Đường dẫn truy cập

Thấy gì qua ‘khẩu khí Nguyễn Đức Chung’?


Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư.
Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư.

Ngày 7 tháng Bảy năm 2017, vụ Đồng Tâm chính thức biến diễn sang một giai đoạn mới mang tên “Hồi tố”, sau giai đoạn đầu mang tên “Nổi dậy”.


Cú lật tê tái


Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung - nhân vật từng lăn tay, và cùng với đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng ký sống vào bản cam kết “không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm” vào cuối tháng 4/2017, nhưng sau đó đã quay ngoắt “khởi tố là việc của cơ quan điều tra” - bất ngờ có một bài phát biểu dài và có chất hùng biện tại Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức vào buổi sáng ngày 7/7/2017, ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố dự thảo kết luận về đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Trong dự thảo thanh tra trên, người dân Đồng Tâm đã phải nhận một cú lật tê tái: Thanh tra Hà Nội khẳng định không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp đồng Sênh, mà toàn bộ thuộc về đất quốc phòng.

Kết luận trên có thể được hiểu là toàn bộ hồ sơ khiếu nại, tố cáo của dân Đồng Tâm về đất đai là vô giá trị; những nông dân sinh sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn sẽ trở thành tay trắng mà không được nhận một đồng bồi hoàn nào từ chính quyền và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); những nông dân nào không chịu di dời sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền tổ chức cưỡng chế, thậm chí có thể dùng công an và quân đội đàn áp để tuyệt nọc mầm mống “khủng hoảng”.

“Khủng hoảng” lại là từ ngữ được phát ra trong bài nói chuyện ngày 7/7/2017 của Nguyễn Đức Chung. Từ ngữ hết sức đặc biệt và nhạy cảm này nằm trong cụm từ “khi xảy ra khủng hoảng” mà ông Chung đề cập khi nhắc lại sự kiện Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.


Đảng thừa nhận “khủng hoảng”!


Cần lưu ý, cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” chỉ được sử dụng chủ yếu trên một số trang mạng chính trị độc lập, thi thoảng được nói lướt qua trên vài tờ báo nhà nước, nhưng chưa từng được một quan chức nào từ nhỏ đến lớn thốt ra.

Hiện tượng lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm như Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung xác nhận về “khủng hoảng Đồng Tâm” cho thấy nhiều khả năng trong tâm não các cấp cao hơn của ông Chung - Ban Bí thư và Bộ Chính trị đảng - vụ Đồng Tâm đã không còn đơn thuần là một vụ việc “khiếu kiện đông người”, “gây rối trật tự” hay “điểm nóng xã hội”, mà thậm chí đã vượt quá phạm trù “điểm nóng chính trị” để trở thành một cái gì đó ghê gớm mang tầm cỡ an ninh ninh quốc gia, để từ đó cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” có thể đã được viết ra ngày càng dày đặc trong các văn bản nội bộ của các ngành, các cấp, cùng lúc được nói ra ngày càng công khai trong các cuộc họp của các ngành, các cấp.

“Khủng hoảng Đồng Tâm” cũng là một khái niệm mới trong chính trị nội bộ, hoàn toàn logic với tin tức ngoài lề cho biết trước khi Nguyễn Đức Chung về thôn Hoành để “đối thoại” với dân vào ngày 22/4/2017, Bộ Chính trị đã phải họp đến hai ngày liên tục để tìm ra phương cách “tháo ngòi nổ”.

Sau đó, thủ pháp “tháo ngòi nổ” đã mỹ mãn đến mức chính quyền Hà Nội không những giải cứu được gần bốn chục “con tin” là cảnh sát cơ động và cán bộ bị dân bắt giữ, mà Nguyễn Đức Chung còn được báo đảng tôn vinh là “ngôi sao”, “người hùng”, trong lúc không ít người dân Đồng Tâm phấn khởi thật lòng khi bày tỏ “vẫn tin yêu đảng” và “có đảng là có tất cả”.


Có đảng là có tất cả!


Duy có điều, nếu đảng có được phép thuật “cho tất cả” như một số người dân vẫn tin tưởng, thì đảng cũng rất dễ lấy đi tất cả. Mục tiêu chính yếu nhất của chiến dịch “hồi tố Đồng Tâm” vừa lộ rõ: trên danh nghĩa “đất quốc phòng” và chẳng cần phải minh bạch bất kỳ chi tiết nào về dự án của Tập đoàn Viettel, quân đội sẽ lấy sạch 59 ha đất của dân.

Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra tại huyện Mỹ Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã “thăm và làm việc” tại Viettel với những chỉ đạo không thể vô tình: “trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”, và “tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam”.

Ông Ngô Xuân Lịch - nhân vật mất hút tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 liên quan đến một cuộc khủng hoảng khác - “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất” - đã bất thần lộ diện như thế, bất thần và như một cách lên tiếng phủ nhận phát biểu “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” và “đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng” của Thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm chỉ mới vào cuối tháng 6/2017.

Trong bài phát biểu tại huyện Mỹ Đức vào ngày 7/7/2017, cựu điều tra viên công an Nguyễn Đức Chung lại nhiệt thành tôn cao vai trò của quân đội theo cách “ai là người đi bảo vệ đất nước, ai là người cho chúng ta sống trong bình yên?”, đồng thời nhắc đến vai trò của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng - một động tác có thể được hiểu là hàm ý đe dọa: quân đội sẽ vào cuộc đàn áp dân Đồng Tâm nếu dân ở xã này tiếp tục phản kháng.

Trong thực tế, đã có dấu hiệu quân đội tham gia vào chiến dịch “khủng bố” người dân Đồng Tâm. Sau vụ ông Lê Đình Kình - một trong những thủ lĩnh tinh thần của phong trào khiếu kiện thôn Hoành bị bắt cóc, trên mạng xã hội đã lan tỏa thông tin về một trong những kẻ bắt cóc ông Kình là sĩ quan quân đội.

Kết nối sự việc Thanh tra Hà Nội dự thảo kết luận “không có 59 ha đất nông nghiệp tại đồng Sênh” cùng khẩu khí đề cao vai trò quân đội của Nguyễn Đức Chung với một sự việc xảy ra ít ngày trước đó - Công an Hà Nội bất ngờ khởi tố vụ gây rối trật tự và bắt giữ người trái phép tại Đồng Tâm, khó mà hiểu khác hơn rằng “khởi tố” là một động tác nhằm gây sức ép tâm lý, tạo sự đe dọa đối với người Đồng Tâm, để rốt cuộc người dân ở đây sẽ phải chấp nhận thân phận đen đủi, để mặc cho Viettel và phía quân đội lấy sạch đất đồng Sênh.

Nhưng không chỉ có thế…


Từ “khoan hồng” đến “buộc tội”


Tháng 4/2017, vụ người dân Đồng Tâm đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực để đưa vào quy chế “trao đổi tù binh” chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an - vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.

“Hồi tố” của chính quyền đối với dân Đồng Tâm cũng bởi thế đang biến diễn lạnh lẽo và tỉ mẩn thủ đoạn. “Xử quan trước, xử dân sau” đang là một phương châm được khẩu hiệu hóa trên hệ thống tuyên truyền một chiều của đảng.

Nhưng thực chất là “xử quan nhỏ trước, xử dân sau”. Những quan chức bị đem ra xét xử chủ yếu là cấp xã. Tuyệt đối không liên đới gì trách nhiệm của những viên công an đã đánh ông Lê Đình Kình gãy xương đùi và sau đó bắt cóc ông.

Chỉ có điều, muốn “xử dân” lại không phải là chuyện dễ. Nếu trước đây chỉ cần công an huyện Mỹ Đức là đã tự cho họ cái quyền sách nhiễu, khủng bố và bắt cóc dân, thì sau vụ “bắt giữ con tin”, không quan chức nào từ thấp đến cao dám cam đoan là sẽ không bùng nổ một trận “rào làng chiến đấu” nữa ở Đồng Tâm.

Bởi thế mới có nội dung “Chính việc cơ quan khởi tố là điều kiện để cho mọi người chứng minh được đấy là giai đoạn thời gian, còn giai đoạn truy tố là giai đoạn đến tòa, viện, giai đoạn xét xử. Từ giai đoạn thời gian này mọi người sẽ tập hợp và cơ quan điều tra sẽ chứng minh tất cả những gì mọi người được hưởng khoan hồng” trong bài phát biểu ngày 7/7/2017 của cựu điều tra viên Nguyễn Đức Chung. Đáng chú ý, lý lẽ này của ông Chung là rất gần gũi với xảo biện của giới dư luận viên khi cố gắng thuyết mị “dân cứ hợp tác và thành khẩn với cơ quan điều tra rồi sẽ được khoan hồng”, nhưng sau đó lại trở mặt: “cam kết là không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm chứ có cam kết là không truy tố một số cá nhân đâu”.

