Nhiều người bày tỏ sự thất vọng sau khi một tòa án ở Long An hôm 21/7 tuyên án tổng cộng hơn 23 năm tù đối với sáu thành viên ở Tịnh Thất Bồng Lai với cùng cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Các nhà quan sát tình hình tự do tôn giáo cho VOA biết rằng ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã bị chính quyền gán ghép cho một tội danh mà họ không vi phạm chỉ vì chính quyền muốn “triệt tiêu” tổ chức này, trong khi giới luật sư bày tỏ sự thất vọng.
Bản án “phi lý”
Hòa Thượng Thích Không Tánh đang trú ngụ ở chùa Giác Hoa thành phố Hồ Chí Minh nêu nhận định với VOA:
“Tôi nghĩ đây là một bản án hết sức phi lý, phải nói rằng trên thế giới này khó có bản án như vậy!.
“Họ ra một bản án nặng nề như vậy bởi vì nhà nước có chủ trương răn đe, họ sợ rằng nhiều nhóm tôn giáo độc lập hay sinh hoạt riêng hay không muốn trực thuộc hay dưới sự điều hành của nhà nước…nên họ tìm cách triệt hạ.
“Như vậy, họ vừa răn đe, vừa cho các nhóm khác thấy mà ngăn chặn bớt đi.”
“Ngoài ra, bản án này còn cho thấy sự vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng rất trầm trọng”, Hòa Thượng Thích Không Tánh, người có ngôi chùa ở quận 2 bị chính quyền thành phố cưỡng chế năm 2016, cho biết thêm.
Tu sỹ Phật giáo Thích Đồng Long tại Tp. Hồ Chí Minh nêu nhận định:
“Cáo buộc của nhà nước Việt Nam đối với Tịnh Thất Bồng Lai “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”, nhưng thử hỏi Tịnh Thất Bồng Lai từ xưa nay chưa có hành động hay việc làm gì mà gọi là “chống đối” “ra mặt” với chính quyền Việt Nam. Đây là một tội mơ hồ, chưa rõ ràng.”
Từ Lâm Đồng, ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, nêu nhận định về bản án đối với các thành viên tại Tịnh Thất Bồng Lai, nơi còn có tên gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ.
“Người ta muốn triệt tiêu cái Tịnh Thất Bồng Lai nên người ta dựng lên các chứng cứ như là “loạn luân”, “hoạt động từ thiện trái phép” và sau đó bị cộng đồng mạng phản đối quá nên họ chuyển qua một cái án khác, tức là “xâm phạm lợi ích” của nhà nước.”
Hôm 21/7, trong số 6 bị cáo, ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, chịu mức án cao nhất 5 năm tù. Các ông Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng bị phạt 4 năm tù. Ông Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) bị 3 năm 6 tháng tù và bà Cao Thị Cúc (62 tuổi) bị 3 năm tù.
Sáu người này bị xử theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Các chứng cứ đưa ra tại tòa tập trung vào 5 đoạn clip đăng ở 2 tài khoản YouTube mang tên “Tịnh thất Bồng Lai”.
“Các clip và bài viết này có chứa nội dung sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm đến uy tín của Công an huyện Đức Hòa; xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ)”, Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin.
Truyền thông Việt Nam dẫn phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cho rằng các bị cáo đã “phạm tội có tổ chức”, nhưng “không có ý thức khai báo, không có thái độ ăn năn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, đồng thời cho rằng hành vi của các bị cáo là “nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.
Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Long An không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.
Luật sư thất vọng
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa cho vụ án này, viết trên Facebook hôm 22/7:
“8h00 tối ngày 21/07/2022, vụ án xét xử cấp sơ thẩm đối với ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Thiền Am đã kết thúc theo cách rất đáng thất vọng”.
“Công lý, đôi khi đến từ công chúng”, vị luật sư bào chữa viết.
“Với những gì được chứng kiến, thấy tận mắt, nghe tận tai về ông Lê Tùng Vân, các thầy, các cô và các chú tiểu, chúng tôi chắc chắn rằng họ hoàn toàn xứng đáng với sự yêu thương của Quý bạn”, luật sư Mạnh viết cho độc giả Facebook.
Tương tự, luật sư bào chữa Trịnh Vĩnh Phúc viết trên Facebook về ông Lê Tùng Vân sau phiên tòa: “Ngồi bên cạnh cụ già 90 tuổi đang lúc yếu bệnh mà cố sức tham dự phiên tòa… Nghe cụ thảng thốt và đặt ra nhiều câu hỏi tại sao, lòng chúng tôi đau nhói, phải dằn lòng để kềm nén xúc động, cảm nhận một cách chua chát về lòng dạ con người, kể cả người khoác áo nhà sư, về thực trạng nền tư pháp, về thân phận con người, về truyền thông bẩn và sự ngộ độc truyền thông...”
Chính quyền định hướng dư luận?
Giới quan sát cho rằng rõ ràng chính quyền và truyền thông nhà nước đã “định hướng” dư luận ngay từ đầu trong vụ án này.
Hòa thượng Thích Không Tánh nói:
“Họ cho rằng vị này “loạn luân” hay cớ này cớ kia, kết đủ chuyện…Đó là cách định hướng mở đường cho dư luận trước cái đã. Trước khi họ “đánh”, họ tạo ra những cái đó. Họ [chính quyền và truyền thông] nói như vậy để chính quyền bất mãn.
“Nhưng họ cũng không có bằng cớ, nơi cuối cùng họ chọn “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
“Coi như là họ tìm mọi cách để kết án vậy thôi. Điều này tạo ra sự bất mãn trong quần chúng. Quần chúng thắc mắc sao đưa tội thế này rồi lại kết tội thế kia?
Nhà văn Đoàn Bảo Châu chia sẻ trên Facebook: “Công luận ở Việt Nam là một thứ công luận mù loà, bầy đàn, cảm tính”. Ông nhận định như vậy và đưa ra dẫn chứng như việc “báo chí Việt Nam đều giật những dòng tít về tội loạn luân của họ”. Nhà văn này cũng khẳng định rằng nhóm người ở Tịnh Thất Bồng Lai “chưa bao giờ có một phát biểu nào xúc phạm hay đặt điều sai trái với chính quyền”.
“Tôi phản đối việc bỏ tù họ, nhất là với một người già 90 tuổi. Đấy là một hành động vô nhân đạo!”, ông Đoàn Bảo Châu viết trên Facebook.
‘Không xứng đáng’
Hôm 20/7, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi vì sao không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các luật sư và truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Lê Tùng Vân nói rằng: “Không đăng ký Giáo hội Phật giáo vì thấy Giáo hội Phật giáo không xứng đáng!”.
VOA đã liên hệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin ý kiến về phát biểu này, nhưng chưa được phản hồi.
Tu sỹ Phật giáo Thích Đồng Long tại Tp. Hồ Chí Minh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nêu nhận định về phát biểu của ông Lê Tùng Vân:
“Tôi và các tổ chức độc lập khác không tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất đồng tình ủng hộ.
“Chúng tôi thường gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Giáo hội quốc doanh” không xứng đáng để cho những người hiểu biết về nội tình của tổ chức đó tham gia. Đây là điều hoàn toàn đúng và đáng được khen gợi.”
“Nói rằng đây là một đất nước có tự do tôn giáo nhưng thật sự nội tình bên trong thì hoàn toàn bị kìm tỏa, ngăn cản. Ngay cả trong những tổ chức quốc doanh có đăng ký với nhà nước còn bị ngăn cản, giới hạn, huống chi là các tổ chức độc lập khác, như một số cá nhân ở Tịnh Thất Bồng Lai.
“Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam hầu như còn rất kém, nếu không muốn nói là không có,” Thích Đồng Long cho biết thêm.
Giới quan sát cho rằng từ vụ án Tịnh thất Bồng Lai cho thấy xu hướng hình sự hóa của chính quyền trong việc thực hành các quyền con người tại Việt Nam, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Diễn đàn