Trong số khoảng 3 ngàn thuyền nhân đã đổ bộ lên Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong những tuần lễ vừa qua, khoảng một nửa là người sắc tộc Rohingya đi lánh nạn bị ngược đãi ở Myanmar. Còn lại là những người đàn ông Bangladesh đang tuyệt vọng tìm cách để nuôi sống gia đình, khiến họ thực hiện hành trình nguy hiểm bằng đường biển.
“Một số lớn đàn ông từ Bangladesh lên thuyền với hy vọng đến được Malaysia để kiếm việc. Trong thuyền của chúng tôi, số người Bangladesh vượt trội số người từ Myanmar. Trong số 160 hay 170 người, có tới 116 người đàn ông Bangladesh.” Đó là lời kể của anh Ibrahim Hossain, một người Bangladesh trẻ tuổi đã ở trên thuyền của các tay buôn bán người từ hơn 1 tháng nay.
Nhóm đàn ông Bangladesh, trong đó có Hossain, được Đội Tuần duyên Bangladesh giải cứu từ một chiếc thuyền ở Vịnh Bengal hồi tuần trước sau khi bị đội thủy thủ bỏ rơi, có thể là vì vụ trấn át các mạng lưới buôn bán người ở Thái Lan.
Anh Hossain nói với đài VOA: “Tôi nghe từ nhiều nguồn tin có bao nhiêu người đã tìm được việc làm tốt ở Malaysia sau khi đến đó bằng các tàu lưới cá. Vì thế, với hy vọng tìm được một việc làm ở Malaysia, tôi cũng cố gắng để đến được như thế.”
Mặc dầu chiếc thuyền chở Hossain không đến được Thái Lan, nhiều người đàn ông Bangladesh khác đã tìm cách đến được các bờ biển của các nước đông nam châu Á trong những ngày gần đây.
Thêm nhiều người Bangladesh liều thực hiện các hành trình nguy hiểm trên biển
Tuần trước, sau khi 3 chiếc thuyền chở đầy người lặng lẽ đổ bộ lên hòn đảo Langkawi của Malaysia, nhà chức trách đã tìm thấy trong số 1018 thuyền nhân thì có 463 người là đàn ông thuộc sắc tộc Rohingya, đàn bà và trẻ em từ Myanmar và 555 người là từ Bangladesh.
Hồi đầu tháng này, Tổ chức Di trú Quốc tế IOM ước tính có khoảng 8 ngàn người từ Myanmar và Bangladesh vẫn còn lênh đênh trong vịnh Bengal và Biển Andaman.
Trưởng phái bộ IOM ở Thái Lan, ông Jeffrey Lebowitz cho biết con số người di trú Bangladesh muốn đến Malaysia trên các tàu thuyền của bọn buôn bán người đã tăng vọt trong 2 năm vừa qua.
Ông Lebovitz nói, “Nếu ta quay trở lại cách đây 3 hay 5 năm, có chừng 2 ngàn đến 3 ngàn người ra đi mỗi năm trên những tàu thuyền này. Trong 6 hay 8 tháng vừa qua, họ đã lên đường với mức độ từ 7 đến 8 ngàn người một tháng. Vì thế đã có sự gia tăng đáng kể về số người nhất là người Bangladesh trong 2 năm vừa qua.”
Malaysia từng là nơi đến của công nhân di trú Hồi giáo nghèo. Người sắc tộc Rohingya ở Myanmar bắt đầu vào Malaysia một cách bất hợp pháp để tìm việc vào đầu thập niên 1990.
Cảnh sát Bangladesh cho hay họ nhận thấy rằng đàn ông Bangladesh bắt đầu cùng với người Rohingya đáp những chuyền tàu thuyền cách đậy khoảng 6, 7 năm.
Ông Tofail Ahmed, thanh tra cảnh sát ở quận Cox’s Bazar, nói với đài VOA, “Theo gót người Rohingya, một số người Bangladesh bắt đầu đi tàu thuyền khoảng năm 2008 hay 2009. Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy chính vào năm 2012 mà số đàn ông Bangladesh từ nhiều quận khác nhau lên đường đến Malaysia với số lượng đông đảo.”
Khoảng 1 phần tư trong só 160 triệu người ở Bangladesh sống dưới mức nghèo khó. Thiên tai thường xảy ra như lụt lội và bão tố đã làm cho đời sống ngày càng khó khăn đối với nhiều người, khiến một số đông ra nước ngoài để tìm cơ hội tốt hơn.
Các chọn lựa ngày càng ít cho công nhân di trú Bangladesh
Những nước như Ả Rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Oman, Jordani, Singapore và Malaysia lâu nay vẫn l2 nơi nhắm đến của đa số lao động di trú Bangladesh. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, đa số các nước này bắt đầu cắt giảm lượng lao động nhập cư từ Bangladesh trong những năm gần đây.
Năm 2008, theo một số liệu của chính phủ, hơn 879 ngàn người Bangladesh làm việc ở nước ngoài – hầu hết ở các nước vùng Vịnh. Nhưng năm 2014, con số đó sụt xuống chỉ còn 425 ngàn.
Tiếp theo một sự tạm ngưng trong 6 năm, đến năm 2013, Malaysia lại tiếp tục mướn lao động từ Bangladesh. Tuy nhiên, tiến trình xuất khẩu lao động qua Malaysia đã rất chậm chạp – chỉ có khoảng 7 ngàn người Bangladesh được phép nhập cư trong 2 năm vừa qua.
Trong khi công nhân mất hy vọng tìm được công việc bằng đường lối di trú hợp pháp, những người đàn ông Bangladesh vô vọng tìm cách vào Malaysia một cách bất hợp pháp qua các tàu thuyền của bọn đưa lậu người.
Những tay đưa lậu người thường chở người Rohingya và sau đó là người Bangladesh bằng đường biển đến Thái Lan, rồi đi bằng đường bộ qua Malaysia. Nhưng sau khi Thái Lan bắt đầu trấn át tuyến đường di dân hồi gần đây, các tay đưa lậu người đang dùng các tuyến đường biển để tìm cách đưa người qua Malaysia.
Con đường di trú bất hợp pháp đến Thái Lan và Malaysia lâu nay vẫn đầy bất trắc. Cơ quan tỵ nạn LHQ, UNHCR, cho biết trong năm ngoái có 540 thuyền nhân trên đường đi Malaysia đã chết trong Vịnh Bengal vì đói, mất nước, bệnh tật và bị tra tấn dưới tay các thủy thủ đoàn và các tay đưa lậu người.
Những người sống sót nói với Liên Hiệp Quốc rằng có khoảng 300 người từ Bangladesh và Myanmar đã chết ngoài biển trong quý đầu năm nay. Sau vụ phát hiện mới đây hàng chục xác người trong các nấm mồ tập thể ở nam bộ Thái Lan, điều đã trở nên rõ ràng là dân di trú từ Bangladesh và Myanmar cũng bỏ mình trên đất liên, trong khi bị các tay buôn bán người.
Nhiều người vẫn thực hiện cuộc hành trình bất chấp rủi ro
Ông Mohammed Shahiduzzaman, một cựu thành viên của đảng Dân tộc Bangladesh nói sự vô vọng của những người đi tìm việc làm ở nước ngoài đã kéo dài mùa đi biển của các tàu thuyền hướng về phía Malaysia, khiến cho cuộc hành trình thêm phần nguy hiểm.
Ông Shhiduzzaman nói, “Cho đến cách đây 1 hay 2 năm, tàu thuyền chở người đến Malaysia vẫn khởi hành từ Bangladesh thường chỉ trong mùa đông – từ tháng 11 đến tháng 2, là lúc biển lặng. Nhưng nay các tàu thuyền bất hợp pháp chạy suốt năm với số người Bangladesh ngày càng tăng tìm cách đến Malaysia.”
Ông Abdul Hakim, một người kéo xe ở xã Khutakhali thuộc Cox’s Bazar nói ông dự định lên đường đi Malaysia vào mùa đông sắp tới.
Ông Hakim nói: “Tôi không thể nuôi sống gia đình bằng thu nhập ít ỏi ở Bangladesh. Tình hình việc làm ở đây rất u ám. Một số người tôi biết đang làm việc ở Malaysia rất tốt và họ gửi khá tiền về nước. Vì thế, tôi quyết định xuống thuyền đi Malaysia.”
Ông nói thêm rằng ông biết rõ về những hiểm nguy dọc theo tuyến đường bất hợp pháp đến Malaysia mà vẫn có ý định ra đi.
“Có quá nhiều người đã thay đổi được vận mệnh qua việc chấp nhận những rủi ro như thế. Đời sống đầy những rủi ro. Tôi vui lòng chấp nhận rủi ro trên đường đi Malaysia.”