Đường dẫn truy cập

Nhóm bạn trẻ Việt Nam với chiến dịch từ thiện giữa dịch COVID


Những bạn trẻ này đã huy động và phân phát hàng ngàn khẩu trang và chai nước rửa tay diệt khuẩn cho người nghèo và vô gia cư ở Sài Gòn và Long An trong suốt mùa dịch COVID.
Những bạn trẻ này đã huy động và phân phát hàng ngàn khẩu trang và chai nước rửa tay diệt khuẩn cho người nghèo và vô gia cư ở Sài Gòn và Long An trong suốt mùa dịch COVID.

Một nhóm sinh viên ở Việt Nam đã trao tặng hàng ngàn khẩu trang và các nhu yếu phẩm cho người nghèo ở Sài Gòn và tỉnh Long An trong lúc người dân chật vật tìm cách sinh tồn khi mọi hoạt động kinh tế đình trệ vì virus corona.

Nỗ lực này cũng nêu bật vai trò chủ động của nhiều bạn trẻ trong các hoạt động thiện nguyện nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng và xã hội một cách trực tiếp và độc lập, giữa một trong những cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất mà Việt Nam từng đối mặt.

Nhóm bạn trẻ khoảng 20 người, phần đông là sinh viên hiện đang theo học tại các trường đại học khác nhau ở Sài Gòn, đã tiến hành một chiến dịch vận động quyên góp và phát tặng các vật phẩm từ thiện từ sau Tết cho đến những ngày cuối của tuần trước, khi nhà chức trách Việt Nam bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau khi phần lớn khống chế được các ca lây nhiễm bệnh COVID-19.

Kết quả của chiến dịch này là khoảng 5.000 khẩu trang y tế, 10.000 khẩu trang vải, 2.000 chai nước rửa tay diệt khuẩn cũng như hàng trăm thùng mì gói và chai nước tương tặng cho người vô gia cư và người lao động thu nhập thấp ở Sài Gòn và ở huyện Châu Thành của tỉnh Long An, theo trưởng phụ trách chiến dịch Trần Anh Quân.

Anh Quân, 30 tuổi, hiện đang theo học liên thông ngành báo chí, nảy ra ý tưởng về chiến dịch này khi dịch virus corona bùng lên ở Việt Nam và ở Sài Gòn “mọi người không có ý thức bảo vệ lẫn nhau” bằng cách đeo khẩu trang vào đầu tháng 3, anh nói.

Vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, anh Quân cho biết chiến dịch khởi động với đợt phát khẩu trang và nước rửa tay cho sinh viên tại làng Đại học ở Thủ Đức, công nhân khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương gần đó và các y bác sĩ tuyến đầu tại Bệnh viện Đa khoa Long An.

Nhưng anh Quân và nhóm bạn nhanh chóng nhận ra một vấn đề đáng lo ngại trên đường phố.

“Mọi người cùng để ý là mua khẩu trang y tế thì ít nhưng sao thấy những người bán vé số và vô gia cư đeo nhiều,” anh kể. “Cả nhóm mới đi hỏi khẩu trang này nguồn ở đâu ra thì mới biết họ đi nhặt những cái khẩu trang y tế người ta vứt ở ngoài đường để sử dụng lại.”

“Khẩu trang y tế của họ lên mốc luôn nhưng nếu mà họ không đeo thì những người khác không dám mua vé số của họ.”

Anh Quân phát khẩu trang và tờ bướm của Bộ Y tế cho người dân ở Dĩ An, Bình Dương, ngày 23 tháng 3, 2020
Anh Quân phát khẩu trang và tờ bướm của Bộ Y tế cho người dân ở Dĩ An, Bình Dương, ngày 23 tháng 3, 2020
Một người tình nguyện phát khẩu trang cho một người vô gia cư ở Sài Gòn, ngày 31 tháng 3, 2020.
Một người tình nguyện phát khẩu trang cho một người vô gia cư ở Sài Gòn, ngày 31 tháng 3, 2020.

Anh Quân và đội ngũ của mình tiếp tục vận động, lần này là khẩu trang vải, để cung cấp cho những người lao động này. Với sự hỗ trợ và đóng góp của một số nhóm khác, anh cho biết nhóm của anh thu thập được khoảng 10.000 khẩu trang vải để phát cho người người vô gia cư, người bán vé số, chạy xe ôm, và quét rác trên các đường phố Sài Gòn.

Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ tiếp tục đem chiến dịch của mình tới huyện Châu Thành để giúp đỡ những người lao động gặp khó khăn vì các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Điều này cũng có nghĩa là họ phải xoay sở tìm nguồn tài chính để có thể mua thêm các vật phẩm mà họ cần.

“Mọi người mới có ý tưởng là bán tiền xưa, tiền và vé số thời Việt Nam Cộng Hòa, để quyên góp tiền,” anh Quân nói. Anh cho biết anh cũng quyết định bán bộ sưu tập vé số ngày 3 tháng 5 năm 1975 chưa sổ của anh.

“Bán những tờ vé số không được quay thưởng 45 năm trước quyên tiền hỗ trợ những người bán vé số bây giờ thì em thấy nó là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa,” anh nói. “Dù là bộ sưu tập mình yêu quý nhưng bây giờ nó có ích khi giúp được nhiều người thì có bán đi cũng xứng đáng.”

Trưởng chiến dịch thiện nguyện này cho biết nhóm của anh quyên góp được 2,1 tấn gạo. Sau đó, họ liên hệ với chính quyền của bốn xã thuộc huyện Châu Thành để tặng khoảng 200 phần quà, mỗi phần gồm 10 kg gạo, nước tương, nước khử khuẩn, và khẩu trang.

“Còn dư 200 phần thì tụi em đi tặng các đoàn lô tô của những người chuyển giới,” anh nói thêm.

Anh Quân trao túi gạo cho một người dân ở Long An, ngày 11 tháng 4, 2020.
Anh Quân trao túi gạo cho một người dân ở Long An, ngày 11 tháng 4, 2020.

Nguyễn Hoàng Thanh Nam, một trong những thành viên của nhóm thiện nguyện, cho biết anh nhìn thấy ý nghĩa tốt đẹp của chiến dịch vận động này bởi vì hơn lúc nào hết nó cho phép anh san sẻ khó khăn với những những người cần được giúp đỡ nhất trong xã hội, và vì “họ là đồng bào mình.”

Anh lưu ý đến sự “tinh tế trong từ thiện” bằng cách cung cấp những vật phẩm thiết yếu trong khi “kết hợp với nhiều nhóm từ thiện để hỗ trợ tương hỗ với nhau phát triển cộng đồng.”

“Và mẹ mình thường hay nói, ‘Hãy yêu thương nhau khi còn có thể,’” anh chia sẻ qua email.

Anh Quân dự định sẽ tiếp tục những chiến dịch thiện nguyện như thế này trong tương lai dù ưu tiên của anh là công tác hỗ trợ quyền lợi sinh viên tại một doanh nghiệp xã hội mà anh sáng lập.

“Em vui khi làm được những việc ý nghĩa này, nhưng cũng suy nghĩ nhiều khi thấy dân mình còn khổ quá,” anh nói. “Mong cho chế độ xã hội sớm trở nên tốt đẹp hơn để không ai phải đi nhận quà từ thiện nữa!"

VOA Express

XS
SM
MD
LG