Đường dẫn truy cập

23/9 này ông Nguyễn Xuân Phúc có dám ‘kháng chỉ thiên triều’?


Ông Nguyễn Xuân Phúc trong một sự kiện tại Nhật Bản lúc còn là Thủ Tướng, tháng 10, 2018.
Ông Nguyễn Xuân Phúc trong một sự kiện tại Nhật Bản lúc còn là Thủ Tướng, tháng 10, 2018.

Chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Vương Nghị dường như còn tác dụng dai dẳng. Tại ĐHĐ/LHQ tới đây, liệu ông Phúc có dám dùng luật pháp quốc tế và UNCLOS-1982 để bảo vệ chủ quyển của Việt Nam ở Biển Đông? Một số hoạt động sau đó của ông Phúc tại Hoa Kỳ liệu có làm nên cơm cháo gì không?

Hoàng Trường

Chiều 23/9 này, tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được cho là sẽ có bài phát biểu trong Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 (ĐHĐ/LHQ). Mặc dầu đề tài của khoá này là ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng do những đột biến bất ngờ của thời cuộc, nên Biển Đông, một vấn đề mà người dân trong nước và giới quan sát quốc tế đang hết sức nóng lòng muốn được nghe ông Phúc đề cập. Dư luận muốn biết vấn đề Biển Đông sẽ thế nào trong bối cảnh Úc, Anh quốc và Hoa Kỳ vừa quyết định thiết kế một chiến lược mới nhằm chấm dứt chính sách bắt nạt và cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. AUKUS là hợp tác quốc phòng tay ba Úc – Anh – Mỹ sẽ có ảnh hưởng rất lớn và quyết định đối với vòng vây ngăn chặn Trung Quốc [1].

Luật quốc tế hay luật rừng?

Giữa cao điểm đại dịch Vũ Hán, lãnh đạo và người dân Việt Nam đang phải đầu tắt mặt tối để “sống chung với Covid-19” như là sống chung với địch. Tuy nhiên, cục diện quốc tế từ khi Chủ tịch nước lên đường sang New York đang nóng lên từng ngày, khiến lòng người bất an. Việc Trung Quốc tháng trước yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải khai báo thông tin khi đi vào cái gọi là “các vùng biển của Trung Quốc” là một biến cố mới, nguy hiểm về hành động leo thang bất chấp luật pháp quốc tế (LPQT) của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển, đặc biệt là khu vực Biển Đông [1]. Trong khi đó, sau hàng chục năm thực hiện chính sách cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với AUKUS, từ nay nước Úc đã chọn Mỹ làm người bảo vệ an ninh cho mình.

Hầu hết các chuyên gia về Biển Đông đều cho rằng tham vọng mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những nước có quyền lợi liên quan ở vùng biển này, bao gồm cả Việt Nam, Mỹ và đồng minh của Mỹ. Mỹ và đồng minh không chỉ đã phản đối bằng lời, mà trên hành động cũng đã thể hiện sự không tuân thủ các quy định vô thiên vô pháp của Trung Quốc. Ngày 8/9/2021, một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc tuần tra hàng hải đi qua Đá Vành Khăn ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc áp đặt luật yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo trước khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Theo một bản tin của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Benfold đã “khẳng định quyền và tự do hàng hải” (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa [2]. Cũng phải thôi! Nếu Mỹ và phương Tây đầu hàng Trung Quốc, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường khi Trung Quốc biến được toàn bộ Biển Đông thành “cái ao nhà” của họ.

Cái gọi là “luật hàng hải” mới của Trung Quốc vừa ban bố thực sự là luật rừng, vì nó đi ngược lại phán quyết năm 2017 của Toà trọng tài quốc tế không công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cũng bác bỏ việc đã bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc xua đuổi khi tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn. “Theo luật quốc tế đã được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, trong trạng thái hình thành tự nhiên, các thực thể địa lý như đá Vành Khăn bị nhấn chìm lúc thủy triều lên nên không được hưởng quy chế lãnh hải. Các nỗ lực cải tạo đất, lắp đặt và xây dựng cấu trúc trên đá Vành Khăn không làm thay đổi đặc điểm này theo luật quốc tế. Bằng cách tham gia vào các hoạt động FONOP trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, Mỹ đã chứng minh rằng các tàu thuyền có thể thực hiện hợp pháp các quyền tự do trên biển ở những khu vực đó”, thông cáo của Hạm đội 7 nhấn mạnh đến tính pháp lý [3].

Một điều đặc biệt nguy hiểm đối Việt Nam, so với các nước ASEAN khác là, Trung Quốc vừa ra “ân” vừa ra “uy” cùng một lúc để làm tê liệt khả năng phản kháng của ban lãnh đạo Hà Nội. Vừa ban phát vắc-xin, công bố “luật rừng” mới, vừa tập trận bắn đạt thật nhiều ngày trên Biển Đông, nhưng khi hội đàm với đồng cấp và hội kiến với Tổng bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước của Việt Nam trong dịp từ 10 – 12 tháng 9 mới đây, Vương Nghị đã “rót mật” vào tai các nhà lãnh đạo ấy rằng: “Chúng ta là một cộng đồng có chung tương lai, luôn trung thành với nguyện vọng ban đầu của tình hữu nghị truyền thống, mang trong mình lý tưởng và niềm tin chung, chung tay bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, cùng nhau phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Hai bên cần nâng cao sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và củng cố nền tảng dư luận cho quan hệ song phương” [4].

“Hệ thống xã hội chủ nghĩa” – CNXH nào?

Lãnh đạo Trung Quốc trên thực tế đã phản bội các tín điều của chủ nghĩa cộng sản từ lâu nay. Điều huý kỵ nhất của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà Trung Quốc đã vứt bỏ chính là chủ nghĩa quốc tế, đối nghịch lại với chủ nghĩa dân tộc Đại hán của Trung Quốc. Trung Quốc cũng không che đậy dã tâm bành trướng và bá quyền nước lớn. Trung Quốc càng không thể dùng “16 chữ vàng (rởm) và 4 tốt (nguỵ tạo)” để bịt miệng Chủ tịch Việt Nam, không cho ông Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước toàn thế giới chính sách bịp bợm và hung hãn, ác độc và xảo quyệt của Trung Quốc đối với ngư dân ta trên biển và đồng bào ta trên “vựa thóc Nam Bộ”, nay đang khốn đốn vì Bắc Kinh tìm trăm phương ngàn kế chặn dòng nước sông MeKong.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam đang làm cho giới quan sát đoán già đoán non. Theo đó, sau khi tham dự khoá họp 76 ĐHĐ/LHQ, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sẽ “thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ”. Theo lời mời của cơ quan nào? Chương trình nghị sự là gì? Chỉ tiếp xúc trong giới doanh nghiệp hay còn gặp cả lãnh đạo từ hành pháp, lập pháp? Khá nhiều câu hỏi, nhưng chẳng hãng thông tấn thạo tin nào đưa ra được vài câu trả lời khả tín.

Nếu như không gặp được các nhà lãnh đạo từ nhánh hành pháp hay lập pháp Hoa Kỳ, liệu ông Phúc có điều chỉnh được quỹ đạo bang giao Việt – Mỹ đi đúng hướng. Từ đầu mùa hè 2021 đến nay, dường như quỹ đạo này trải qua một vài cột mốc trồi sụt. Từ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến chuyến công du chính thức của Phó Tổng thống Harris, từ sự có mặt của Peace Corps ở Việt Nam, dấu hiệu tích cực của mối bang giao cho đến “Bản xúc tiến nhằm đẩy mạnh mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ – Việt” (Fact Sheet)… ban đầu, “gam” lạc quan tin tưởng dường như lấn át mọi biểu hiện dè dặt. Nhưng rồi sự chia tay “không kèn không trống” của bà Harris, cộng thêm chuyến thăm đầy khả nghi và bí ẩn của Ngoại trưởng Vương Nghị, giới phân tích bắt đầu lo ngại cho chương trình hành động được phía Mỹ công bố, còn Việt Nam thì làm thinh một cách đáng ngờ. Tại các cuộc làm việc với phía Việt Nam, Vương Nghị còn kêu gọi, hai nước cần kiềm chế các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhắc Việt Nam nên cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài [5].

Từ trước đến nay, lãnh đạo Việt Nam luôn phát biểu “Việt Nam không chọn bên”. Một số chuyên gia giải thích, Việt Nam muốn cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến lại không đánh giá như vậy. Xu hướng này cho rằng, sự cân bằng của Việt Nam chỉ trên lời nói, còn thực tế, Việt Nam đang nghiêng về phía Trung Quốc. Một phân tích khác từ TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo, Việt Nam không liên minh với nước này để đi chống nước khác là quan điểm đúng. Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ liên kết với ai để đánh Trung Quốc. Trong khi đó, chính Trung Quốc đã nhiều lần liên minh, liên kết với nước khác để đánh Việt Nam. Nếu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc trình bày rõ lập trường ấy trước LHQ thì rất tốt. Hãy cho thế giới biết được truyền thống thượng võ của dân tộc. Còn khi đất nước lâm nguy vì bị xâm lược thì Việt Nam sẵn sàng liên kết và liên minh với các đối tác để bảo vệ Tổ quốc [6].

THAM KHẢO THÊM:

[1]https://www.nytimes.com/2021/09/16/world/australia/australia-china-submarines.html?unlocked_article_code

[2] /a/tau-chien-my-tuan-tra-gan-da-vanh-khan-o-truong-sa/6217264.html

[3] https://cafekhongduong.net/dap-tra-cuc-gat-luat-bien-phi-ly-cua-tq-khu-truc-ham-ap-sat-da-vanh-khan-thach-thuc-trung-quoc.html

[4] https://baotiengdan.com/2021/09/12/vuong-nghi-mang-com-thiu-sang-ha-no

[5] https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210911-vi%E1%BB%87t-nam-trung-qu%E1%BB%91c-cam-k%E1%BA%BFt-tr%C3%A1nh-gia-t%C4%83ng-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

[6] http://www.viet-studies.net/kinhte/VuNgocHoang_TraoDoiBienDong.html

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG