Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản hôm 25/1 ra lệnh cho cơ quan nhập cư điều tra hành vi xâm hại bằng bạo lực tại nơi làm việc đối với một thực tập sinh Việt Nam sau khi một đoạn video ghi lại cảnh thực tập sinh này bị đồng nghiệp đánh đến gãy xương, gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua.
Truyền thông Nhật Bản cho biết thực tập sinh người Việt sang Nhật vào mùa thu năm 2019 theo chương trình thực tập sinh và làm việc tại một công ty xây dựng. Người đàn ông 41 tuổi này bắt đầu bị xâm hại bằng bạo lực khoảng một tháng sau khi bắt đầu làm việc, và tình trạng này kéo dài suốt hai năm qua.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thực tập sinh người Việt bị đồng nghiệp đấm, đá và đánh bằng gậy vào đầu vào trên cơ thể, bị dùng chổi đánh và bị la mắng vì không trả lời bằng tiếng Nhật tốt. Thực tập sinh này đã bị thương tích nhiều lần, bao gồm cả gãy răng và rách môi trong một lần bị đồng nghiệp ném thiết bị vào người, bị gãy xương sườn khi bị đồng nghiệp dùng ủng đá vào ngực.
Vụ xâm hại hiện đang được cảnh sát Nhật điều tra.
Trả lời báo chí sau khi vụ việc được phát hiện, thực tập sinh người Việt nói anh này không thể báo cảnh sát về việc bị xâm hại bằng bạo lực vì sợ bị trả thù.
“Điều tôi sợ nhất là không còn khả năng làm việc ở công ty và bị đuổi về Việt Nam”, người đàn ông này nói trong một cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Nhật Bản ở Tokyo. “Tôi rất sợ hãi và hoảng loạn, và không biết phải làm gì”.
Bộ trưởng Tư pháp Yoshihisa Furukawa cho biết ông đã chỉ thị cơ quan nhập cư “nhanh chóng xử lý” vụ việc.
“Những vi phạm nhân quyền đối với các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, như hành vi xâm hại, là hoàn toàn không thể tha thứ”, ông Furukawa nói với các phóng viên.
Hiện công ty thuê mướn thực tập sinh Việt Nam đã thừa nhận hành vi xâm hại và cho biết họ sẽ xin lỗi và bồi thường theo yêu cầu của nạn nhân.
Cơ quan môi giới, cũng có trụ sở tại Okayama, cũng đã nhận trách nhiệm trong vụ này và nói rằng lẽ ra họ phải ngăn chặn việc xâm hại xảy ra, ông Mitsugu Muto, Chủ tịch liên đoàn lao động hiện đang che chở cho thực tập sinh người Việt cho biết.
Ông Muto cũng chỉ trích chính phủ Nhật đã phản ứng “quá muộn”, và nói rằng đây là cơ hội tốt để Bộ trưởng Tư pháp nghiên cứu kỹ và suy nghĩ về cách thức hoạt động của hệ thống thực tập sinh.
Tin cho hay hiện nạn nhân Việt Nam và các đồng nghiệp nước ngoài đã được chuyển đến một công ty khác để tiếp tục thực tập.
Ông Muto cho biết thực tập sinh người Việt cũng đã nhận được một số lời đề nghị từ các công ty muốn nhận anh làm thực tập sinh.
Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và cơ quan giám sát hôm thứ Hai đưa ra tuyên bố kêu gọi các công ty tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài và các tổ chức môi giới phải giám sát tình trạng xâm hại tại nơi làm việc.
Nhật Bản đã thiết lập chương trình thực tập sinh kỹ thuật vào năm 1993, nhằm mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải nhiều chỉ trích vì tạo cơ hội cho tình trạng bóc lột lao động và bị cáo buộc là vỏ bọc cho các công ty nhập khẩu lao động giá rẻ từ các nước châu Á khác.
Theo số liệu thống kê vào của cuối năm 2019 của Bộ Tư Pháp Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia có số lượng thực tập sinh nhiều nhất trong tổng số khoảng 410.000 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, với 53,2%, vượt cả Trung Quốc (20%), Philipin (8,7%), Indonesia (8,6%)....
Số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cũng cho thấy Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có số lao động nói chung đông nhất ở Nhật Bản.