“Luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ‘đọc bài’ khi tiếp Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội - vào ngày 4/7/2019.
Bất thường Kim Ngân
Có điều gì đó không thật bình thường, hoặc khá bất thường khi không phải Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mà lại là Chủ tịch Quốc hội Ngân tiếp đại sứ Trung Quốc. Bởi theo hiến pháp và cũng theo thông lệ, việc đón tiếp đại sứ các nước, đặc biệt là khách đến từ Bắc Kinh, là phần hành của chủ tịch nước hoặc phó chủ tịch nước chứ chẳng liên quan gì đến ‘cơ quan dân cử tối cao’.
Nhưng chỉ ít ngày sau thì đã có lời giải cho ẩn số thường trên: báo đảng Việt Nam đưa tin Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 12/7 theo lời mời của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Đây là lần thứ hai chính thể Việt Nam cử một ủy viên bộ chính trị trong ‘tam trụ’ đi ‘diện kiến’ Bắc Kinh kể từ khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn toàn cơn bạo bệnh mà đã suýt quật đổ ông ta tại xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019.
Trước đó, còn có một dấu hiệu bất thường nữa với người đàn bà đang bước ra từ bóng tối quyền lực: vào cuối tháng 5 năm 2019, trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng không thể hiện ra trước Quốc hội để trình Công ước quốc tế số 98 về lao động, bà Ngân còn ‘lên hương’ khi được phân công tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đó không chỉ là một thao tác ngoại giao thông thường mà chắn chắn mang chỉ dấu của quyền lực.
Nhưng vì sao là Ngân mà không phải Phúc đi Trung Quốc vào lần này?
Trọng giả ốm?
Trong dĩ vãng gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng được làm ‘nguyên thủ quốc gia’ khi ông ta thay Nguyễn Phú Trọng đi dự Hội nghị thượng đỉnh BRI (hội nghị về sáng kiến Một vành đai, Một con đường) do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019. Đó là một hội nghị mà mặc dù phía Trung Quốc cố ý làm rùm beng và khuếch trương thanh thế trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang hồi cao trào mà chưa có dấu hiệu gì đình chiến, chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Xuân Phúc lại lặng lẽ một cách không bình thường. Sau chuyến đi này, báo đảng chỉ tường thuật rất vắn tắt và cũng chẳng có vẻ gì là tự hào là Việt Nam được tham gia Hội nghị BRI.
Vào khoảng thời gian đó, bên cạnh những đồn đoán về một Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não đến mức liệt cả tay chân, còn xuất hiện một luồng dư luận khác - mang số ít và kín đáo hơn hẳn luồng dư luận dày đặc về bệnh tật - về việc ông Trọng đã ‘tỉnh táo và sáng suốt’ khi chủ ý né gặp phía Trung Quốc, mà lý do né tránh dễ nhất là vẫn tiếp tục… ốm.
Cũng trong khoảng thời gian từ lúc ‘Trọng bệnh’ cho tới nay, tình hình quan hệ Việt - Trung có vẻ không tốt lắm, hoặc có chiều hướng diễn biến xấu đi. Trong khi Bắc Kinh vẫn diễn lại trò đánh cướp, đâm va tàu cá của ngư dân Việt, thì bất chợt hàng loạt vụ hàng Trung Quốc nhập khẩu Việt Nam và được xuất sang Mỹ dưới mác ‘made in Vietnam’ bị báo chí Việt Nam làm tung tóe. Không chỉ vụ Khải Silk trước đây mà đặc biệt là vụ Asanzo nổ ra cuối tháng 6 năm 2019, kéo theo trách nhiệm rất đáng nghi ngờ của Bộ Công thương - địa chỉ mà đã từ rất lâu thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nay là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị nhiều dư luận xem là ‘nối giáo cho giặc’, cố tình ‘kiến tạo’ những lỗ hổng pháp lý để hàng Trung Quốc không chỉ tràn vào và thao túng thị trường Việt mà còn ‘mượn đường diệt Quắc’ khi được xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Và đó cũng là bối cảnh mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên nổi giận và chỉ trích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’, thậm chí còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc.
Đến lúc này thì cho dù có muốn giãy ra, nền kinh tế và cả nền chính trị Việt Nam đã rơi hẳn vào thế bị kẹp giữa hai gọng kìm: một bên là quan hệ ‘chi gầm bàn thoáng nhất’ của doanh nhân Trung Quốc cho các thế hệ quan chức Việt để không thể từ chối hàng Trung Quốc, kể cả hàng rác, còn bên kia là gương mặt quàu quạu của Trump luôn sẵn sàng áp thuế cao ngất đối với hàng Việt Nam và còn có thể biến Việt Nam thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, phải trở thành đối thủ trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trong tình thế hai đầu ép buộc như thế, việc ‘thiên triều’ gọi hỏi giới chóp bu Việt Nam là chuyện không thể tránh khỏi. Tập Cận Bình luôn muốn thẩm tra quan điểm và thái độ của Việt Nam ra sao - hoặc còn tiếp tục đu dây hoặc đang có xu hướng ngả hơn về Mỹ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù có đình chiến thì cũng chỉ là tạm thời và chẳng hứa hẹn tương lai dễ chịu nào.
Đặc biệt, Trung Quốc chẳng thích thú gì chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng - một chuyến đi mà nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải ngỏ lời cần đến Mỹ như một đối tác quân sự thực thụ ở Biển Đông để ngăn chặn tham vọng ‘ăn’ sạch dầu khí của người đồng chí tốt Trung Quốc.
Vậy là một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng lại… ốm.
Từ tháng 5 năm 2019 đến nay, Trọng đã chỉ họa hoằn mới hiện ra, còn thì vắng biệt. Thậm chí, ông ta còn mất dạng suốt cả kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6. Loại trừ yếu tố bệnh thật nhưng đã có thể phục hồi từ khá lâu nay, ngày càng rõ là Nguyễn Phú Trọng chẳng thích thú gì khi phải đi Trung Quốc và phải đánh cược sinh mạng của ông ta với thức ăn đồ uống trên bàn tiệc được thiết kế bởi những ông vua thuốc độc.
Thay vào đó là Nguyễn Xuân Phúc đi Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019, và Nguyễn Thị Kim Ngân đi vào tháng 7 để xoa dịu tình hình trên danh nghĩa ‘củng cố đối tác chiến lược toàn diện’ và phần nào thỏa mãn thói trịch thượng của Tập Cận Bình.
Có lẽ phía Trung Quốc sẽ đành phải tạm hài lòng với ‘người thay thế’ Kim Ngân - chủ sở hữu của ít nhất 300 bộ áo dài mà dư luận đồn đoán có giá trị lên đến ít nhất 30 tỷ đồng, cho dù thừa biết tiếng nói của bà ta chỉ là thứ yếu trong ‘tam trụ’.
Nhưng với Nguyễn Thị Kim Ngân, việc đi Trung Quốc, biết đâu đấy, lại là một cơ hội hay một điềm báo tốt lành cho thế đi lên của bà ta từ nay đến đại hội 13.
‘Nguyên thủ quốc gia’?
Một số người vẫn nhớ lại một sự việc hài hước có thật đã xảy ra ngay trong đám tang của cựu tướng Lê Đức Anh vào tháng 5 năm 2019: khi giới thiệu thành phần quan khách, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói ‘Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân’, thay vì đọc đúng chức danh chủ tịch quốc hội của bà ta, khiến ngay cả những quan chức ‘đức cao vọng trọng’ như cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đương kim trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, đương kim Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đều… ngoác miệng cười.
Tuy nhiên, đã không ai chứng kiến được hình ảnh Nguyễn Thị Kim Ngân tươi cười trong đám tang trên khi bỗng nhiên được thăng chức. Nhưng vào cuối tháng ấy, bà Ngân đã bất thần thể hiện uy quyền một cách chưa hề có tiền lệ.
Đó là kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 do Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng kiên định ‘mất tích’ từ đầu đến cuối của kỳ họp này, người ta bỗng nhìn ra một Nguyễn Thị Kim Ngân khác, thậm chí khác hẳn.
Khác hẳn với tư thế co thủ, thận trọng và gần như ‘khép miệng’ trong nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, vào kỳ họp đó Nguyễn Thị Kim Ngân đã khiến giới quan sát và nhiều đại biểu quốc hội ngạc nhiên vì có ít nhất hai lần bà ta cắt ngang phần chất vấn và trả lời chất vấn một cách dũng cảm và… thô bạo.
Kể cả cắt ngang Tô Lâm - viên tướng bộ trưởng công an…
Một cách nào đó, có thể xem chuyến đi Trung Quốc vào tháng 7 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân mang hàm ý bà ta là bản sao của nguyên thủ quốc gia, hoặc chính là ‘nguyên thủ quốc gia’.