Đường dẫn truy cập

Thảo luận về vấn đề cải cách ở Trung Quốc


Các chuyên gia phân tích Tây phương tin ông Tập Cận Bình và tập thể làm việc của ông gồm 6 giới chức Trung Quốc khác sẽ có khả năng thúc đẩy hướng tới sự cởi mở lớn hơn về chính trị và kinh tế.
Các chuyên gia phân tích Tây phương tin ông Tập Cận Bình và tập thể làm việc của ông gồm 6 giới chức Trung Quốc khác sẽ có khả năng thúc đẩy hướng tới sự cởi mở lớn hơn về chính trị và kinh tế.
Chỉ mới vài tuần kể từ khi Trung Quốc thực hiện cuộc chuyển quyền 10 năm mới có một lần, các hy vọng thay đổi đang tăng cao. Cho dù là vì nền kinh tế đang trì trệ, hoặc vì muốn cải thiện hệ thống pháp lý và giảm thiểu tình trạng tham nhũng trong chính phủ, công chúng ngày càng quan tâm đến vấn đề “cải cách.” Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Lật qua bất kỳ tờ báo nào ở Trung Quốc hay nhấn chuột vào bất kỳ trang web tin tức tiếng Hoa nào, hoặc truy cập dịch vụ vi-blog tương tự như Twitter cực kỳ phổ biến ta cũng dễ dàng tìm thấy các cuộc thảo luận về cải cách.

Ông Kim Xán Vinh, một nhà khoa học chính trị thuộc trường Ðại học Nhân dân Bắc Kinh của Trung Quốc, thừa nhận rằng các đề nghị cải cách đang thu hút sự chú ý.

Ông Kim nói: “Mọi người đều mong mỏi cải cách, nhưng đồng thời mọi người đều có khái niệm khác nhau về cải cách là gì. Tỷ như cải cách của anh khác với cải cách của tôi. Trong tâm của 100 người, thì có thể có tới 102 khái niệm về cải cách, và vì thế mà cải cách là một vấn đề rất nóng bỏng hiện nay.”

Một số đề nghị đã hô hào những thay đổi rõ ràng, và trong nhiều trường hợp, rất sâu rộng. Hôm nay, nhiều tờ báo ở Bắc Kinh đã đăng tải các bài viết về một trong các nhà lãnh đạo mới hàng đầu Vương Kỳ Thâm và một cuộc họp gần đây trong đó bàn tới các tài sản tư của các giới chức. Sự minh bạch như thế có thể mang tính cách mạng đối với một chính phủ đặt sự bí mật lên hàng đầu.

Cuối tuần trước, lãnh tụ đảng Cộng Sản Tập Cận Bình đã đọc một bài phát biểu được nhiều cơ quan truyền thông nhà nước phổ biến và tập trung vào điều ông gọi là “sự đổi mới vĩ đại của nước Trung Hoa.”

Ông Kim Xán Vinh nói bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trình bầy rõ rằng khái niệm của ông về sự đổi mới quốc gia là một mục tiêu toàn quốc và cách thức mà Trung Quốc đạt được mục tiêu đó là thông qua cải cách khi nào và ở nơi nào cần thiết.

Ông Kim nói tiếp: “Cải cách không phải là mục tiêu, mà là một công cụ, mục tiêu là đổi mới quốc gia, không phải chỉ để tự thân cải cách, mà là để thực hiện các mục tiêu to lớn hơn.”

Một số chuyên gia phân tích Tây phương tin rằng ông Tập Cận Bình và tập thể làm việc của ông gồm 6 giới chức Trung Quốc khác sẽ có khả năng thúc đẩy hướng tới sự cởi mở lớn hơn về chính trị và kinh tế. Họ lập luận rằng có quá nhiều trở ngại bên trong hệ thống chính phủ Trung Quốc, quân đội, bộ máy an ninh, các doanh nghiệp quốc doanh giàu có và các lực lượng khác làm cho không thể nào thực hiện được sự thay đổi.

Những người chỉ trích chính phủ như nhà hoạt động mù Trần Quang Thành cảnh báo rằng Trung Quốc phải cải tổ ngay lúc này nêu không muốn đối mặt với các hậu quả tệ hại hơn. Trong bài phát biểu được thu băng video công bố hôm qua, đánh dấu ngày Quốc tế Nhân quyền, ông Trần đã trực tiếp kêu gọi ông Tập Cận Bình, nêu đích danh ông.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình
Ông Tập nói: “Cả nước đang theo dõi ông. Liêu ông có làm theo đúng thiên mệnh và ý chí của dân chúng và thực hiện các cải cách hay ông cướp chính quyền và bảo vệ những người có chức có quyền, điều đó sẽ dự báo liệu tổ quốc chúng ta có qua được một cuộc chuyển tiếp ôn hòa hay bạo động.”

Nhưng thay đổi không hề là điều dễ dàng ở một nước bị đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc.

Một thí dụ mới đây nêu bật rằng không những nhận thức về nhu cầu cải cách ngày càng tăng, mà còn cho thấy cả sự kiện chính phủ cưỡng lại thay đổi.

Hôm qua, các cơ quan truyền thông được nhà nước hậu thuẫn đã đăng lại những bản tin báo chí Trung Quốc về một phán quyết có thể coi là đáng kể.

Tin nói rằng một người đàn ông đã bị kết án 1 năm rưỡi tù vì đã bắt giữ phi pháp những cá nhân đến Bắc Kinh để được trình bầy các khiếu tố với chính phủ trung ương.

Các trung tâm giam giữ bất hợp pháp hay các nhà tù đen lâu nay đã gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc vì hoạt động ngoài vòng pháp luật. Các cơ quan truyền thông nhà nước tường thuật rằng có hơn 70 địa điểm như thế ở quanh Bắc Kinh.

Một phán quyết của toà án chống lại những trung tâm này sẽ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy chính phủ có thể trấn dẹp các trung tâm này. Tuy nhiên, ngay sau khi đăng tin về phá quyết của toà, thì các cơ quan truyền thông nhà nước lại rút lại và sau đó nói rằng bản tin đó là sai lạc.

Khi được hỏi về bản tin bí hiểm đó hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao thẳng thừng phủ nhận. “Các nhà tù đen không tồn tại.”

Các chuyên gia phân tích nói chừng nào các vấn đề còn quá tế nhị để đề cập đến, thì triển vọng cải cách vẫn tiếp tục mù mịt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG