Đường dẫn truy cập

Nhiều đại học danh tiếng ở Việt Nam bị xếp hạng thấp


Đại học Tôn Đức Thắng ̣(Ảnh chụp màn hình từ trang chủ của trường)
Đại học Tôn Đức Thắng ̣(Ảnh chụp màn hình từ trang chủ của trường)

Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam vừa mới được công bố đã không nhận được sự hoan nghênh của một số trường đại học, nhất là các trường được đánh giá không tương xứng với danh tiếng lâu nay của họ, các báo trong nước loan tin.

Bảng xếp hạng được công bố hôm 6/9 với 49 trong tổng số hơn 300 trường đại học ở Việt Nam được đánh giá. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bảng xếp hạng như vậy, đây là công trình của một nhóm khảo sát độc lập dưới sự chủ biên của TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu hiện đang làm việc tại Úc.

Năm trường xếp đầu bảng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Năm trường cuối bảng là Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Văn hóa và Đại học Y-Dược Hải Phòng.

Việc một trường tương đối mới trên bản đồ đại học Việt Nam như trường Tôn Đức Thắng đánh bại các trường lâu đời, có bề dày truyền thống như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội đã gây nhiều bất ngờ.

Trong khi đó, các trường được xem là ‘danh giá’ lâu nay với đầu vào cao như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân hay Đại học Kiến trúc lại có thứ hạng từ trung bình cho đến chót bảng.

Việc xếp hạng dựa trên ba tiêu chí lớn là giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất quản trị. Hai tiêu chí đầu mỗi tiêu chí chiếm tỷ trọng 40% trong khi tiêu chí còn lại chiếm 20% tỷ trọng.

Các tiêu chí được quy ra các chỉ số có thể đo lường được để so sánh, chẳng hạn một trong những chỉ số dùng để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của một trường là số công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế (chỉ số ISI) và số lượng các trích dẫn từ các công trình nghiên cứu đó.

Số liệu nghiên cứu được nhóm khảo sát lấy từ trang chủ của các trường. Nhóm khảo sát cũng thừa nhận số liệu ở một số trường chưa có sự cập nhật và một số trường không phản hồi đề nghị cung cấp số liệu của họ, theo báo mạng VnExpress.

Trong số các ý kiến phản biện, có ý kiến cho rằng việc đánh đồng một viện đại học lớn có nhiều trường thành viên như các Đại học Quốc gia với một trường chuyên ngành như Đại học Xây dựng hay Đại học Kiến trúc là “không phù hợp”. Việc so sánh tiêu chí nghiên cứu khoa học giữa các trường chuyên về khoa học tổng hợp với các trường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cũng bị phản đối.

Ngoài ra việc bảng xếp hạng này không tính đến yếu tố số lượng sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập của họ cũng được xem là thiếu sót.

Đại học Tôn Đức Thắng, trường xếp thứ hai trong bảng xếp hạng, nằm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đại học này có lịch sử mới 20 năm, khởi thủy là đại học tư thục nhưng hiện đã chuyển đổi thành đại học công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Liên đoàn Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Đại học Tôn Đức Thắng đã đầu tư nhiều vào đội ngũ giảng dạy với chế độ đãi ngộ cao nên thu hút được người giỏi. Trường cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trường xếp đầu bảng về nghiên cứu khoa học và xếp thứ hai về chất lượng giảng dạy trên bảng xếp hạng.

Mới đây, Đại học Tôn Đức Thắng cũng được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tham dự lễ khai giảng năm 2017. Sự hiện diện của một lãnh đạo cao cấp là dấu hiệu cho thấy trường đại học này được Nhà nước đánh giá cao.

Tiến sỹ Trần Trọng Hanh, hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, và Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, đã từ chối bình luận về bảng xếp hạng với VOA. Bà Phượng nói rằng bà phản đối bảng xếp hạng này nhưng không cho biết lý do. Các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Hoa Sen đều có thứ hạng thấp trong bảng xếp hang.

VOA Express

XS
SM
MD
LG