Mặc dù nhiều nước ở châu Âu đã đồng loạt đình chỉ vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca, Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai vaccine này trên tinh thần tiếp tục theo dõi các phản ứng nặng sau tiêm.
Cho đến ngày 15/3, Việt Nam ghi nhận 12 trường hợp tai biến nặng ở mức phản ứng phản vệ độ 2 sau khi tiêm vaccine Oxford/AstraZeneca ở các tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Gia Lai, tờ Tuổi Trẻ dẫn công văn của Bộ Y tế cho biết.
Trong lúc này, ba quốc gia lớn nhất của Liên hiệp châu Âu đã tạm ngưng vaccine của Oxford/AstraZeneca sau động thái tương tự của một loạt các nước khác trong khối dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói không thấy có bằng chứng vaccine này tạo ra cục máu đông ở một số người được tiêm.
Tờ Tuổi Trẻ cho hay Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng tương tự ở châu Âu cũng như chưa thấy các phản ứng được coi là nguy kịch sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, sốc phản vệ.
‘Tỷ lệ bình thường’
Theo thống kê của Tuổi Trẻ, nếu tính trên tổng số 5.300 người đã được chích vaccine Oxford/AstraZeneca ở Việt Nam thì tỷ lệ gặp phản ứng tại chỗ là 26% trong khi tỷ lệ phản ứng nặng như kẹt huyết áp, phù mạch tại vị trí tiêm, khó thở, nổi mề đay… là 0,7%.
Tỷ lệ này, theo đánh giá của bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, là ‘bình thường như các vaccine khác đang được sử dụng ở Việt Nam’, cũng theo Tuổi Trẻ.
Ông Đặng Đức Anh – viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – được báo này dẫn lời cho biết Việt Nam ‘đang giám sát an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất’ và đang điều tra, đánh giá nguyên nhân các phản ứng nặng sau tiêm.
Việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca vẫn đang được tiếp tục ở Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp, nằm trong số các tỉnh mới nhất được tiêm.
Còn ở châu Âu, Bộ Y tế Đức đề nghị Cơ quan Quản lý Thuốc men (EMA) nên quyết định ‘liệu những phát hiện mới có ảnh hưởng đến việc phê duyệt vaccine AstraZeneca hay không.’
Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, cho biết đã nhận được báo cáo về 7 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch não sau khi tiêm vaccine.
Mặc dù đây là ‘nguy cơ rất thấp’ nếu tính đến 1,6 triệu mũi tiêm đã được triển khai ở Đức, ông Spahn nói, nhưng con số là ‘trên mức trung bình cho phép’ nếu nó được xác nhận là do vaccine gây ra.
“Quyết định hôm nay hoàn toàn là một biện pháp phòng ngừa,” ông Spahn được tờ Guardian dẫn lời.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ ngừng cho tiêm vaccine AstraZeneca ‘để đề phòng và hy vọng chúng tôi có thể nối lại nhanh chóng nếu EMA bật đèn xanh’.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Ý, Aifa, cũng tạm dừng việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca như ‘biện pháp phòng ngừa và tạm thời’ trước khi có quyết định của EMA.
Tuần trước, Đan Mạch và Na Uy báo cáo các sự cố xuất huyết, cục máu đông và lượng tiểu cầu thấp ở những người đã được tiêm AstraZeneca, khiến Ireland, Hà Lan và Iceland nối gót đình chỉ vaccine này tạm thời.
Nên ngưng hay tiếp tục?
Người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier, cho biết WHO sẽ thông báo những phát hiện của họ và ‘bất kỳ thay đổi nào đối với các khuyến nghị hiện tại’ ngay sau khi điều tra sự cố.
Tuy nhiên, ‘cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy sự cố là do vaccine gây ra và điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục để chúng ta có thể cứu mạng người và ngăn các ca bệnh nặng,” bà Lindmeier được Guardian dẫn lời.
Ông Karl Lauterbach, giáo sư kinh tế y tế và dịch tễ học tại Đại học Cologne, chỉ trích quyết định của chính phủ Đức là sai lầm. “Sẽ tốt hơn nếu thử nghiệm mà không cần phải tạm ngừng tiêm chủng vì các ca tai biến chỉ là số ít. Trong làn sóng dịch thứ ba, vốn đang tăng tốc, những mũi vaccine với sản phẩm của AstraZeneca sẽ là cứu cánh,” ông nhận định với tờ Guardian.
AstraZeneca cho biết cho đến nay có 17 triệu người đã được chích vaccine của họ và 15 ca huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) được ghi nhận là ‘thấp hơn nhiều so với dự kiến sẽ xảy ra một cách tự nhiên trong tổng số dân số’.
Trao đổi với VOA, bác sĩ đa khoa Tôn Thất Anh Kiệt, người tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện Garden Grove và Orange Coast Memorial ở Quận Cam, cho rằng việc đình chỉ vaccine AstraZeneca của các nước châu Âu là ‘quyết định đúng’.
“Chưa chắc các tai biến dính líu đến vaccine, nhưng các triệu chứng xảy ra ngay sau khi chích, bởi vậy người ta mới ngưng,” ông nhận định và đánh giá các tai biến này là ‘trầm trọng’.
Để so sánh, ông chỉ ra các vaccine hiện đang lưu hành ở Mỹ ‘chỉ có triệu chứng thông thường chứ không gây ra phản ứng trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng’.
“Đa số chỉ bị nhức mỏi, họ chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 thì sẽ trở lại bình thường,” ông nói. “Còn cục máu đông có gây tắc mạch máu não.”
Do đó, ông khuyến cáo Việt Nam nên theo bước các nước châu Âu tạm ngưng vaccine này, mặc dù việc này sẽ ảnh hưởng tới số lượng lớn vaccine AstraZeneca đã được nhập khẩu về.
“Có tiếc cũng phải bỏ, nếu không hại đến tính mạng người dân thì sao?” vị bác sĩ này lập luận.
Bác sĩ Kiệt không đồng ý với việc viện đến tỷ lệ tai biến rất thấp để biện minh cho việc tiếp tục tiêm vaccine này. “Tỷ lệ dù nhỏ nhưng nếu con cái mình nằm trong tỷ lệ đó thì mình có muốn không? Tính mạng của mỗi người là bằng nhau mà,” ông nói.
“Ở Mỹ chỉ một là cũng đủ rồi. Chỉ cần có một người bệnh hoặc chết vì vaccine thì Mỹ ngưng liền,” ông chỉ ra.
Bác sĩ Kiệt khuyến nghị Việt Nam ‘nên chờ đợi đến khi nào có vaccine có tỷ lệ tai biến thấp hơn’ hoặc ‘hợp đồng với các hãng Mỹ rồi từ từ cũng được họ cung cấp’.
Trong số những ý kiến ngược lại có bác sĩ tim mạch Nguyễn Đông Châu từ Texas. Trả lời VOA hôm 12/3, bác sĩ Châu nói ‘tất cả thuốc men trên thị trường, cộng với vaccine này luôn, vẫn có thể có những phản ứng rất là xấu mà người ta vẫn có thể chết được’ và ông cho rằng việc tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca có ‘lợi ích nhiều hơn hẳn những nguy cơ’.