Tương lai “sẽ truy tố một số cá nhân” đã được cụ thể hóa bằng từ “buộc tội” của ông Nguyễn Đức Chung trong bài hùng biện của mình: “Tôi xin nói với các cụ là ban đầu dân tự chia nhau, các cụ hiện nay đang tập hợp bảo lấy tài liệu chúng tôi vào mà tự chia nhau. Chính tài liệu đấy các cụ đòi quyền lợi và chính tài liệu đấy buộc tội các cụ lấn chiếm đất”.

Một lần nữa cần nhắc lại, ông Chung từng là điều tra viên công an có thâm niên, có trình độ luật học và do đó khá thường phải chính xác trong cách dùng từ ngữ luật. Không biết vô tình hay hữu ý, từ “buộc tội” của ông Chung đã khiến toát ra cả một chủ trương “trừng phạt” của chính quyền và một triển vọng có thể rất đen tối dành cho người dân Đồng Tâm.

Đen tối như thế nào?

Nếu “điều tra” là giai đoạn của công an, “truy tố” là giai đoạn của viện kiểm sát,thì “buộc tội” chính là tòa án. Sau đó sẽ là tù đày.

Vô tình hay hữu ý, trùng thời điểm với bài phát biểu hùng biện của ông Chung tại huyện Mỹ Đức, một lần nữa - sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017 - giới dư luận viên lại gào thét “Cho bọn khố rách áo ôm ở Đồng Tâm chết hết đi! Dám bắt công an hử? Dám làm loạn hử? Tống chúng nó vào tù hết đi!”.


Tái hiện “lốt” công an


Khác hẳn với thái độ như gà mắc tóc “tôi phải ký vì người dân ép tôi” khi bị ông Lê Đình Kình chất vấn vụ Công an Hà Nội thình lình khởi tố Đồng Tâm vào tháng Sáu, bài nói chuyện của Nguyễn Đức Chung vào tháng Bảy lại mang khẩu khí tự tin, quyết liệt và khá gãy gọn, trừ một đoạn sau có phần trùng lắp với nội dung đoạn trước.

Kể cả một đặc tính nữa: khẩu khí bài nói chuyện trên rất “công an”.

Hướng về phía luật sư Trần Vũ Hải, ông Chung đanh giọng: “Mà các anh không được phép hỏi, thậm chí cấp nào mới được biết chứ không phải giải thích cho các anh đất làm gì? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia…”.

Cũng khác với tháng 4/2017 là lúc “tang gia bối rối’, nội bộ “năm cha bảy mẹ”, vào lần này hẳn ông Chung đã được Bộ Chính trị, mà có thể trực tiếp là TBT Trọng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bật đèn xanh để tỏ ra cứng rắn trước “bọn khố rách áo ôm”.

Tuy nhiên, khác rất nhiều những năm trước đây, Bộ Chính trị đảng đang phải đối mặt với một khoảng cách lớn chưa từng có giữa “ý đảng” với “lòng dân”. Thực tế cưỡng chế giải tỏa đất đai trong những năm gần đây lại chứng minh một sự thật trần như nhộng là chỉ cần dân “cương” một chút và đông đảo hơn lực lượng cưỡng chế, giới quan chức đành phải tự an ủi “nói thì cứ nói, nhưng làm thì phải từ từ”.

Cũng bởi thế, dự thảo thanh tra về Đồng Tâm được công bố vào tháng Bảy này chủ yếu mang mục đích thăm dò. Cứ công bố, xem thử phản ứng của dân thế nào, nếu dân yếu ớt thì làm tới luôn…

Thế nhưng ngay sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017, ông Lê Đình Kình đã bật ra “Vụ Đồng Tâm lại khủng hoảng rồi”.

Khủng hoảng Đồng Tâm, cũng vì thế, sẽ còn kéo dài - giai đoạn 2. Còn người dân có bị “hồi tố” theo ý chỉ của chính quyền, công an và cả quân đội hay không thì chỉ đến khi nhận ra “có đảng là có tất cả” là một viễn tượng trên trời, người dân mới biết phương cách để tự quyết định số phận của mình “trước khi trời cứu”.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG