Đường dẫn truy cập

Hết bà Tiến lại đến ông Hùng


Tuần này, các viên chức cao cấp của cả chính phủ lẫn quốc hội tiếp tục khuấy động dư luận vì những ý kiến “vô tiền khoáng hậu”.

Đầu tuần, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, mở hàng bằng đề nghị Đại học Y Dược TP.HCM đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM. Kế đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT), khẳng định, ông tin rằng: Việt Nam có thể làm những thứ thế giới chưa từng làm. Có thể vì muốn chứng tỏ rằng không hề thua kém chính phủ, quốc hội đề nghị dùng luật xác định, tại Việt Nam, 40 tuổi vẫn còn là… thanh niên!

Giữa làn sóng chỉ trích đề nghị của bà Tiến, có những facebooker giải thích, thật ra Đại học Sức khỏe không phải là ý tưởng ngớ ngẩn. Thiên hạ từng xây dựng những Đại học Sức khỏe để gom vào, đào tạo tất cả các lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ - chăm sóc sức khỏe, từ bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đến y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế, chuyên viên dịch tễ (nghiên cứu – phòng ngừa dịch bệnh),… Tuy nhiên xét cho đến cùng, tên gọi các cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực cho lĩnh vực y tế chỉ là vấn đề thứ yếu.

Chẳng hạn, Truong Huy San cho rằng, ý tưởng phát triển trường Đại học Y Dược TP.HCM thành một đại học đa ngành về sức khỏe là đúng nhưng tự thân tên gọi không phải là yếu tố xác lập quy mô bất di bất dịch. Hãy để các trường chủ động phát triển thêm những ngành mà dân chúng cần và giữ được những cái tên vừa là thương hiệu lâu đời, vừa là sự tự hào của nhiều thế hệ. San dẫn chứng, MIT (Học viện Kỹ thuật Massachusets) dạy cả nghệ thuật còn Apple đâu có trồng… táo (1)!

Đó cũng là lý do Hoàng Mạnh Hà than: Hơn 40 năm rồi vẫn không lo làm, chỉ lo đổi tên. Chẳng phải chỉ có Đại học Y Dược. Đại học Văn khoa ngắn gọn, súc tích đổi thành Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn dài thượt, đọc méo cả mỏ. Rồi Bộ Canh nông đổi thành Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Bộ Giáo dục đổi thành Bộ Giáo dục – Đào tạo dù trong giáo dục đã có đào tạo. Chưa kể tên một số bộ như Thông tin – Truyền thông giống như bị “ngọng” tiếng Việt, bởi trong thông tin đã có truyền thông và ngược lại (2).

Đó cũng là lý do người ta thấy trên trang facebook có tên là Sự kiện thắc mắc: Đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM vì sợ tụt hậu sao không so với các quốc gia phát triển mà lại so với Lào và Campuchia? Liệu “tên” có quan trọng bằng việc để cho bệnh nhân nằm la liệt khắp các hành lang và chi phí giường bệnh cao cỡ khách sạn năm sao không (3)? Cũng với suy nghĩ như thế, Dien Le bảo rằng, nếu công việc của các Bộ trưởng chỉ là đổi tên thì con tôi cũng có thể làm… Bộ trưởng (4).

Đề nghị đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM của bà Tiến làm nhiều người ta nhắc lại nỗ lực đổi tên các trạm thu phí BOT của ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải (đổi trạm thu phí thành trạm thu giá, do không ổn nên tính gọi là trạm thu tiền và sau khi xoay đủ một vòng thì quay lại cách gọi cũ là trạm thu phí), Tanhy Ngo cho rằng, muốn dân thực sự tự do, hạnh phúc, xứng tầm với các quốc gia văn minh thì phải đổi sao cho mọi thứ thay đổi thật lẹ. Chỉ đổi tên thôi thì “thằng” nào cũng tụt hậu (5)…

***

Giữa lúc bà Tiến đang là bia cho công chúng bắn, chưa rõ vì muốn giải cứu cho đồng liêu hay ghen tị vì bà Tiến tiếp tục “nổi tiếng,” ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TTTT đăng đàn tuyên bố: Tôi có niềm tin, Việt Nam có thể làm những thứ thế giới chưa từng làm! Thế là nội các Việt Nam lập tức có thêm một thành viên nữa nổi… lềnh bềnh trong mắt công chúng. Rất nhiều người “khen” ông Hùng như Vo Tran vì những phát biểu hết sức… phi thường, mới lạ và sau những tính từ ấy phải đặt vô số dấu hỏi (6)!

Trong số những lời “khen” ấy, đáng chú ý có Nguyễn Thiện. Ông Thiện nhận xét: Chỉ với hai từ “có thể”, tôi... có thể đánh giá Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng là một người rất khiêm tốn. Người Việt đã làm ra nhiều thứ mà thế giới chưa từng làm chứ không phải là “có thể” làm! Phải kiêu hãnh mà nói điều đó! Chẳng hạn cách chức... nguyên Bí thư tỉnh ủy, xóa tư cách… nguyên Bộ trưởng,… Đó là sản phẩm... thuần Việt làm gì có quốc gia nào trên thế giới từng làm (7)!

Cạnh tranh về mức độ “nổi tiếng” giữa các viên chức cao cấp tại Việt Nam trong tuần này không chỉ ngừng ở đó. Dường như không muốn thua chính phủ, các đại biểu quốc hội cũng nhảy vào khuấy động dư luận khi giới thiệu ý tưởng, muốn dùng các qui định pháp luật để xác định, tại Việt Nam, tất cả mọi người từ 40 tuổi trở xuống vẫn còn là… thanh niên!

Chẳng phải chỉ có dân chúng náo động, ngay cả các cơ quan truyền thông chính thức do chính quyền thành lập cũng ngứa ngáy, không nhịn được mà phải lên tiếng bài xích ý tưởng này. Tuổi Trẻ Cười – một trong những sản phẩm của tờ Tuổi Trẻ - nhận định, đề nghị sửa các qui định pháp luật hiện hành, nâng độ tuổi được xem là thanh niên từ 30 lên 35 hay 40 tuổi, rất có thể sẽ tạo ra một tình huống… thú vị là hai cha con cùng lên phường tham gia sinh hoạt Đoàn Thanh niên (8).

***

Chuyện lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, lãnh đạo các ngành, các địa phương chọc cho đồng bào giận và… chửi đã trở thành chuyện bình thường. Có một điểm trùng hợp cần lưu ý là tất cả những tuyên bố, nhận định, đề nghị ngô nghê, kỳ quái khuấy động dư luận trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ những cá nhân đã được đào tạo từ chung một lò: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/2322551241113377

(2) https://www.facebook.com/hmh2904/posts/2728158250535919

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1174844222702668&id=765999660253795

(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157845887249701&set=a.98722039700&type=3&theater

(5) https://www.facebook.com/minhphuong.nguyen.587606/posts/2836793623016505

(6) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/permalink/1143193329403770/

(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10215449987422943&set=a.2167503667223&type=3&theater

(8) https://www.facebook.com/tuoitrecuoi/photos/a.796272043784135/2505953812815941/?type=3&theater

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG