Philippines đi dạo trên bãi biển tại Vịnh Subic. Phía sau là chiến hạm USS Harpers Ferry của hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh tư liệu chụp ngày 17/2/2006).

Cách đây hơn hai thập niên, các giới chức Philippines ra lệnh cho Hải quân Mỹ đóng cửa căn cứ hải quân lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ. Dân chúng Philippines hậm hực về hình ảnh người Mỹ thuộc địa hóa Vịnh Subic và chán ngán cảnh quân nhân Mỹ gây ra nhiều rắc rối tại các quán rượu bên ngoài căn cứ. Nhưng nay Hải quân Mỹ đang trở lại và người dân địa phương hoan nghênh binh sĩ Mỹ quay trở lại. Thông tín viên Ralph Jennings tường trình cho Đài VOA từ Vịnh Subic về những gì khiến có sự thay đổi này.

Từ hơn 1 năm nay, quân nhân Mỹ đã trở lại thăm căn cứ cũ tại Vịnh Subic ở Philippines. Nhưng không giống như những năm sau Thế Chiến Thứ Hai. Nay quân lực Philippin đảm trách cảng chiến lược này và muốn Hoa Kỳ giúp sức trong việc chống lại Trung Quốc tại vùng biển đang tranh chấp ở ngoài khơi bờ biển phía tây. Bãi cạn Scarborough nơi hai bên đối đầu cách đây 3 năm, chỉ cách Philippines 200 kilômét.

Anh Lance Gboy, 26 tuổi, làm nghề lái xe, giải thích vì sao anh nồng nhiệt hoan nghênh người Mỹ trở lại.

Anh Gboy tán thành việc binh sĩ Mỹ có mặt tại Philippines. Anh cho rằng sự kiện này giúp ích cho Philippin, nhất là về vấn đề Bãi cạn Scarborough. Anh nói phần lớn khách hàng của anh là người Mỹ và anh thấy không có vấn đề gì.

Trung Quốc tranh chấp với Philippines từ năm 2012, khi tàu thuyền của hai bên đối đầu với nhau trong hai tháng tại Bãi cạn Scarborough ngoài khơi bờ biển phía tây của Philippines. Một năm sau đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã làm Trung Quốc tức giận qua việc yêu cầu Tòa án Liên hiệp quốc phán xét về căn bản pháp lý của việc Bắc Kinh đòi chủ quyền hầu như toàn bộ 3,5 triệu kilômét vuông tại Biển Đông.

Manila cũng nhận chủ quyền phía tây của biển này, nơi giàu tài nguyên về hải sản-một nguồn lợi chính của nền kinh tế Philippines-và có thể chứa một trữ lượng dồi dào về dầu mỏ và khí đốt. Quân đội Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới, vượt trội Philippines. Do đó năm ngoái Philippines ký một Hiệp ước Hợp tác Tăng cường Phòng thủ với Washington, là một nước từng đô hộ quần đảo này và vẫn còn là một đồng minh quân sự trung thành.

Thỏa thuận đó cho phép Hải quân Hoa Kỳ sử dụng vịnh nước sâu này để chuyển khí tài và nhân viên quân sự cho những cuộc tập trận chung hàng năm. Vào tháng 4 năm nay, 6.000 binh sĩ Mỹ đã đến Vịnh Subic để tập trận. Các chiến hạm Mỹ cũng dùng Vịnh Subic như là một cảng tiếp liệu cho những chuyến hải hành thường lệ.

Khi Hoa Kỳ còn điều hành căn cứ rộng 679 kilômét vuông, có đến 5.800 binh sĩ Mỹ trú đóng tại đây. Hoa Kỳ đã chiếm đóng Philippines làm thuộc địa từ năm 1898 đến năm 1946 sau gần 3 thế kỷ Philippines nằm dưới quyền đô hộ của Tây Ban Nha. Binh sĩ Mỹ mang tiếng xấu vì những vụ rắc rối với các cô gái Philippin làm việc tại khoảng 60 quán rượu ở thành phố Olongapo bên cạnh căn cứ.

Lần này, Quân đội Philippines chủ động mời Hoa Kỳ trở lại và sự sắp xếp này không gây lo ngại là Philippines sẽ trở nên thuộc địa một lần nữa. Doanh nhân Stephen Lyon tại Olongapo nói quân đội Philippines nắm quyền kiểm soát có tác dụng xoa dịu công luận.

Ông Lyon cho rằng đó là điều quân đội đang làm, họ nói họ nắm quyền kiểm soát. Philippines luôn luôn yêu mến Hoa Kỳ, nhưng trước đây đã xảy sự phản bội và những vấn đề xấu hơn.

Hiện nay hải quân Mỹ hạn chế nhân sự của mình trong một khu vực không bao gồm nơi có nhiều quán rượu, rõ ràng việc qui định này được áp dụng sau khi một binh nhất thủy quân lục chiến Mỹ bị truy tố về tội giết một người đàn ông chuyển giới ở địa phương trong một khách sạn ở Olongapo. Những người khách quân đội ngày nay thường lui tới một thương xá sang trọng với 200 cửa hàng, trong đó có nhiều hệ thống cửa hàng nổi tiếng của Mỹ.

Dân chúng ở Olongapo vẫn còn trông đợi sự trở lại của binh sĩ Mỹ sẽ thúc đẩy công cuộc làm ăn buôn bán cho 220.000 cư dân ở đây. Ông Mar Amil, một người bán hàng 45 tuổi đang kiếm tiền bằng cách rao bán điện thoại di động dọc theo một con đường các du khách nước ngoài thường lui tới cho biết.

Ông Mar nói dân chúng thích người Mỹ trở lại Vịnh Subic vì công việc làm ăn buôn bán tại đây. Theo ông gần như 99% cư dân thích người Mỹ có mặt tại đây. Không có vấn đề đòi đuổi Mỹ ra khỏi đây.

Binh sĩ Mỹ sẽ lại đến Vịnh Subic vào tháng 4 năm 2016 để mở các cuộc thao diễn chung với Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG