Bang giao Việt-Mỹ ‘đậm’ hay ‘nhạt’, ‘nóng’ hay ‘nguội’ tùy thuộc vào thành tích nhân quyền của Việt Nam. Quan niệm này dường như không còn hợp thời khi tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân của Tòa Bạch Ốc từ đầu năm nay.
Với chính sách ngoại giao ‘Nước Mỹ trên hết’, Tổng thống Trump đã khiến những kỳ vọng về áp lực từ Mỹ giúp cải thiện nhân quyền Việt Nam bị mất điểm tựa.
Tuy nhiên, vẫn còn những giải pháp khác, theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ nhân chuyến vận động ở Quốc hội Mỹ ngày 15/6.
Ông Robertson: Tình hình nhân quyền Việt Nam đang sa sút, càng ngày càng tuột dốc. Gần đây, họ thay đổi chiến thuật. Vào năm 2012-2013, họ dùng các điều luật về an ninh quốc gia bắt bớ rất nhiều người, đưa hàng chục người ra tòa để tuyên những bản án dài hạn. Rồi họ nhận ra làm như vậy bị cộng đồng quốc tế ‘điểm danh’ số tù nhân lương tâm. Cho nên, họ đổi cách, càng ngày họ càng gia tăng dùng côn đồ tấn công những nhà hoạt động. Những kẻ tấn công không rõ danh tính, đồng lõa, hợp tác với công an trấn áp những người bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vào ngày 19/6 sẽ công bố bản phúc trình về thực trạng này tại Việt Nam.
VOA: Ông nhận xét thế nào về nội dung bản phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình Việt Nam vừa công bố hồi tháng 3?
Ông Robertson: Họ có phúc trình của họ, chúng tôi có báo cáo của chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi là các quyền cốt lõi của con người vẫn bị đe dọa tại Việt Nam bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do lập hội. Người ta bị đánh vì đi biểu tình, bị bắt vì đòi quyền lợi đất đai hay vì kêu gọi môi trường sạch, chống lại Formosa. Làn sóng đàn áp vẫn tiếp diễn. Nhà cầm quyền nhắm vào các nhóm người mà họ xem là có thể khuấy động công luận. Họ cho côn đồ sách nhiễu, và mạnh hơn nữa, là bắt bớ nếu họ xem đối tượng là những người có vai trò lãnh đạo hay khởi xướng.
VOA: Giữa nhiều vấn đề gây quan ngại, vấn đề nào đáng ngại nhất khi nói về nhân quyền Việt Nam?
Ông Robertson: Đáng quan ngại nhất là các vấn đề đang tiếp diễn liên quan đến các quyền dân sự và chính trị căn bản của công dân. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam, nước đã ký Công ước Liên hiệp quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị, sẽ cho phép công dân thực thi quyền của họ. Trên thực tế hoàn toàn không thấy điều đó, chỉ thấy đàn áp gia tăng trong rất nhiều hình thức khác nhau, từ nạn công an bạo hành, người Thượng Tây Nguyên bị ngược đãi, cho đến quyền của người lao động bị chà đạp. Chủ yếu là nhà cầm quyền Việt Nam cố tìm cách kiểm soát xã hội dân sự để không ai có thể thách thức quyền hành của họ. Họ xem các hoạt động cổ súy nhân quyền là một phần của một chiến dịch chính trị hơn là bản chất thuần túy của nó, nghĩa là người ta chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm, bảo vệ cuộc sống và cộng đồng.
VOA: Tổng thống Donald Trump chưa lên tiếng gì về chuyện nhân quyền. Ông nhận xét thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ khi ông Trump lên nhậm chức so với các thời trước?
Ông Robertson: Chúng tôi kinh ngạc khi Thủ tướng Việt Nam được mời tới Tòa Bạch Ốc mà vấn đề nhân quyền chẳng được nhắc tới. Chính phủ Trump quay lưng với truyền thống mà cả hai đảng ở Mỹ đều tuân thủ lâu nay rằng cổ súy nhân quyền là một phần trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, rằng nhân quyền là một giá trị cốt lõi của Mỹ. Dường như chính quyền Trump không chia sẻ điều này. Đối với họ, mọi sự giao dịch chỉ là thương mại và an ninh. Dưới thời Obama, dù có chuyện dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam mà chúng tôi cho là còn quá sớm, nhưng nhân quyền có được quan tâm. Chúng tôi không thấy điều đó dưới chính quyền Trump. Khác biệt rõ ràng như đêm và ngày.
VOA: Và điều đó khiến nhiều người nghi ngờ về một bức tranh nhân quyền tươi sáng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ý kiến ông thế nào?
Ông Robertson: Tôi nghĩ các nước khác như Châu Âu, Canada, Úc, cũng phải đứng lên để điền khuyết vai trò mà Mỹ trước đây từng làm. Các nền dân chủ như Nhật, Hàn, những nước cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam, cũng cần phải giúp Việt Nam hiểu rõ là quản trị tốt phải có sự tham gia của người dân, có sự tôn trọng nhân quyền, không chỉ biết lắng nghe chỉ trích mà còn phải hiểu rằng chỉ trích đóng vai trò quan trọng trong xã hội, không được đàn áp.
VOA: Ông dự đoán tình hình nhân quyền của Việt Nam sẽ ra sao trong 4 năm tới, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?
Ông Robertson: Cho tới nay, không có chuyện chính quyền Trump không giao tiếp với một nhà độc tài. Tháng sau, ông Trump sẽ tiếp nhà độc tài quân sự Thái, Thủ tướng Prayuth tại đây. Cho nên trước mắt cần phải tìm cách chuyển tải thông điệp nhân quyền tới chính quyền Trump sao cho họ muốn có hành động. Điều này cũng cần sự tham gia của cộng đồng người Việt tại đây, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nêu quan điểm với Tòa Bạch Ốc. Bất kể là nghị sĩ bên đảng nào, họ cần lên tiếng với chính quyền Trump rằng cần phải để ý tới nhân quyền Việt Nam, không thể ngó lơ, phải đưa lên bàn thảo luận.
VOA: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có kế hoạch vận động cụ thể thế nào cho nhân quyền Việt Nam trong năm nay, đặc biệt trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh APEC?
Ông Robertson: Chúng tôi đang tìm cách để Quốc hội Mỹ hành động về vấn đề nhân quyền Việt Nam, để có được sự thúc đẩy nào đó đối với Tòa Bạch Ốc. Nhưng đừng quên, APEC không chỉ có Mỹ, còn nhiều nước khác tham dự nữa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chúng tôi sẽ nói chuyện với nhiều nước. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy thế giới tiến triển bất chấp nước Mỹ chứ không phải bởi vì nước Mỹ. Nhân quyền không xuất phát hay kết thúc tại Washington. Có rất nhiều nước trên toàn cầu tin rằng nhân quyền là cốt lõi trong chính sách ngoại giao. Cho nên, nếu chính quyền Trump không sẵn sàng làm điều đó, chúng tôi sẽ tìm những chính quyền khác sẵn lòng.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn hôm nay.