Đường dẫn truy cập

Nhật sẽ tận dụng vai trò trong G7 và LHQ để áp lực Nga về Ukraine


Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.

Nhật Bản sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo của mình trong năm tới tại G7 và Liên hiệp quốc để gây áp lực buộc Nga ngừng chiến tranh ở Ukraine, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố.

“Việc Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế. Đó là một hành động thái quá và không thể chấp nhận được, đe dọa nền tảng của trật tự quốc tế”, ông Hayashi nói.

Giới lãnh đạo Nhật Bản nói cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đặt ra một thách thức đối với an ninh quốc gia của chính họ và lo ngại điều đó có thể khuyến khích Triều Tiên đe dọa các nước láng giềng hơn nữa và khuyến khích Trung Quốc sử dụng vũ lực để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông và Đông Á, kể cả Đài Loan lân cận.

Nhật Bản làm chủ tịch khối các nền dân chủ công nghiệp G7 vào năm 2023 và việc Nhật Bản trở lại làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an trong hai năm sẽ mang lại cho Tokyo một nền tảng quốc tế dễ thấy hơn để bày tỏ mối quan ngại của mình.

Vào tháng 10, G7 đã cam kết hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý cho Ukraine tới chừng nào mà Ukraine vẫn cần. Ông Hayashi cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực giữ cho khối thống nhất.

Ông Hayashi nói: “Không một quốc gia nào có thể rũ bỏ hành động gây hấn của Nga như là vấn đề của người khác”.

Nhật Bản muốn phối hợp với “các quốc gia G7 và các quốc gia có cùng chí hướng khác để duy trì tinh thần đồng đội tốt trong các vấn đề như sự xâm lấn của Nga đối với Ukraine và các biện pháp khác.”

Liên hiệp quốc

Vào tháng 5 năm sau, Thủ tướng Fumio Kishida sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, dự kiến sẽ tập trung vào các mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra.

Ông Hayashi cũng nhắc lại rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy cải cách Liên hiệp quốc vào năm tới để giải quyết một Hội đồng Bảo an “rối loạn chức năng” vốn không giải quyết được việc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Nhật Bản, quốc gia đóng góp ngân sách lớn thứ ba cho Liên hiệp quốc và vẫn bị Liên hiệp quốc chỉ định là “kẻ địch” cùng với các nước khác bị đánh bại trong Thế chiến thứ hai, từ lâu đã ủng hộ việc mở rộng Hội đồng gồm 15 thành viên, bao gồm việc thêm các ghế thường trực lần đầu tiên kể từ khi tổ chức được thành lập gần tám thập niên trước.

“Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa phong trào cải tổ Liên hiệp quốc,” ông Hayashi nói với Reuters.

“Kể từ khi thành lập Liên hiệp quốc, tư cách thành viên không thay đổi. Nó phải phản ánh tình trạng hiện tại của thế giới, không phải vào năm 1945”, ông nói thêm.

Những cải cách như vậy sẽ là một thách thức khó khăn bởi Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với các quyết định, một đặc quyền mà họ được hưởng cùng với Hoa Kỳ, Anh và Pháp.

Tuy nhiên, nỗ lực này có thể gây thêm áp lực lên Moscow về “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Ông Hayashi cho biết sự phẫn nộ trong số 193 thành viên của Liên hiệp quốc đang gia tăng. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, gần ba phần tư trong Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu khiển trách Moscow.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG