Đường dẫn truy cập

'Dùng FTA buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền'


biểu tình - một trong những quyền tự do - chưa được đảm bảo ở Việt Nam (ảnh tư liệu, 21/8/2011, Hà Nội)
biểu tình - một trong những quyền tự do - chưa được đảm bảo ở Việt Nam (ảnh tư liệu, 21/8/2011, Hà Nội)

Theo kế hoạch, đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam diễn ra ở Hà Nội ngày 23/5. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, hai bên chưa có thông cáo hay phát ngôn chính thức nào về nội dung bàn thảo lần này. Một nhà hoạt động Việt Nam nói Mỹ có thể sử dụng các hiệp định thương mại để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Bốn ngày trước khi diễn ra vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 21, văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho hay đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Virginia Bennett dẫn đầu. Đối tác của bà Bennett bên phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Thông cáo cho biết thêm cuộc đối thoại bao trùm nhiều vấn đề nhân quyền, trong đó có tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ về các nỗ lực cải cách pháp lý; pháp quyền; các quyền tự do biểu đạt, lập hội và hội họp; tự do tôn giáo; các quyền lao động; các quyền của người khuyết tật; chống phân biệt đối xử; và hợp tác đa phương. Ngoài ra hai bên cũng sẽ bàn về các trường hợp cá biệt đáng quan tâm.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang nói với VOA vào tối 23/5 rằng chị “không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại” trong bối cảnh Hoa Kỳ có chính quyền mới, mà đứng đầu là một tổng thống cho đến nay chỉ có vài phát biểu hiếm hoi về nhân quyền.

... [Mỹ] vẫn có thể sử dụng những hiệp định đó, những cam kết thương mại đó như là những công cụ để buộc chính quyền Việt Nam phải đảm bảo nhân quyền, phải đảm bảo phát triển bền vững, với điều kiện là những sáng kiến đó phải có điều khoản về nhân quyền, phải gắn nhân quyền như là một điều kiện
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Đưa ra nhận xét “chính quyền Trump không đặt nặng ưu tiên vào nhân quyền, không quan tâm đến Việt Nam”, song chị Trang nói Hoa Kỳ vẫn có thể sử dụng quan hệ thương mại để gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền:

“Theo tôi được biết, hiện giờ phía Việt Nam đang rất trông chờ vào những hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Sau khi TPP thất bại, sau khi hiệp định mậu dịch tự do giữa Việt Nam và EU còn đang bị treo, chưa phê chuẩn được, thì họ đặt tiếp hy vọng vào những hiệp định, những nguyên tắc, những sáng kiến hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng vẫn có thể sử dụng những hiệp định đó, những cam kết thương mại đó như là những công cụ để buộc chính quyền Việt Nam phải đảm bảo nhân quyền, phải đảm bảo phát triển bền vững, với điều kiện là những sáng kiến đó phải có điều khoản về nhân quyền, phải gắn nhân quyền như là một điều kiện”.

Bên cạnh cuộc đối thoại chính thức với các quan chức nhà nước, phái đoàn Mỹ đã lên kế hoạch gặp một số nhà hoạt động trong nước để có thông tin đa chiều về tình hình Việt Nam.

Hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Phạm Đoan Trang là những người đoàn Mỹ muốn gặp vào tối 22/5. Tuy nhiên, chị Trang cho VOA biết các nhân viên an ninh của chính quyền Việt Nam đã ngăn cản thô bạo:

“Họ chặn cả hai người. Tiến sĩ Nguyễn Quang A vì cố gắng ra ngoài còn bị họ tống lên ô tô đưa về tận Hải Phòng. Đến gần tối, cuối ngày, họ đưa về. Tôi cũng bị chặn như mọi lần thôi. Nhưng lần này có lẽ là nặng hơn vì trong phía công an có sự cay cú. Hồi tháng 2 có đoàn dân biểu của Quốc hội châu Âu (EU) sang Việt Nam, thì hôm đó tôi đi thoát, gặp được phái đoàn đó và ra một tuyên bố chung đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam. Lần đó công an huy động lực lượng dày đặc mà không bắt được cho nên là họ rất cay cú. Có lẽ vì vậy, lần này họ giăng quân, đổ quân từ sáng sớm và có sự khiêu khích thêm”.

