Hôm thứ Sáu 3/11, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Philippines đồng ý bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận cho phép binh sĩ hai bên được tiếp cận lãnh thổ của nhau, nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai đồng minh châu Á thân cận nhất của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm chính thức Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho hay ông và Tổng thống Ferdinand Marcos (con) đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, và cả hai đều quan ngại về những nỗ lực "không thể chấp nhận được" nhằm "đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, với ngầm ý ám chỉ Trung Quốc.
“Ngoài ra, đã có quyết định dẫn đến bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại và chúng tôi đã đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác ba bên”, ông Kishida nói trong một cuộc họp báo chung.
Cả Philippines và Nhật Bản đều có quan điểm mạnh mẽ chống lại những điều bị họ coi là hành vi hung hăng của tàu Trung Quốc trong bối cảnh có tranh chấp chủ quyền hàng hải kéo dài hàng thập kỷ.
Hiệp ước về binh sĩ hai bên tiếp cận đất của nhau tiếp nối vào một thỏa thuận tương tự mà Philippines đã ký với Mỹ, được gọi là Thỏa thuận về Lực lượng Ghé thăm, mang lại khuôn khổ pháp lý mà theo đó Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự liên tục nhưng luân phiên thay đổi binh sĩ ở Philippines, chủ yếu là để huấn luyện, thao dượt.
Ông Marcos phát biểu về hiệp ước với Nhật Bản: “Chúng tôi nhận thức rằng sự dàn xếp này có lợi ích cho cả nhân lực trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự của chúng tôi lẫn cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng ta”.
Ông Marcos cũng cho biết Nhật Bản đã cấp khoản tài trợ trị giá 600 triệu yên (4 triệu đô la) cho Philippines để giúp thúc đẩy nỗ lực của Bộ Quốc phòng nước này trong việc xây dựng hệ thống radar ven biển để đảm bảo an ninh hàng hải.
Trước chuyến thăm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố chuyển giao hệ thống radar giám sát trên không đầu tiên cho quân đội Philippines như một phần của một hợp đồng có từ hồi năm 2020.
Diễn đàn