Đường dẫn truy cập

Tuyên bố Biển Đông ‘không thể’ trao tận tay quốc hội


Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook A Nguyen Quang)
Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook A Nguyen Quang)

Một nhóm nhân sỹ trí thức cho biết đã “không thể” trao tận tay bản Tuyên bố Biển Đông với hơn 1.000 chữ ký cho các nhà lập pháp tại Hà Nội để yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sau những hành động “xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam” của Bắc Kinh.

Tiến sỹ và nhà hoạt động Nguyễn Quang A, người tham gia nhóm nhân sỹ Bắc-Trung-Nam đưa bản Tuyên bố này đến Văn phòng Quốc hội ở số 2 đường Độc Lập ở quận Ba Đình, cho VOA biết hôm 12/8 rằng nhóm đã “không được tiếp đón” ở đây.

Người dân quá thất vọng vì sự rụt rè, vì sự khinh suất của Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ về chuyện ở Biển Đông mà còn rất nhiều chuyện khác... Tôi nghĩ rằng phải đi kiện, mà kiện càng sớm càng tốt.
Nguyễn Quang A, TS và nhà tranh đấu vì dân chủ

“Thực sự thì (chúng tôi) đến đấy không tiếp xúc được với ai cả. Người bảo vệ ở đấy nói họ không cho vào bởi vì muốn vào phải sắp xếp trước lịch.”

Vị tiến sỹ từng tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông nói rằng có thể nhóm của ông đã không chuẩn bị tốt cho việc gửi bản Tuyên bố này đến tay các nhà lập pháp và rằng họ đã không đến đúng nơi tiếp đón của Văn phòng Quốc hội. Thay vào đó, bản Tuyên bố đã được gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân theo đường bưu điện.

Kể từ khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh tới khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông hồi đầu tháng 7 và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội sau đó cáo buộc tàu này “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam,” nhiều người dân và các tổ chức xã hội đã tham gia ký vào một tuyên bố kêu gọi chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Bản tuyên bố này cho rằng “đất nước đang đứng trước tình hình rất nguy hiểm” trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, sau hơn một tháng hoạt động tại Bãi Tư Chính, tàu Hải Dương 8 đã hoàn thành việc khảo sát và rời khỏi khu vực này hôm 7/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định với báo chí điều này hôm 8/8. Trước đó, Hà Nội đã 3 lần lên tiếng phản đối hoạt động thăm dò địa chất của tàu Trung Quốc nhưng không có hành động pháp lý nào để kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như nhiều chuyên gia quốc tế và người dân kêu gọi.

Một trong 4 nội dung kêu gọi của Tuyên bố Biển Đông là chính phủ Việt Nam “cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Tòa án Quốc tế thích hợp” và “cần lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và [vùng] đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính.”

"Người dân quá thất vọng vì sự rụt rè, vì sự khinh suất của Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ về chuyện ở Biển Đông mà còn rất nhiều chuyện khác," TS Quang A nói. "Tôi nghĩ rằng phải đi kiện, mà kiện càng sớm càng tốt, mà kiện không chỉ cái vụ họ xâm phạm và quấy nhiễu ở Bãi Tư Chính mà rất nhiều các chuyện khác kể cả chuyện Giàn khoan 981 từ 2014, và chuyện sách nhiễu ngư dân của Việt Nam v.v.”

Năm 2014, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực mà Hà Nội nói là đặc quyền kinh tế của mình, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước chống lại hành động của Trung Quốc.

Ngoài việc cử tàu và giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc còn “xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam” qua việc phát hành sách giáo khoa lịch sử, các bộ tem và cả các quả cầu nhựa trong đó in các tỉnh phía bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc.

Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng chưa bao giờ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm để nhận được phán quyết có lợi cách đây 3 năm.

“Chúng tôi chỉ mong tiếng nói của chúng tôi đến được Quốc hội," TS Quang A cho biết. "Nếu mà có một áp lực rất là mạnh của dân chúng thì có thể Quốc hội sẽ có một quyết định gì đó, như một trong những yêu cầu của chúng tôi trong bản tuyên bố là kiện Trung Quốc ra tòa, để các tòa án quốc tế giải quyết chuyện này. Đấy là cách ôn hòa và hòa bình để giải quyết các vấn đề ở trên biển giống như Philippines đã kiện Trung Quốc năm 2016”.

Tháng 7 năm 2016, tòa trọng tài quốc tế ở La Haye đã phán quyết có lợi cho Philippines khi phủ nhận đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông.

Hai chuyên gia Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế của Trường Hải chiến Mỹ James Kraska và Giám đốc chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser, tháng trước nói với VOA rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài. Ông Kraska cho rằng Việt Nam có rất nhiều khả năng thắng kiện.

VOA Express

XS
SM
MD
LG