Cùng với các dân tộc gốc Hoa tại Mỹ, các nhóm cộng đồng người Việt trưa ngày 16/11 đã biểu tình phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình đang dự Hội nghị APEC tại San Francisco, California, gọi ông là nhà lãnh đạo “độc tài”. Họ phản đối sự bá quyền, xâm phạm lãnh hải Việt Nam của chính quyền ông Tập.
Ông Lê Đình Thọ, một cư dân ở San Jose, tham gia cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nói với VOA về mục đích của kiện này:
“Tôi muốn nói lên cho thế giới biết rằng các vị lãnh đạo APEC đừng có lầm những xảo ngôn vì xưa nay cộng sản nói láo, nên làm ăn với họ chỉ có thua thiệt. Những kinh nghiệm của người Việt Nam và người Trung Hoa dưới chế độ cộng sản đã cho thấy một bài học sống chết, xương máu…
“Hôm nay, tôi muốn nói cho các lãnh tụ APEC thấy rằng đừng tin những người cộng sản nói. Chúng tôi chỉ gióng lên tiếng nói lương tâm chân chính của chúng ta đối với hội nghị APEC”.
Ông Nguyễn Viết Nhân, một người tham gia biểu tình đến từ thành phố Stockton, California, nói với VOA:
“Trung Quốc ngày hôm nay có xu hướng vi phạm chủ quyền của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là vấn đề họ chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.
Một biểu ngữ của đoàn biểu tình người Việt viết: “TS-HS-VN”, viết tắt tên các quần đảo mà Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp.
Những người biểu tình cũng đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về các tuyên bố “phi pháp” đối với đường 10 đoạn ở Biển Đông của Bắc Kinh.
VOA đã liên lạc Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco và Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, yêu cầu họ bình luận về cuộc biểu tình này, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Lê Trung Khương, một thành viên trong bàn điều Hợp cộng đồng người Việt Bắc California, nói với VOA:
“Khi ông Tập Cận Bình chủ trương “Một Vành đai – Một Con đường”, ông sử dụng những món nợ, gọi là bẫy nợ để buộc những quốc gia nhược tiểu phải đi theo con đường của ông. Những cái bẫy nợ đó là một hình thức tham nhũng buộc những nhà cầm quyền của những quốc gia nhược tiểu đó phải làm theo chiến lược của Trung cộng là chống lại Hoa Kỳ và những lợi ích thiết thực.
“Đây là những điều mà chúng tôi đã nhận thức được, chính ông Tập Cận Bình và tập đoàn cộng sản của ông khiến cho người dân ở đất nước của chính ông chịu nhiều gian nan và thế giới cũng đang bị rối loạn vì chủ trương bá quyền, hung hãn của Trung cộng…”.
Ban tổ chức cuộc biểu tình cho biết họ đã liên kết với các cộng đồng người gốc Hoa khác nhau tại Mỹ để có tiếng nói mạnh mẽ đối với phái đoàn từ Bắc Kinh.
Ông Khương cho biết:
“Chúng tôi cũng liên lạc với các tổ chức của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Hong Kong, người Đài Loan và Pháp Luân Công để có tiếng nói chung, với sự phối hợp chặt chẽ. Cuộc biểu tình này với mục đích rất rõ ràng vì các tổ chức này là nạn nhân đích thực của chủ nghĩa Trung cộng tàn ác. Tất cả các sắc dân này đã phối hợp với ban tổ chức biểu tình vùng Bắc California để thực hiện, kết hợp với rất nhiều tổ chức cộng đồng người Việt khác”.
Hôm 15/11, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp kéo dài bốn giờ giữa lúc các nhóm người ủng hộ và phản đối Trung Quốc. Hai nhóm hô khẩu hiệu và bật nhạc bên ngoài phạm vi an ninh của Trung tâm Moscone, nơi hội nghị thượng đỉnh đang được tổ chức, theo đài CNA.
Hãng tin Reuters mô tả cuộc biểu tình hôm 15/11: hàng trăm người chỉ trích Tập đã tuần hành qua trung tâm thành phố vào khoảng giữa trưa, một cuộc biểu tình lớn chống lại nhà lãnh đạo. Họ di chuyển qua trung tâm thành phố, hô vang “Tự do cho Tây Tạng tự do” và “Tự do cho Hong Kong”.
Kênh ABC 7 News tường thuật hôm 15/11 rằng có những cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco. Đây được coi là “cuộc biểu tình không được chào đón lớn nhất” chống lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hàng chục người biểu tình lên tiếng cho đồng hương ở quê nhà của họ, những người mà họ tin rằng đang phải chịu đau khổ dưới thời ông Tập.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau đó, ông Biden cho rằng các cuộc thảo luận giữa hai ông là “mang tính xây dựng và hiệu quả”. Ông Biden vẫn gọi ông Tập là “nhà độc tài”, lặp lại phát biểu hồi tháng 6, điều mà Bắc Kinh vào thời điểm đó cho là “khiêu khích”, truyền thông Mỹ cho biết.
Mặc dù bình luận này có thể gây ra phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc, nhưng sau cuộc họp, ông Biden đã thành công trong việc thuyết phục ông Tập Cận Bình hợp tác để ngăn chặn dòng fentanyl, nối lại các cuộc đàm phán quân sự cấp cao và bắt đầu thảo luận về việc quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nhưng dường như cả hai nhà lãnh đạo đều không đề cập đến những rạn nứt quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.
Ông Tập yêu cầu Mỹ “ngưng trang bị vũ khí cho Đài Loan”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nguyên thủ hai nước trao đổi sâu trực tiếp, đã đưa ra những ý kiến mang tính chỉ đạo về những vấn đề nổi bật nhất như thiết lập sự hiểu biết đúng đắn về nhau, kiểm soát ổn thoả những bất đồng, thúc đẩy đối thoại và hợp tác... đồng thời chỉ rõ phương hướng và vạch kế hoạch cho việc thực hiện phát triển quan hệ Trung – Mỹ lành mạnh, ổn định và bền vững, theo đài CRI.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc muốn làm bạn với Mỹ và cho biết đất nước của ông sẽ không gây chiến với bất kỳ ai, một trong những nhận xét rõ ràng nhất của ông thể hiện mong muốn có mối quan hệ hòa bình giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo trang Bloomberg.
“Dù đạt đến giai đoạn phát triển nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi quyền bá chủ hay bành trướng và sẽ không bao giờ áp đặt ý muốn của mình lên người khác”, ông Tập nói hôm 15/11 trong bữa tiệc tối với các lãnh đạo doanh nghiệp APEC.
Diễn đàn