Hiện có các giả thuyết về việc máy bay gặp nạn của Việt Nam chịu “va đập”, “tác động bên ngoài”, hay “chế áp điện tử”, nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng mọi phỏng đoán đều “không chắc chắn”.
Một tuần sau khi hai chiếc máy bay của lực lượng không quân và cảnh sát biển Việt Nam gặp nạn liên tiếp, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục, và đang gây ra nhiều đồn đoán trên mạng.
Về hai vụ việc đang tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nước này, Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng không quân Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:
“Mình cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào thôi. Tai nạn lớn như thế thì ai cũng phải đau xót, suy nghĩ rất nhiều. Đây là mất mát rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng ta đang bảo vệ biển đảo của chúng ta mà thì rõ ràng chúng ta có tổn thất to lớn. Ai cũng đau lòng trong vụ việc này”.
Đến nay, chưa có kết luận nào chính thức cả. Tất cả mới chỉ là phỏng đoán thôi, chứ nó không chắc chắn lắm. Kết luận chính thức của nhà chức trách hàng không, thì phải chờ người ta có được những dữ liệu xác thực, chính xác, thì người ta mới dám công bố nó bị vì nguyên nhân gì. Cái đó phải chờ lấy được hộp đen của máy bay.Ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, nói.
Chiếc máy bay tuần thám CASA 8983 của cảnh sát biển, chở 9 người, “mất liên lạc” trưa 16/6 khi đang đi tìm kiếm một phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 mất tích trước đó.
Báo chí trong nước sau đó cho đăng tải hình ảnh một mảnh vỡ của chiếc CASA rúm ró, và biến dạng.
Khi được hỏi về khả năng chiếc máy bay hiện đại của lực lượng gìn giữ chủ quyền lãnh hải Việt Nam “chịu va đập”, hay “chịu tác động từ bên ngoài”, ông Tuân từ chối trả lời.
Tuy nhiên, trao đổi với truyền thông địa phương, người từng lái máy bay chiến đấu này nói rằng “chúng ta không nên bị chi phối bởi thông tin không có căn cứ khoa học”, và “nên chờ kết luận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Còn về thông tin đồn đoán rằng máy bay bị chế áp điện tử, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên là Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines, nhận định rằng nếu điều đó xảy ra, việc làm đó “chỉ làm nhiễu động hệ thống điện tử của máy bay thôi, chứ không ảnh hưởng tới hệ thống khác, như hệ thống điều khiển”.
Phi công kỳ cựu này cho rằng “không có lý do gì để dùng chế áp điện tử phá hoại máy bay” và “cũng không thể phá hoại được”.
Cùng chung quan điểm với ông Tuân, ông Trung cho rằng cần phải tìm thấy hộp đen mới có thể công bố được nguyên nhân của vụ rớt máy bay. Ông nói thêm:
“Đến nay, chưa có kết luận nào chính thức cả. Tất cả mới chỉ là phỏng đoán thôi, chứ nó không chắc chắn lắm. Kết luận chính thức của nhà chức trách hàng không, thì phải chờ người ta có được những dữ liệu xác thực, chính xác, thì người ta mới dám công bố nó bị vì nguyên nhân gì. Cái đó phải chờ lấy được hộp đen của máy bay. Cái máy bay Ai Cập đấy [rơi xuống Địa Trung Hải hồi tháng Năm], cả tháng rồi, người ta có xác định được đâu, nên đâu có dám công bố nó bị cái gì”.
Mình cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào thôi. Tai nạn lớn như thế thì ai cũng phải đau xót, suy nghĩ rất nhiều. Đây là mất mát rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng ta đang bảo vệ biển đảo của chúng ta mà thì rõ ràng chúng ta có tổn thất to lớn. Ai cũng đau lòng trong vụ việc này.Trung tướng Phạm Tuân nói.
Về câu trả lời máy bay CASA 8983 “chịu tác động bên ngoài” trước đó, ông Trung giải thích rằng “bên ngoài đây là do thời tiết thay đổi đột ngột, chứ không phải do một tác động cơ khí gì bên ngoài”.
Ông nói thêm: “Người ta hỏi có tác động gì từ bên ngoài, ví dụ như vật gì bắn lên, hoặc là cái gì đấy tác động làm máy bay rơi, tôi nói tôi không nghĩ có yếu tố đấy”.
Tin mới nhất cho biết, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của hai chiếc phi cơ gặp nạn.
Nước láng giềng Trung Quốc cũng đã đáp lại đề nghị của Việt Nam, điều nhiều tàu tới vùng Vịnh Bắc Bộ để giúp công tác tìm kiếm.