Đường dẫn truy cập

Tòa Việt Nam y án nhà báo Phạm Đoan Trang 9 năm tù


Bà Phạm Đoan Trang tại phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 25/8/2022. Photo TTXVN via VietnamPlus.
Bà Phạm Đoan Trang tại phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 25/8/2022. Photo TTXVN via VietnamPlus.

Tại phiên phúc thẩm hôm 25/8, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Thị Đoan Trang với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.

Ông Ngô Anh Tuấn, một trong bốn luật sư bào chữa của bà Trang, cho VOA biết rằng Hội đồng xét xử cắt ngang lời phát biểu sau cùng của bà Trang, đồng thời nói thêm rằng thân nhân và đại diện các cơ quan ngoại giao các nước phương Tây không được phép vào dự phiên tòa.

Phiên tòa kéo dài 3 giờ, khai mạc lúc 9 giờ sáng và kết thúc vào lúc 12 giờ 05 phút.

Hội đồng xét xử cắt ngang lời bị cáo

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với VOA về việc tranh tụng tại tòa:

“Quyền trình bày của các luật sư được đảm bảo. Bà Trang hôm nay không trình bày nhiều vì bà Trang mệt và có vấn đề về tinh thần. Bà nói rằng bà đã chán nản rồi và không muốn tranh luận nhiều.

“Viện Kiểm sát đối đáp một cách chung chung, không đi vào trọng tâm, nên các luật sư không có nhiều nội dung để đối đáp. Quan điểm của hai bên không có điểm chung nào gặp nhau”.

Luật sư cho biết Hội đồng xét xử cắt lời phát biểu sau cùng của bà Trang khi bà nêu lên sự bức xúc và bác bỏ cáo buộc.

“Bà nói một ít câu có phần hơi bức xúc, Hội đồng xét xử cắt ngang và đi vào phòng nghị án luôn. Vì vậy lời nói sau cùng của bà Trang bị ngắt quảng và không diễn ra một cách trọn vẹn.”

Gia đình, những người ủng hộ và giới ngoại giao chụp hình bên ngoài tòa án ở Hà Nội, nơi xét xử phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang, hôm 25/8/2022. Photo Facebook Thu Do.
Gia đình, những người ủng hộ và giới ngoại giao chụp hình bên ngoài tòa án ở Hà Nội, nơi xét xử phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang, hôm 25/8/2022. Photo Facebook Thu Do.

Luật sư Tuấn cho biết gia đình không nhận được giấy triệu tập của tòa nên dù có mặt tại cổng tòa nhưng đã không được cho vào, trong khi đó tùy viên chính trị các nước như Đức, Cộng hòa Séc, EU… cũng không được vào và đã bị từ chối dự thính phiên tòa từ chiều tối ngày hôm trước.

Theo một quyết định của tòa về việc đưa ra xét xử phiên phúc thẩm này cho biết phiên tòa “xét xử công khai”.

VOA đã liên lạc và đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho ý kiến về các vấn đề này, nhưng chưa được phản hồi.

Hôm 25/8, Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN) dẫn lời Hội đồng xét xử cho rằng việc y án 9 năm tù với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội tuyên truyền chống Nhà nước là “đúng người, đúng tội, không oan, hình phạt phù hợp hành vi phạm tội”.

“Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục cho rằng mình không phạm tội và kêu oan”, truyền thông nhà nước tường thuật.

Trang VietNamPlus loan tin: “Hội đồng xét xử xác định hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một người bào chữa khác của bà Trang, viết trên Facebook sau phiên phúc thẩm:

“Dù không ngạc nhiên về kết quả ấy, nhưng cảm giác ngậm ngùi vẫn đè nặng tâm trí các luật sư tham gia phiên tòa sau lời tuyên án”.

HRW kêu gọi hủy bản án của Phạm Đoan Trang
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:28 0:00

Thông điệp gửi lãnh đạo Việt Nam

“Khi những người bất đồng chính kiến liên tục bị bắt bớ và chưa có dấu hiệu dừng lại thì những tiếng nói phản biện xã hội đang lịm dần. Tôi nói tại tòa như thế”, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết thêm.

“Cái này đi ngược lại chính sách của chính của những người lãnh đạo của đất nước Việt Nam. Tôi mong muốn rằng những người lập pháp cố gắng xem xét một cách khách quan để từng bước loại điều các điều luật giống như Điều 88 đã quy kết bà Trang, điều này sẽ khuyến khích phản biện xã hội và đấu tranh là động lực cho sự phát triển.

“Như vậy thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang đi không đúng đường!”, luật sư nhận định.

Một ngày trước phiên phúc thẩm, luật sư Tuấn đã vào trại giam tiếp xúc với bà Trang. Ông viết trên Facebook ghi lại lời nhắn của thân chủ gửi giới lãnh đạo Việt Nam:

“Nay đã là năm 2022, thế giới đã đổi khác, không ai còn bắt bớ, giam cầm những người cầm bút nữa; Việt Nam cũng nên như vậy.

“Bà cho rằng, bạn đọc là người duy nhất được quyền phán xét người viết, không phải toà án, càng không phải là công an hay kiểm sát… Bà Trang nói, bà từng hy vọng, bà là người cầm bút cuối cùng bị bắt và xử lý nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực.

“Bà mong có người lãnh đạo hiểu điều này và tìm cách thay đổi”.

Các tổ chức nhân quyền lên tiếng

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 24/8 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Trang.

Bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Rõ ràng ngay từ đầu bà Phạm Đoan Trang không nên bị kết án chín năm tù như vậy. Bà là một nhà báo can đảm và một nhà bảo vệ nhân quyền, người đã đứng lên bênh vực các nhà hoạt động bị giam giữ và chỉ trích các thảm họa môi trường do con người tạo ra và nạn cướp đất”.

“Phiên tòa phúc thẩm này của bà Trang diễn ra trong bối cảnh đàn áp tự do ngôn luận và xã hội dân sự đang diễn ra ở Việt Nam”, bà Gil nêu nhận định.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 23/8 kêu gọi phóng thích bà, đồng thời cho biết rằng bà Trang, người bị bắt vào tháng 10/2020, đã trở thành mục tiêu cho sự đàn áp của chính phủ Việt Nam khi lên tiếng chống lại sự bất công và vạch trần những vi phạm nhân quyền.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG