Mặc dù cha ông chúng ta đã biết làm thơ và sính làm thơ từ cả hàng ngàn năm nay, nhưng ngày xưa, trước thế kỷ 20, trong nền văn học trung đại, chữ “nhà thơ” rất ít khi được dùng.
Gọi nhau, người ta chỉ dùng chức tước, bằng cấp hoặc là tên, tự, hiệu, đôi khi, kèm theo quê quán. Trong một bài thơ đề tặng Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương không viết là gửi nhà thơ Nguyễn Du mà chỉ viết là gửi “Cần Chánh học sĩ Nguyễn hầu” rồi chú thêm: người được gọi là “Nguyễn hầu” ấy là người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Khi viết về mình, thường người ta tự xưng là “ngâm ông”, một kẻ thích ngâm nga mà thôi. Chữ “thi ông” (nhà thơ) chỉ xuất hiện một cách hoạ hoằn, như trong thơ Cao Bá Quát: Thử thân hà sự tác thi ông (Thân này vì cớ gì lại phải cứ làm một nhà thơ?), hoặc trong thơ Phạm Nhữ Dực: Nhân gian thử cảnh thuỳ miêu đắc / Tá dữ thi ông vị tả chân (Người đời ai mà vẽ được cảnh này, hãy cho nhà thơ mượn để miêu tả chân thực). Tôi chưa thấy ai gọi mình hay gọi ai là thi nhân. Chữ “văn nhân”, ngược lại, được sử dụng khá rộng rãi, chẳng hạn, trong Truyện Kiều: Trông chừng thấy một văn nhân / Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng, sau này, còn rớt lại trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: Em thấy một văn nhân / Người đâu thanh lạ thường, nhưng chữ “văn nhân” ấy, khác hẳn cách hiểu quen thuộc của chúng ta hiện nay, hoàn toàn đồng nghĩa với từ “thư sinh”, nghĩa là học trò.
Dĩ nhiên không phải là ngày xưa không có từ “thi nhân”. Mở đầu bài “Đề Vi, Lư tập hậu”, Nguyễn Du viết: Thi nhân bất đắc kiến / Kiến thi như kiến nhân (Nay không thấy được nhà thơ nữa. Thấy thơ như thấy người). Có. Nhưng hầu như người ta chỉ dùng từ “thi nhân” để chỉ các nhà thơ Trung Hoa mà thôi. Người ta gọi Đỗ Phủ là thi nhân, Lý Bạch là thi nhân, Vi Ứng Vật là thi nhân, Lư Chiếu Lân là thi nhân. Nhưng người ta gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trình quốc công hoặc nôm na hơn, Trạng Trình, gọi Nguyễn Du là quan Đông các, sau đó, quan Tham tri Bộ Lễ; gọi Nguyễn Khuyến là cụ Tam Nguyên làng Yên Đổ, gọi Tú Xương là ông Tú, gọi Nguyễn Đình Chiểu là ông Đồ.
Tại sao?
Dường như, cha ông chúng ta, khi mượn từ “thi nhân” trong chữ Hán, coi đó là một thuật ngữ chỉ một thực tế bên Trung Hoa, và vì Trung Hoa xa xôi quá, vừa xa xôi trong không gian vừa xa xôi trong thời gian: phần lớn sách vở họ đọc là các tác phẩm kinh điển xưa lơ xưa lắc, do đó, khái niệm “thi nhân” trở thành một hiện tượng văn hoá hơn là một hiện tượng xã hội, nghĩa là, một khái niệm trừu tượng, chung chung chứ không phải là một tầng lớp, một thành phần cụ thể nào. Hậu quả là, trong lịch sử, người ta biết có một hạng người được gọi là thi nhân, khác hẳn những hạng người khác, từ đế vương, khanh tướng đến dân dã bình thường; thế nhưng, trong xã hội, ở khía cạnh đồng đại, người ta lại hiếm khi tự xưng là nhà thơ và cũng hiếm khi gọi ai là nhà thơ. Chữ “thi nhân”, bởi vậy, có hai sắc thái khác hẳn nhau: nó có sắc thái trân trọng khi dùng để chỉ một người nào đó trong lịch sử văn học Trung Hoa, nhưng lại có vẻ thiếu tôn kính nếu dùng để chỉ một người nào đó ở Việt Nam.
Tại sao?
Tôi nghĩ, nguyên nhân, trước hết, nằm ở vấn đề giáo dục. Ở Trung Hoa, khoa cử manh nha từ đời Hán Văn Đế (156-149 trước Công nguyên), thực sự hình thành từ đời Tuỳ Văn Đế (581-604). Trong Trung Hoa sử cương, Đào Duy Anh viết:
“Nhà Tuỳ đổi dùng phép khảo thí, cho học trò được tự do ứng thí, thực đã mở ra một đường mới cho học trò được ra làm quan, chế độ thi cử được thực hành ở Trung Quốc và ở nước ta trong bao lâu đã bắt đầu từ đời ấy.”
Nên nhớ ở Trung Hoa, văn học viết xuất hiện rất sớm, ít nhất là từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, với Ly Tao của Khuất Nguyên. Từ tác phẩm viết đầu tiên đến khoa thi chính thức đầu tiên là hơn một ngàn năm. Trong khoảng thời gian đằng đẵng ấy, văn học phát triển như một hoạt động độc lập: người ta viết vì thích viết; đọc vì thích đọc. Rất nhiều người không có danh phận gì khác ngoài tư cách là người viết văn, làm thơ. Tư cách ấy rất được nể trọng, cũng như người ta nể trọng chữ nghĩa nói chung.
Ở Việt Nam, trái lại, chúng ta vừa mới giành được độc lập (năm 939), mới tập tễnh viết lách, khoa cử đã ra đời (năm 1075). Từ đó, dù muốn hay không, văn học cũng gắn liền với khoa cử và giáo dục.
Sự gắn liền giữa văn học và giáo dục, khoa cử ấy dẫn đến nhiều hệ quả.
Thứ nhất, khái niệm văn chương gắn liền, nếu không nói là đồng nhất với học thuật. Cha ông chúng ta, khi nhận xét về văn chương, thường căn cứ chủ yếu trên các bài viết của học trò trong nhà trường hoặc trong các khoa thi, nghĩa là, nói cách khác, với họ, văn chương chưa tách ra khỏi triết, sử và các loại văn hành chính, chưa có sự phân hoá giữa văn chương sáng tạo và văn chương cử tử, văn chương tưởng tượng và văn chương thực dụng, chưa có sự phân hoá giữa ý thức thẩm mỹ và ý thức đạo đức.
Thứ hai, bởi vì gắn liền với khoa cử và giáo dục cho nên văn chương chỉ còn là thứ phương tiện để người ta đạt được công danh. Phùng Khắc Khoan, đối diện với kỳ thi sắp tới, lòng dạt dào phấn khởi, hy vọng, với tài văn chương của mình, cuộc đời mình sẽ được vinh hiển hẳn: “Thời tiết đáo lai liêu thí thủ / Văn chương hảo bả trí ngô thân”. Ngược lại, thi hỏng, Tú Xương coi không những thân thế, sự nghiệp mình tiêu trầm mà cả văn chương của mình cũng trở thành phù phiếm, vô duyên: “Một việc văn chương thôi cũng nhảm / Trăm năm thân thế có ra gì”.
Thứ ba, vì chỉ là một phương tiện, văn chương tự nhiên trở thành một cái gì thứ yếu. Trong bài thơ gửi các chủ khảo một cuộc thi, Trần Nguyên Đán dặn dò: “trước hết hãy xem phần trung chính rồi sau đó hãy xét đến văn chương” (Yếu tiên trung đảng hậu từ chương). Quan niệm này kéo dài rất lâu, về sau. Khi Bùi Huy Bích cho những người chỉ biết có văn chương là hạng bét trong văn học và khi Nguyễn Văn Siêu cho văn chương có hai loại: loại đáng thờ và loại không đáng thờ (loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương), hai ông không hề nói điều gì khác quan điểm của Trần Nguyên Đán, năm thế kỷ trước đó.
Việc gắn liền văn chương với giáo dục và khoa cử còn có hệ quả thứ tư này nữa: đó là văn chương không phải là một hoạt động chuyên biệt và độc lập. Tất cả những ai đi học, đi thi cũng đều làm thơ. Như vậy, trong xã hội, chỉ có một thành phần gọi là kẻ sĩ chứ không có thành phần nào được gọi là thi sĩ: thi sĩ chỉ là thuộc tính của kẻ sĩ. Hơn nữa, vì gắn liền với khoa cử nên văn chương chủ yếu được đánh giá ở trường thi: danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, do đó, vinh dự hơn danh hiệu nhà thơ nhiều. Thậm chí, danh hiệu Cử nhân, Tú tài thôi cũng đã vinh dự hơn là danh hiệu nhà thơ rồi: ít nhất chúng cũng ghi nhận một trình độ học vấn nhất định, một mức độ thành công nhất định dưới mắt một xã hội coi thi cử là một thước đo vạn năng. Hình như tâm lý này, đến nay, vẫn còn rất đậm ở người Việt Nam: thói quen khoe bằng cấp ở những nơi không có liên hệ gì đến bằng cấp hay chuyên ngành dính liền với bằng cấp ấy vẫn còn khá phổ biến.
Chưa hết. Cũng vì gắn liền với giáo dục và khoa cử nên kiến thức trở thành phẩm chất cao quý nhất của những người cầm bút. Khi nói về công việc viết văn, làm thơ, cha ông chúng ta luôn luôn nhấn mạnh đến một yếu tố: đọc nhiều, đọc rộng. Cái đọc của cha ông chúng ta có điều khác với cái đọc của những nhà thơ Tây phương thời trung đại và thời Cổ điển cũng như Tân cổ điển: trong lúc các nhà thơ Tây phương chủ yếu đọc các sách về Tu từ học (Rhetorics), cha ông chúng ta chủ yếu đọc các sách kinh điển (Classics) của Nho giáo. Bởi vậy, các nhà thơ Tây phương chủ yếu là những nghệ nhân (craftsman), tức những người am tường các thủ pháp làm thơ, các nhà thơ Việt Nam cũng như của Trung Hoa chủ yếu là những nho sĩ, tức những người thông thuộc sử sách của thánh hiền.
Vì người đi học nào cũng làm thơ nên khái niệm nhà thơ trở thành thừa. Và cả khái niệm người đọc cũng thừa nốt. Hoạt động xuất bản èo uột, tác phẩm văn học chủ yếu chỉ được lưu hành trong trường ốc. Do đó, người làm thơ là kẻ sĩ mà người đọc thơ cũng là kẻ sĩ. Sự phân biệt giữa tác giả và độc giả không được đặt ra.
Điều này dẫn đến ba hệ quả.
Thứ nhất, người ta có thể ngâm nga, có thể thuộc lòng một bài thơ của ai đó mà không cần biết người đó là ai. Nhiều nhà thơ có tài bị mất tên tuổi, trở thành khuyết danh là vì thế.
Thứ hai, người ta sẵn sàng nhuận sắc, sửa đổi thơ văn của bất cứ ai, không cần biết người đó có bằng lòng hay không.
Thứ ba, người ta có thể “chôm” thơ của người khác một cách tự nhiên. Trong Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự do Nguyễn Thiện và sau đó, Cao Bá Quát nhuận sắc, có khá nhiều câu thơ lấy từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Không sao cả. Khái niệm tác quyền (authorship) chưa thể có khi khái niệm tác giả còn mờ nhạt.
Cơ sở để người làm thơ và người đọc thơ đồng cảm với nhau là một nền văn hoá chung. Làm thơ không phải là để giãi bày một nỗi niềm riêng tây mà chỉ cốt nêu lên cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” trong vũ trụ và trong cuộc đời. Đọc thơ, do đó, cũng không phải là để tìm kiếm tâm sự của một cá nhân nào mà chỉ là để nhìn ngắm một biểu hiện của cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” ấy. Khi cái “tình”, cái “chí”, cái “đạo” ấy là cái gì phổ biến, chung cho tất cả mọi người thì việc nắm bắt ý nghĩa của một bài thơ không có gì là khó khăn cả. Một số bài thơ ngày xưa bị coi là bí hiểm thật ra không phải là vì tư tưởng hay cảm xúc của tác giả có điều gì sâu xa, khác lạ mà thường là vì việc vận dụng điển cố, điển tích quá cầu kỳ, quá lắt léo. Thế thôi.
Bạn nghĩ xem có phải vậy không?