Đường dẫn truy cập

Nhạc sĩ Thanh Bình


Nhạc sĩ Thanh Bình
Nhạc sĩ Thanh Bình

Thanh Bình khởi sự là một người viết văn, đã có truyện đăng hàng ngày trên các báo ở Hà Nội trước năm 1954, nhưng sau năm 1954, tại miền Nam, ông được biết đến nhiều như một nhạc sĩ.

Thanh Bình khởi sự là một người viết văn, đã có truyện đăng hàng ngày trên các báo ở Hà Nội trước năm 1954, nhưng sau năm 1954, tại miền Nam, ông được biết đến nhiều như một nhạc sĩ.

Theo làn sóng người di cư vào Nam năm 54, Thanh Bình hầu như không viết văn nữa mà chỉ chuyên về sáng tác nhạc. Theo nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề, các bài hát như Lá Thư Về Làng, Những Nẻo Đường Việt Nam của ông đã được hầu hết các ban nhạc cũng như các ca sĩ danh tiếng thời ấy trình diễn trên làn sóng đài phát thanh cũng như trên sân khấu. Bài Mưa Qua Sông của ông, cả về giai điệu lẫn ca từ đều rất được yêu mến. Thanh Bình cũng có phổ nhạc một số thơ, như bài thơ Kẻ Ở của Quang Dũng được nhiều người biết đến. Song nói chung, các ca khúc của Thanh Bình do chính ông viết nhạc lẫn lời vẫn là những bài được yêu thích hơn cả.

Nhạc Thanh Bình giản dị. Lời ca của ông rõ ràng, trong sáng, rất gần gũi với vẻ đẹp trữ tình của ca dao:

Thấy em chẳng nói, trông lên mắt hai hàng rơi
Đã không thì thôi, sao em tiếc nhớ chi hoài


“Đã không thì thôi”, cách nói ấy không rất Việt Nam sao?

Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta, thỉnh thoảng lại thấy xảy ra hiện tượng: không vì một lý do nào cả, bỗng nhiên một ca khúc hay một tác giả nào đó, bị quên lãng, không thấy ai hát hay nhắc tới nữa. Sự việc có thể kéo dài hay chỉ trong một thời gian ngắn.

Thanh Bình không ở trong trường hợp ấy. Vì trong số CD được thu ở hải ngoại, trong mấy chục năm qua, đã có rất nhiều ca sĩ danh tiếng hát nhạc Thanh Bình như bài Những Nẻo Đường Việt Nam mà qv&cb vừa nghe nhiều giọng hát danh tiếng hợp ca, như Tiếc Một Người trong CD của Vũ Khanh, Sĩ Phú, như Lá Thư Về Làng, Việt Dzũng hát, Tình Lỡ với giọng hát Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Vũ… Và với Tình Lỡ, trong giây phút này đây, là giọng hát Khánh Ly

Nhớ lại những năm sau 54, Lá Thư Về Làng của Thanh Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam.

Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn trong vùng đất mới, người ta càng xót xa thương nhớ về quê cũ.

Từ miền Nam viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền Giang thương qua Đèo cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già khuya sớm lang thang
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi, thương quá lắm bé thơ ơi


Thế nhưng, chính những tặng phẩm nặng tính thời sự như vậy thường lại mang trong nó nỗi oan khiên. Đó là bị thời sự bỏ rơi!

Sự việc gần như tự nhiên thôi. Chuyện xảy ra sau xóa bỏ những gì xảy ra trước. Như hôm nay xóa bỏ hôm qua. Cái còn lại là kỷ niệm.

Tác phẩm là những gì thuộc về đời sống được biến thành kỷ niệm, nhờ tác giả.

Bài Lá Thư Về Làng của Thanh Bình, nhiều người nghe lại vẫn cảm nhận được ý tình đẹp đẽ của bài hát. Nhưng biến cố 30 tháng Tư 75 đã đẩy nó sâu thêm một tầng nữa vào quá khứ.

Thời thế đã thay đổi.

Cái quê hương mà người ta đứt ruột bỏ đi năm nào, nay đã có thể trở về, nhìn lại, cái đổi thay, cái thực tế đã giải. Hoặc những ước mơ “áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười” hình như cũng không còn nữa. Hay nếu có còn sót ở một nơi nào đó, thì đời sống và con người hiện thực đã cải chính, hay xóa bỏ cái hình ảnh người ta mang theo trong kỷ niệm mất rồi.

Thực tế không còn liên hệ với kỷ niệm, là “kỷ niệm mất bóng” đã rất gần với ảo tưởng.

Vâng, nếu mọi sự cứ diễn ra như thế, thì… cuối cùng, chúng ta sẽ còn lại gì đây?

Chúng tôi được biết nhạc sĩ Thanh Bình năm nay đã cao tuổi vẫn còn đang sống ở Saigon. Xin gửi lời chúc ông bình yên, mạnh khỏe. Những người yêu nhạc vẫn yêu, vẫn nhớ những tác phẩm của ông, xin kính gửi đến ông bông hồng tạ ơn tươi đẹp nhất.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG