Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 25/5 nói Hoa Kỳ nên quay trở lại hiệp ước thương mại khu vực mà họ đã rút khỏi vào năm 2017 nếu họ muốn tham gia kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, theo Reuters.
Phát biểu trong chuyến thăm Washington, bà Ardern nói rằng hiệp định đa quốc gia, hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là “tiêu chuẩn vàng”, nhưng New Zealand sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hoa Kỳ ngay cả khi không có hiệp định này.
“Nếu Hoa Kỳ đang muốn tham gia vào khu vực của chúng tôi về mặt kinh tế, thì đó là nơi để làm điều đó”, bà nói về CPTPP, mà chính quyền Biden đã miễn cưỡng quay trở lại vì lo ngại về tác động đối với công ăn việc làm của Hoa Kỳ.
Bà Ardern nói với các phóng viên rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa ra tuần này tại Tokyo cùng với 12 quốc gia khác, bao gồm cả nước của bà, là “điểm khởi đầu cho một cuộc thảo luận” về các vấn đề kỹ thuật số, vấn đề khí hậu, và giảm va chạm.
Nhưng phát biểu sau cuộc họp với các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, Thủ tướng Ardern cho biết bà đã tìm cách nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở rộng các cơ hội thương mại và quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Vì vậy, đó là cơ hội mở ra cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nắm lấy điều đó, nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục vận động để tiếp cận thị trường."
Ông Biden đã khởi xướng IPEF như một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc, nhưng Washington không đưa ra biện pháp giảm thuế quan hoặc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nào mà khu vực mong muốn.
Bà Ardern cho biết New Zealand đã tham gia vào IPEF một cách thiện chí.
Bà nói: “Tốt hơn là nên ngồi vào bàn định hình những cuộc thảo luận đó còn hơn là không, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy từng bước để tiếp cận thị trường”.
Bà Ardern công du Hoa Kỳ, tìm cách thúc đẩy xuất khẩu và thu hút nhiều khách du lịch hơn khi New Zealand có ý định tái mở cửa sau hơn hai năm hạn chế vì COVID-19.