Nhà hoạt động cho biết thêm cao điểm của sự khiêu khích là phía an ninh nhà nước hôm 20/5 đưa hàng chục người, trong đó có những thành phần côn đồ, đến bao vây nhà chị, hăm dọa chị và những người bạn, những nhà hoạt động khác đến bảo vệ chị.

Dù không gặp trực tiếp được đoàn Mỹ, chị Phạm Đoan Trang cho biết các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã gửi một bản tuyên bố đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam đến Bộ Ngoại giao Mỹ và công bố bản tuyên bố này rộng rãi trên mạng.

Dùng dân chống dân tức là họ huy động những người có thể là ít hiểu biết chống lại dân chủ, chống lại xu hướng thay đổi. Dư luận viên và côn đồ cũng là quần chúng tự phát cũng hoạt động rất mạnh tại Hà Nội, Sài Gòn và miền trung trong những tháng vừa qua, tấn công dữ dội những người hoạt động trên cả mạng lẫn ngoài đời. Tôi nghĩ đó là một xu hướng nguy hiểm. Ngoài ra bạo lực gia tăng cũng là xu hướng rất nguy hiểm. Nó cho thấy rất khó có cánh cửa cho thay đổi ôn hòa, cho đối thoại cả
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Bản tuyên bố dài 7 trang viết bằng tiếng Anh khẳng định các quyền tự do báo chí, biểu đạt, tụ họp, tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị vi phạm nghiêm trọng. Người dân cũng không được đảm bảo các quyền được xét xử công bằng hay được hưởng môi trường trong lành.

Việc chính quyền bắt 8 blogger và truy nã 2 blogger khác, tất cả đều là những người hoạt động ôn hòa, được nêu bật trong tuyên bố và bị xem là một động thái đàn áp mang tính chính sách nhắm vào cộng đồng Công giáo.

Một xu hướng đáng lo ngại được nêu trong tuyên bố là nạn bạo lực gia tăng nhắm vào những nhà hoạt động, trong đó có những vụ việc được giới hoạt động gọi là “dùng dân chống dân”.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bày tỏ lo lắng:

“Dùng dân chống dân tức là họ huy động những người có thể là ít hiểu biết chống lại dân chủ, chống lại xu hướng thay đổi. Dư luận viên và côn đồ cũng là quần chúng tự phát cũng hoạt động rất mạnh tại Hà Nội, Sài Gòn và miền trung trong những tháng vừa qua, tấn công dữ dội những người hoạt động trên cả mạng lẫn ngoài đời. Tôi nghĩ đó là một xu hướng nguy hiểm. Ngoài ra bạo lực gia tăng cũng là xu hướng rất nguy hiểm. Nó cho thấy rất khó có cánh cửa cho thay đổi ôn hòa, cho đối thoại cả”.

Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ những cáo buộc từ nhiều giới, tổ chức quốc tế và các nước phương tây cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Nhưng trong báo cáo nhân quyền do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 3, phần đánh giá về Việt Nam tiếp tục khẳng định Việt Nam là “một nhà nước độc tài cai trị bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” và rằng Việt Nam “tiếp tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.

Gần hai tuần trước vòng đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt, hôm 11/5, nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Cornyn và Dân biểu Chris Smith kêu gọi chính quyền của Tổng thống Trump hãy tăng sức ép với Viêt Nam về nhân quyền.

Dân biểu Chris Smith đề nghị tổng thống phải nói rõ với Viêt Nam rằng việc mở rộng hơn nữa các lợi ích về thương mại và an ninh “phải đi kèm điều kiện là những cải thiện lớn về nhân quyền, tự do, dân chủ có thể xác minh được cụ thể và không thể được đảo ngược”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG