Đường dẫn truy cập

Nhật Bản, Hàn Quốc leo thang tranh chấp thương mại


Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang căng thẳng khi Seoul lên án truyền thông Nhật nói rằng Hàn Quốc đã chuyển giao một hóa chất quan trọng cho Triều Tiên.
Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang căng thẳng khi Seoul lên án truyền thông Nhật nói rằng Hàn Quốc đã chuyển giao một hóa chất quan trọng cho Triều Tiên.

Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 9/7 leo thang căng thẳng trong một cuộc tranh chấp ngoại giao đang đe dọa gây gián đoạn cho nguồn cung cấp điện thoại thông minh và chip trên toàn cầu, giữa lúc Seoul lên án truyền thông Nhật về các bản tin nói rằng Hàn Quốc đã chuyển giao một hóa chất chủ yếu cho Triều Tiên, theo Reuters.

Cuộc xung đột xuất phát từ mâu thuẫn lịch sử khi người Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, càng trở nên tồi tệ hồi tuần trước khi Tokyo tuyên bố sẽ siết chặt việc xuất khẩu ba nguyên liệu quan trọng được sử dụng cho hàng tiêu dùng điện tử cao cấp.

Động thái này có thể tác động đến những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Samsung và SK Hynix, vốn cung cấp chip cho hãng Apple, và Huawei, đồng thời nêu bật quyền lực của Nhật Bản đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bình luận gay gắt nhất tính cho tới lúc này, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo hối thúc Nhật Bản “hãy ngưng ngay những tuyên bố vô căn cứ”, một phản ứng rõ rệt trước bản tin do truyền thông Nhật Bản phổ biến hồi tuần trước.

Báo chí Nhật dẫn lời một thành viên cấp cao ẩn danh trong đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe, nói rằng một lượng hydro fluoride do Nhật Bản xuất sang Hàn Quốc rốt cuộc đã được gửi sang Triều Tiên.

Hydrogen fluoride là một hóa chất được ghi trên danh sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo gần đây. Hóa chất này có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học. Nhật Bản nói họ đã chứng kiến “một số trường hợp không chính đáng” trong khâu kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Được hỏi về các biện pháp đáp trả, ông Sung nói Seoul đang xem xét “mọi kế hoạch khả thi”, nhưng không đưa ra chi tiết. Ông cho biết hai nước láng giềng đang có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán vào thứ Sáu sắp tới.

Trước đó, Nhật Bản thả nổi khả năng áp dụng các biện pháp tiếp theo đối với Hàn Quốc.

“Liệu Nhật Bản có thực hiện các biện pháp bổ sung hay không phụ thuộc vào phản ứng của Hàn Quốc”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Ahmedhige Seko nói trong một cuộc họp báo.

Ông nói thêm rằng Tokyo “không dự định rút lại các hạn chế xuất khẩu, vốn không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, Hàn Quốc có vẻ như đang gây sức ép lên cả WTO lẫn Washington về vấn đề này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vấn đề hạn chế xuất khẩu đã được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp hôm thứ Ba của các quốc gia thành viên WTO, nơi Seoul trình bày quan điểm của mình”.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến sẽ thảo luận về các giới hạn này với người đồng cấp của ông ở Washington.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Hai kêu gọi Nhật Bản rút lại lệnh hạn chế xuất khẩu. Ông nói Seoul không thể loại trừ các biện pháp đáp trả về những thiệt hại gây ra cho các công ty Hàn quốc.

Tuần trước, Tokyo đe dọa sẽ rút Seoul ra khỏi “danh sách trắng” gồm các quốc gia bị hạn chế tối thiểu về thương mại, và như vậy đe dọa nguồn cung của một loạt các mặt hàng được sử dụng trong sản xuất vũ khí.

Vụ tranh chấp xuất phát từ sự bực dọc của Tokyo về điều mà họ cho là “thiếu hành động” của Seoul về một phán quyết của một tòa án Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, hạ lệnh cho công ty Nippon Steel của Nhật Bản phải bồi thường cho những người bị cưỡng bức lao động trước đây.

Nhật Bản nói vấn đề này đã được giải quyết toàn bộ vào năm 1965, khi hai nước nối lại quan hệ bang giao.

Hai nước chia chung một giai đoạn lịch sử đầy cay đắng từ thời bán đảo Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 tới năm 1945. Trong thời gian đó, nhiều người Triều Tiên đã bị cưỡng bức lao động, buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG