Đường dẫn truy cập

Nhiếp ảnh gia Mỹ gốc Việt kể về bức ảnh ‘biểu tượng hòa bình’


Bức ảnh cảnh sát Bret Barnum ôm em Devonte Hart được xem là một biểu tượng hòa bình ở Hoa Kỳ
Bức ảnh cảnh sát Bret Barnum ôm em Devonte Hart được xem là một biểu tượng hòa bình ở Hoa Kỳ

Một bức ảnh do một người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi chụp về khoảnh khắc một cảnh sát da trắng ôm ghì một thiếu niên da đen mắt đẫm lệ trong một cuộc biểu tình ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon, vừa qua đã được coi là một “biểu tượng hòa bình” ở Hoa Kỳ.

Cho tới nay, bức ảnh của nhiếp ảnh gia nghiệp dư gốc Việt Johnny Nguyễn đã được chia sẻ hàng trăm nghìn lượt trên mạng xã hội cũng như được các hãng thông tấn lớn đăng tải.

Anh Johnny nói với VOA Việt Ngữ:

“Chưa khi nào tôi lại cảm thấy mình được tiếp thêm nguồn cảm hứng từ nhiều người lạ đến vậy. Rất nhiều người đã chia sẻ bức ảnh của tôi, truyền đi thông điệp đầy tích cực và niềm hy vọng giữa bối cảnh phẫn nộ và đau khổ khắp đất nước về vụ Ferguson. Đúng là tôi rất vui”.

Cảnh sát viên Bret Barnum cho các hãng tin Mỹ biết rằng khi trông thấy Devonte Hart, 12 tuổi, cầm tấm biển “free hugs” (tạm dịch: ôm miễn phí) và khóc trước hàng rào cảnh sát dựng lên để ngăn chặn cuộc biểu tình ở Portland, ông đã gọi cậu bé gốc Phi lại và hỏi rằng ông có thể ôm cậu được không. Và anh Johnny đã ghi lại khoảnh khắc vàng, và đó là bức ảnh đầu tiên của anh được đăng báo.

Trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc biểu tình, thậm chí là bạo loạn, tại nhiều thành phố ở Mỹ về quyết định của bồi thẩm đoàn, không truy tố một cảnh sát viên da trắng bắn chết một thanh niên da đen không vũ khí ở Ferguson, tiểu bang Missouri, nhiều người cho rằng bức ảnh đã trở thành một điểm sáng, lay động lòng người.

Theo AP, Devonte là một trong sáu em nhỏ được ông bà Hart, một cặp vợ chồng da trắng, nhận nuôi. Bà Hart cho biết, một ngày sau phán quyết của bồi thẩm đoàn, gia đình bà đã cầm các biểu ngữ viết “free hugs” tới trung tâm thành phố Portland để truyền đi thông thông điệp về lòng nhân ái và sự yêu thương.

Bà cho biết người con trai nuôi của mình có tấm lòng vàng, nhạy cảm, và em đã nhiều lần đặt câu hỏi rằng liệu sau này khi lớn lên, em có gặp nguy hiểm vì màu da của mình hay không.

Anh Johnny Nguyễn kể về cuộc trao đổi ngắn với Devonte:

“Tôi thấy cậu bé ấy khóc, trên cổ có đeo tấm bảng “free hug”. Tôi hỏi cậu bé chuyện gì xảy ra vậy? Nhưng cậu ấy không trả lời, mà lại khóc, nên tôi đã ôm cậu. Khi ấy, tôi nhận thấy có một điều gì đó đặc biệt về cậu bé này. Tôi đi ra lề đường để cho cậu có một khoảng không gian riêng tư, và sau đó tiếp tục bấm máy”.

Dù bức ảnh đã khiến nhiều người xúc động, tờ The Guardian đăng một bài bình luận, nhận định rằng bức ảnh không phản ánh đúng thực tế về mối quan hệ sắc tộc ở Mỹ.

Thậm chí, tờ báo còn cho rằng, bức ảnh đã lừa dối người xem, vì cậu bé da đen có mang theo tấm bảng “free hug”, mời gọi mọi người ôm và cảnh sát viên đã hỏi xem ông có thể ôm cậu được không.

Tuy nhiên, anh Johnny bác bỏ điều đó:

“Không hề có sự sắp đặt hay dàn dựng nào. Mọi thứ đều chân thật, đúng như những gì tôi đã chứng kiến”.

Anh Johnny cho biết, anh không được đào tạo bài bản về chụp ảnh, mà chỉ tự nghiên cứu, đọc sách ở thư viện gần nhà cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Theo nhiếp ảnh gia 20 tuổi, dù sống trong một gia đình gốc Việt, nhưng cha mẹ anh không áp đặt ý kiến của họ về những gì anh sẽ làm trong tương lai, và luôn ủng hộ bất kỳ những gì anh theo đuổi hết mình.

Anh cho biết, bất luận ý kiến của mọi người ra sao về bức ảnh gây tiếng vang, anh sẽ tiếp tục sáng tạo để mang tới những bức ảnh nhân văn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG