Đường dẫn truy cập

Nhà Việt, di sản kiến trúc và văn hoá


Biệt thự cổ Biên Hòa trong quá trình đô thị hóa (chụp tháng 9/2024).
Biệt thự cổ Biên Hòa trong quá trình đô thị hóa (chụp tháng 9/2024).

Bảo tồn được di sản kiến trúc, giữ gìn được bản sắc văn hóa trong ngôi nhà Việt là minh chứng thuyết phục nhất trong thời đại số, trong thế giới phẳng là chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan.

Nguyễn Văn Châu (*)


Đến hẹn lại lên, vừa qua Tết Tây là các thành phố lớn ở nước ta bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

“Combo” liên quan đến không khí Tết thường là giao thông nhộn nhịp, không khí tất bật khắp phố phường vì hàng hóa cuối năm; lịch tết được treo bán nhiều trong các nhà sách; hình ảnh chúc tết, các đoạn quảng cáo xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền hình, trên mạng xã hội. Xuyên suốt các tín hiệu Xuân đến đó chính là hình ảnh ngôi nhà truyền thống Việt Nam và cảnh các gia đình quây quần bên nhau nấu bánh, bên bữa cơm gia đình hoặc chúc Tết ông bà, cha mẹ. Dù có thay đổi đôi chút bởi đặc trưng kiến trúc vùng miền nhưng hình ảnh ngôi nhà truyền thống luôn nằm trong tâm người dân Việt Nam. Đó không đơn thuần là ngôi nhà của mỗi gia đình mà là nét văn hóa, là di sản kiến trúc của Việt Nam.

Di sản văn hóa nói chung, di sản kiến trúc nói riêng, luôn bên cạnh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Không gian thờ cúng, không gian bếp, sinh hoạt,… trong mỗi ngôi nhà dù có hiện đại thế nào cũng ít nhiều có kế thừa từ thế hệ đi trước, vẫn phảng phất sự ấm cúng của ngôi nhà Việt, giữ được phần nào không gian truyền thống của kiến trúc dân tộc. Bởi lẽ, trong từng gia đình, trong mỗi chúng ta ai cũng ít nhiều đều hướng đến nguồn cội theo cách riêng của mình.

Những đầu cột trong biệt thự cổ ở Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, bị bán ngay sau khi công trình bị xóa sổ (chụp tháng 10/2018).
Những đầu cột trong biệt thự cổ ở Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, bị bán ngay sau khi công trình bị xóa sổ (chụp tháng 10/2018).

Những năm gần đây, Nhà Nước đã có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến di sản, bảo tồn và gìn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này thể hiện rõ qua các hội thảo, văn bản pháp luật được ban hành và luôn có những cập nhật, thay đổi mang tính tích cực phù hợp với sự thay đổi của thực tế của xã hội. Luật Di sản 2001 và Luật Di sản Văn hóa sửa đổi bổ sung 2009 như kim chỉ nam thể hiện quyết tâm của Nhà Nước trong việc gìn giữ di sản, bản sắc văn hóa nước nhà. Các đối tượng mà pháp luật điều chỉnh là những di sản lớn, có giá trị và được xét chọn, đưa vào danh sách bảo tồn tùy cấp độ, tùy địa phương quản lý.

Di sản kiến trúc nhà ở, nét đặc trưng Nhà Việt nằm trong danh sách được bảo tồn khá khiêm tốn nếu không nói là rất ít và chỉ tập trung thành cụm, tuyến ở vài thành phố lớn trong nước như khu phố cổ ở Hà Nội, Hội An, khu Hải Thượng Lãng Ông ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù hình ảnh Nhà Việt luôn nằm trong tâm người Việt nhưng có một điều trớ trêu là các di sản kiến trúc này trong danh sách bảo tồn lại quá ít so với số lượng di sản Nhà Việt thật đang tồn tại thực tế. Số di sản chưa được công nhận này tuy chưa được thống kê, chưa được đánh giá nghiêm túc về các tiêu chí lịch sử, kiến trúc, mức độ hư hại,… nhưng các di sản này biến mất ngày càng nhiều do nhiều yếu tố, trong đó, vấn đề về tài sản, kinh tế chiếm đa số chưa kể đến các vấn đề liên quan đến yếu tố con người trong công tác quản lý, sử dụng.

Song song đó, các chuyên gia và các nhóm liên quan đến kiến trúc, di sản cũng có hoạt động liên tục, sôi nổi. Ngoài những chuỗi bài chuyên đề giới thiệu về kiến trúc truyền thống, di sản,… nhóm này cũng có những bài viết phản biện, chuyên đề về những vấn đề tồn đọng trong thực tế mà nằm ngoài sự điều chỉnh của các bộ luật chuyên ngành.

Các hoạt động giới thiệu về Nhà Việt, về di sản kiến trúc rất thú vị. Ngoài các bài chuyên vào đề tài cụ thể thì các nhóm còn có in sách, có những chuỗi bài giới thiệu về lịch sử, tham quan thực tế tìm hiểu di sản với nội dung phong phú và hình thức thể hiện cũng như cách tiếp cận người tham gia rất khoa học, ấn tượng và dễ hiểu. Mô hình này nên được các cơ quan quản lý Nhà Nước, các trường Đại học, trường chuyên ngành phối hợp để nhân rộng.

Các tư liệu giá trị thường chỉ có trong thư viện, sách xưa hay trong các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành. Số lượng người tiếp cận có giới hạn. Sách, tài liệu chuyên ngành với hình ảnh không rõ nét và nếu không nói là mờ do kỹ thuật in và yếu tố thời gian làm hình phai màu, mất nét. Nhưng với các phần mềm hỗ trợ, kỹ thuật scan 3D, đặc biệt là sự bùng nổ AI thì chuyện thể hiện lại hình ảnh xưa, phục dựng lại những di sản, thông điệp đã bị mất sẽ làm mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Cách thể hiện mới làm thông tin đã rõ ràng, dễ hiểu hơn. Di sản không chỉ sống trong mỗi chúng ta trong ký ức, trong hình ảnh thuở ấu thơ mà sẽ tô đậm nét hơn với cách trình bày đẹp hơn, hiện đại hơn. Nhà Việt cũng thế.

Không gian kiến trúc xưa dần được tái hiện lại trong một đoạn phim quay chậm, không gian “3D” làm cảm xúc người xem trổi dậy thật sự và lan tỏa đến cộng đồng, đến nhiều người xem trong và ngoài nước hơn. Đặc biệt trong môi trường giáo dục, thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ và nắm vững hơn thông tin về lịch sử. Môi trường nghiên cứu cũng sẽ có những nghiên cứu, bài viết khoa học hơn với nguồn tài liệu phong phú và đa dạng như thế.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực này thì chúng ta còn nhiều vấn đề còn hạn chế làm đau đầu cơ quan quản lý Nhà Nước và các nhà nghiên cứu cũng như những người yêu và có tấm lòng với di sản kiến trúc, với Nhà Việt. Đó là những di sản kiến trúc chưa được xếp hạng với số lượng lớn và nằm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Để đưa một di sản kiến trúc, một Nhà Việt, vào danh sách bảo tồn thì cần nhiều yếu tố: khảo sát, lập hồ sơ, đánh giá, thẩm định, xét duyệt,… Quá trình này cần thời gian dài, sự chuẩn bị công phu và kinh phí thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, do vấn đề liên quan đến tài sản, áp lực kinh tế cũng như vấn đề ổn định nơi ở thì thường người quản lý, chủ sở hữu của di sản kiến trúc nóng lòng và muốn đốt giai đoạn. Trong đó, kinh phí quản lý, duy trì hoạt động và cải tạo di sản cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến số phận di sản. Chính vì vậy mà di sản kiến trúc, nhà Việt đã không nhiều mà ngày càng bị mất dần.

Gần đây nhất là câu chuyện của Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Hà Thanh ở Biên Hòa, Đồng Nai làm ồn ào dư luận một thời gian. Khi con đường ven sông Đồng Nai thi công đến đoạn trước biệt thự này thì mọi người mới có dịp thấy được quy mô, toàn cảnh công trình. Chỉ khi mạng xã hội chia sẻ thông tin rầm rộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng có phương án kịp thời thì di sản này đã có số phận mới và được giữ lại. Câu chuyện kết thúc có hậu.

Điều này một lần nữa cho thấy việc gìn giữ di sản kiến trúc, nhà Việt, giữ truyền thống văn hóa dân tộc không bao giờ là điều đơn giản. Việc này đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía. Từ các chính sách, luật pháp cũng như quy trình làm việc, xử lý thông tin của các cơ quan Nhà Nước cho đến sự lan tỏa thông tin, thông điệp của những ai yêu di sản, đam mê và muốn giữ lại nét đẹp truyền thống của ngôi nhà Việt và đặc biệt là sự phối hợp của những người đang có trọng trách giữ, sở hữu tài sản cùng với cộng đồng mạng, những người nắm bắt thông tin rất nhanh nhạy để chuyển thông tin đến những người có trách nhiệm, đến cơ quan quản lý Nhà Nước để nhanh chóng có biện pháp giữ lại kịp thời di sản kiến trúc, hồn của văn hóa dân tộc nói chung, và là tài sản vô giá của từng địa phương nói riêng.

Bảo tồn được di sản kiến trúc, giữ gìn được bản sắc văn hóa trong ngôi nhà Việt là minh chứng thuyết phục nhất trong thời đại số, trong thế giới phẳng là chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan.

(*) Tác giả là một Thạc sĩ – Kiến trúc sư hiện cư ngụ tại Sài Gòn.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG