Vào tháng 6, các hoạt động sản xuất trên khắp châu Á và châu Âu chựng lại, trước cả khi chính quyền Hoa Kỳ áp mức thuế suất như từng cảnh báo.
Việc đình trệ này đã dấy lên lo ngại rằng thuế suất mang tính bảo hộ của Hoa Kỳ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo hãng tin Reuters.
Căng thẳng kinh tế gần đây có khả năng trầm trọng thêm do tác động tranh chấp thương mại Trung Quốc - Mỹ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng trưởng sản xuất của Đức giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng qua và hoạt động sản xuất của Pháp đã chậm lại nhiều so với dự tính hồi tháng 6.
Ông Neal Kilbane, kinh tế gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Oxford Economics, cho biết: “Các chỉ số hiện nay tiếp tục cho thấy rằng lĩnh vực sản xuất đã rơi vào tình trạng đình trệ trong 6 tháng đầu năm nay.”
“Mối đe dọa thực sự của việc tranh chấp thương mại với Mỹ đang leo thang đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất châu Âu có nhiều khả năng phải đàm phán chật vật hơn trong 6 tháng còn lại trong năm nay.”
Sự suy thoái không chỉ xảy ra tại châu Âu mà còn ở hầu hết châu Á.
Theo các khảo sát hàng tháng của ngành sản xuất, các lô hàng từ hai quốc gia có nền sản xuất lớn trong khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các doanh nghiệp trên toàn châu Á, có hợp đồng được ký vào tháng 6, nay phải gánh thêm chi phí đầu vào vì giá dầu và giá tư liệu sản xuất khác tăng lên.
Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp đặt thuế nhập khẩu lên tới 450 tỷ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc, với 34 tỷ đôla đầu tiên có hiệu lực vào ngày 6/7.