Tháng Tư nhắc nhở nhiều sự kiện lịch sử. Martin Luther King bị ám sát ngày 4, năm 1968. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt bị đột quỵ và chết ngày 12, năm 1945 vào đầu nhiệm kỳ thứ tư. Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát ngày 14, năm 1865. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein qua đời ngày 18, năm 1955. Adolf Hitler và người tình Eva Braun uống thuốc độc tự tử ngày 30, năm 1945, khởi đầu của sự chấm dứt Thế Chiến II. Và đối với người Việt, sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30, năm 1975.
Martin Luther King chết nhưng để lại bài phát biểu tuyệt vời, “Tôi có giấc mơ”, trong đó nhắc đến “Tuyên bố Giải phóng” của Abraham Lincoln.
“Trong tiến trình giành lấy chỗ đứng đúng đắn của mình, chúng ta không được phạm tội sai trái. Chúng ta đừng để sự tìm kiếm khát vọng tự do của mình bằng việc uống từ ly của cây đắng và hận thù. Chúng ta phải luôn luôn hành xử cuộc đấu tranh của mình trên bình diện cao của phẩm giá và kỷ luật”, Martin Luther King nhấn mạnh và nhắc nhở những người đồng chí hướng.
Bài phát biểu này không ngừng truyền cảm hứng cho bao người trên khắp thế giới, nhất là những người bị áp bức, phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc v.v…, cho đến ngày hôm nay.
*****
Tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết khi Thế Chiến II sắp sửa chấm dứt, và chỉ trước Hitler 18 ngày. FDR để lại một di sản mà không một tổng thống nào trước và sau đó đó có thể sánh bằng. FDR là vị tổng thống duy nhất được người dân Hoa Kỳ tín nhiệm bốn nhiệm kỳ liên tiếp, kể từ năm 1932, là người đã thay đổi toàn diện và sâu sắc quan hệ giữa chính quyền và người dân, các chính sách kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục (nhất là ở bậc đại học), quan hệ với truyền thông và vận dụng truyền thanh, chính sách đối ngoại, quan hệ giữa các quốc gia và quốc tế, kỹ nghệ chiến tranh, vũ khí hạt nhân, vân vân… Trên hết, FDR có viễn kiến và nỗ lực vận động để thiết lập một trật tự quốc tế qua đó các quốc gia tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trong hòa bình thay vì chiến tranh, và tuy không hoàn hảo, trật tự này vẫn đứng vững hơn bảy thập niên qua.
Thủ tướng Anh Winston Churchill, người sát cánh với FDR từ năm 1940 đến 1945 về mọi chiến lược và chiến thuật trong Thế Chiến II, đã từng nhận xét rằng FDR là “một người bạn chân thành nhất; là người có viễn kiến xa nhất; và là người vĩ đại nhất mà tôi được biết”.
Sử gia Jean Edward Smith diễn tả FDR “Ông tự nâng mình từ xe lăn để nâng cả nước từ đầu gối” (He lifted himself from a wheelchair to lift the nation from its knees.)
*****
Tổng thống Abraham Lincoln chết khi hòa bình vừa mới đến. Ông để lại một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thống nhất, chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ và lưu lại một văn hóa chuyển hóa lãnh đạo.
Lincoln chọn những người tài năng nhất, mạnh mẽ nhất, ngay cả những người từng coi thường ông và cạnh tranh với ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước đó, để vào nội các của mình. Họ thuộc mọi khuynh hướng bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến. Những người như William Seward, Salmon Chase, Edward Bates đều là những người tự tin, đầy kinh nghiệm và khả năng hơn cả Lincoln, và đều tự cho mình lẽ ra phải là tổng thống, thay vì Lincoln. Nhưng Lincoln cho biết trong thời điểm khó khăn, khi đất nước lâm nguy, ông cần họ hơn bao giờ hết. Và tất cả những người này, sau một thời gian, đều nhìn ra, khâm phục và tâm phục tài lãnh đạo xuất sắc của Lincoln. Tuyên bố Giải phóng (Emancipation Proclamation) và Tu Chính án 13 sau này đã xóa bỏ chế độ nô lệ. Trước quốc hội Hoa Kỳ, Lincoln tuyên bố: “Hỡi các công dân Hoa Kỳ, chúng ta không thể nào tránh được lịch sử… Bằng cách trao tự do cho người nô lệ, chúng ta bảo đảm được tự do cho người tự do…”.
Liền sau cuộc nội chiến, Lincoln minh định rằng đã quá đủ mạng sống hy sinh, và “Chúng ta phải dập tắt sự oán giận nếu chúng ta mong đợi hòa thuận và đoàn kết”. Đối với thành phần đứng đầu của các nhóm phản kháng, kể cả những người tồi tệ nhất, Lincoln không hề muốn sự giết hại nào. Để tiến trình hàn gắn, hòa giải không bị ảnh hưởng tiêu cực, ông muốn họ dời đi nơi khác, vì nếu ở thì họ sẽ phải bị trừng phạt về tội ác của mình. Những người lính của bên thua cuộc được cho về nhà, về với gia đình họ, và được hứa sẽ không hề bị sách nhiễu, nếu họ không làm hại gì sau đó. Tướng Grant tường trình Lincoln chủ trương như thế, và cho Lincoln biết những người lính bên thua cuộc vẫn tiếp tục được giữ ngựa và súng tự vệ. Sau khi nghe tường trình, mặt ông Lincoln sáng lên vì hài lòng.
*****
Nhà khoa học Albert Einstein chết để lại một di sản khoa học đồ sộ mà cho đến nay có lẽ chưa ai sánh bằng. Những lý thuyết vật lý của Einstein vẫn tiếp tục ảnh hưởng và được thử nghiệm bằng khoa học kỹ thuật tân tiến nhất cho đến nay. Nhưng những triết lý sống Einstein để lại cho đời cũng không kém phần giá trị.
Sau đây là một số câu triết lý đặc thù của Einstein.
Một người chưa bao giờ lầm lỗi là chưa bao giờ dám thử điều gì mới. (A person who never made a mistake never tried anything new.)
Những tâm hồn vĩ đại luôn gặp phải sự phản đối dữ dội từ những bộ óc tầm thường. (Great spirits have always encountered violent opposition from mediocre minds.)
Sự tôn trọng thiếu suy nghĩ đối với quyền lực là kẻ thù lớn nhất của sự thật. (Unthinking respect for authority is the greatest enemy of truth.)
Một khi bạn ngừng học hỏi, bạn bắt đầu chết dần. (Once you stop learning, you start dying.)
Tôi không có tài năng đặc biệt gì. Tôi chỉ tò mò một cách nhiệt tình. (I have no special talent. I am only passionately curious.)
Không phải là vì tôi rất thông minh, mà chỉ vì tôi dành thời gian cho vấn đề lâu hơn. (It’s not that I’m so smart, it’s just that I stay with problems longer.)
Điều gì đúng không phải lúc nào cũng phổ biến, và điều gì phổ biến không phải lúc nào cũng đúng. (What is right is not always popular, and what is popular is not always right.)
Tôi nói chuyện với mọi người theo cùng cách như nhau, cho dù anh ta là người dọn rác hay hiệu trưởng của trường đại học. (I speak to everyone in the same way, whether he is the garbage man or the president of the university.)
Khi được biết đang có những nỗ lực để chế tạo bom nguyên tử, đặc biệt là từ Đức Quốc Xã, Einstein đã viết thư riêng cho Tổng thống Franklin Delano Roosevelt/FDR vào ngày 2 tháng Tám 1939 để trình bày một số thông tin, dữ kiện và đề nghị. FDR viết thư cảm ơn Einstein vào ngày 19 tháng Mười 1939. Chính nhờ lá thư của Einstein mà FDR đã cho hình thành dự án có tên The Manhattan Project, chế tạo thành công các bom nguyên tử đầu tiên, và sau đó được Tổng thống Harry Truman quyết định cho thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 và 9 tháng Tám 1945 sau khi Nhật vẫn nhiều lần từ chối đầu hàng vô điều kiện.
Nếu không có lá thư này, dự án này, và nếu bom nguyên tử được Đức Quốc Xã chế tạo thành công trước Hoa Kỳ, thì có lẽ thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác hẳn. Và chúng ta khó tưởng tượng thế giới sẽ thật sự ra sao nếu trục Đức, Ý và Nhật thắng cuộc.
*****
Cái chết của Hitler chấm dứt một thời đại điên cuồng, một kẻ sát nhân rùng rợn của thế kỷ 20 còn hơn Stalin và Mao. Nó cũng kết thúc chủ nghĩa dân tộc cực đoan mang tên phát xít (fascism). Albert Einstein may mắn viếng thăm Hoa Kỳ năm 1933 và vì Hitler lên cầm quyền lúc đó nên ông không bao giờ phải trở về lại Đức sau đó.
Làm thế nào mà trong lịch sử nhân loại, không chỉ một lần mà đã lập đi lập lại nhiều lần và nhiều nơi trên thế giới, một người, một cá nhân thôi, có thể tác động lên hàng triệu người khác, có thể chuyển hóa gần như toàn bộ người dân của họ phải chấp nhận và kể cả hỗ trợ cho những hành động tàn ác không thể tưởng tượng được? Chắc chắn phần lớn người dân Đức không hề xấu như vậy. Nhưng Hitler là người biết khai dụng, đem ra những cái xấu và ác nhất của người Đức lúc đó. Qua chính sách tuyên truyền của Joseph Goebbels, Hitler biến họ thành vô cảm trước nỗi đau của người khác. Hận thù, sợ hãi và vô cảm đã đưa dân tộc này lên đỉnh cao tạm thời để sau đó đâm đầu xuống vực thẳm của thất bại và hổ thẹn.
Những người nghiên cứu về cuộc đời của Hitler cho biết bố của Hitler là người tàn độc và bạo hành, thường xuyên đánh Hitler và người anh bằng roi. Ở tuổi 11, ngay sau khi bị quất 32 roi, Hitler đã biết tự kiềm chế cảm xúc và nỗi đau để không khóc, để cho bố ông không thỏa mãn sự hành hạ đối với con mình. Sự hận thù về cách hành xử của cha đã châm ngòi cho sự hận thù đối với người Do Thái sau khi ông bố mất lúc Hitler 14 tuổi, phục vụ như vật tế thần cho sự hận thù còn sót lại trong Hitler. Như bao nạn nhân của bạo hành về thể xác hoặc tình dục khác, Hitler đã trãi nghiệm cảm giác cực kỳ vô dụng và bất lực từ lúc nhỏ đối với quan hệ với cha mình. Hoàn cảnh bi thảm như thế đã gây ra cảm giác tự ti (inferiority feelings), nhỏ nhoi, yếu đuối, dẫn đến sự kiềm chế tính hiếu chiến và hiện tượng lo lắng. Điều này dẫn đến “phản kháng cơ bắp”, bù đắp cho sự phấn đấu để vượt trội (chống lại cảm giác tự ti), gây hấn, tham vọng, thờ ơ và đố kị, cùng với "sự bất chấp, báo thù và oán giận" v.v… Tóm lại, sự độc ác và tàn bạo của Hitler được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ và trả thù để đáp lại vết thương lòng tự ái và cảm giác tự ti sâu sắc trước đó (thưở còn bé).
Nói đến Hitler, tôi liên tưởng đến bài hát “I started a joke” của ban nhạc Bee Gees, mặc dầu không biết ý định của người sáng tác bài nhạc này thật sự là gì.
Till I finally died, which started the whole world living…
*****
Mỗi năm đến 30 tháng Tư, dù có muốn quên đi nữa, chúng ta cũng không thể nào không nghĩ đến những chính sách cực kỳ sai lầm và tàn ác của chế độ cộng sản Việt Nam. Các trại cải tạo tập trung mọc lên trên khắp mọi miền đất nước, nền kinh tế kế hoạch hóa với chủ trương tiêu diệt mọi tàn tro của miền Nam, ba lần đổi tiền, kinh tế mới, hộ khẩu, chính sách phân biệt đối xử, “hồng hơn chuyên”, và sự trả thù, trù dập đối với quân cán chính và gia đình những người theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Các chính sách đầy ảo tưởng và hận thù này đã xô đẩy hàng triệu người Việt Nam bất chấp mọi hiểm nguy để vượt biên vượt biển.
Mọi người dân Việt Nam cần tìm hiểu về giai đoạn lịch sử vô cùng đen tối này, không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà để biết về những sự thật vào thời điểm đó và rút ra bài học cho mình và các thế hệ mai sau. Những ai không muốn biết, thấy, nghe hay đọc về giai đoạn này chẳng khác gì tự bịt mắt mình, và tự đánh lừa mình và người khác, sớm hay muộn. Lịch sử Việt Nam cần phải được viết lại một cách trung thực, và cần phải được tiếp thu bằng tư duy phản biện (suy nghĩ phê phán) qua nền giáo dục khoa học và khai phóng sau này để những sai lầm không còn tái diễn về sau.
*****
Martin Luther King và những người Mỹ gốc Phi châu tri ân Abraham Lincoln vì không có Lincoln chế độ nô lệ và lịch sử Hoa Kỳ và thế giới đã là những trang sử rất khác. FDR học hỏi rất nhiều và được truyền cảm hứng từ người anh họ Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, trong khi Theodore Roosevelt đã học hỏi và được truyền cảm hứng rất nhiều cũng từ Lincoln. Lincoln và FDR được đa số các sử gia và các chuyên gia chính trị học đánh giá là hai trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của Hoa Kỳ. Họ đều trãi qua những chấn thương rất lớn trong đời, Lincoln thì thất vọng và trầm cảm đến độ những người chung quanh sợ ông tự tử; còn FDR thì bị bệnh polio liệt nửa người trước khi trở thành vị tổng thống mà tầm nhìn vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên Hoa Kỳ và toàn thế giới ngày nay. Nếu không có lá thư của Albert Einstein gửi riêng cho FDR nhấn mạnh đến khả năng vũ khí hạt nhân thì Thế Chiến II cũng sẽ kết thúc với phê đồng minh thắng cuộc, nhưng có lẽ sẽ kết thúc khác, tuy số phận của Hitler đã được an bài. Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (Office of Strategic Services/OSS) của Hoa Kỳ lúc đó do FDR ký sắc lệnh thành lập vào 13 tháng Sáu 1942 đã có nhân viên tình báo có mặt tại Việt Nam, tiếp xúc với Hồ Chí Minh v.v… Nhưng Việt Nam là một nước nhỏ không đáng để FDR nói riêng Hoa Kỳ nói chung quan tâm vào thời điểm 1945. Thế nhưng không ai ngờ 20 năm sau Việt Nam trở thành tâm điểm của thời Chiến tranh Lạnh, và leo thang chiến tranh để rồi chấm dứt một cách bi thảm 10 năm sau.
Sáu cái chết trên, tuy tình cờ vào tháng Tư, nhưng có sự liên hệ mật thiết với nhau ở khía cạnh ý thức hệ chính trị: nó là cuộc đấu tranh giữa một hệ tư tưởng chủ trương duy trì và phát huy tự do, dân chủ, nhân bản và một hệ tư tưởng cổ võ cho áp bức, kỳ thị và độc tài, dù là độc tài phát xít hay cộng sản toàn trị.
Những biến cố địa chính trị ở cấp quốc gia, khu vực, lục địa luôn có những tác động nhất định đến toàn cầu, và ngày càng như thế, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Khi ký tên vào bản Tuyên bố Giải phóng nô lệ, Lincoln khẳng khái: “Tôi không bao giờ trong cuộc đời mình cảm thấy chắc chắn rằng tôi đang làm điều đúng, hơn điều tôi đang làm để ký tên vào đây. Nếu tên tôi có bao giờ đi vào lịch sử nó sẽ là hành động này, và toàn bộ tinh thần của tôi nằm trong đó.”
Lincoln thấu hiểu lịch sử, và làm nên lịch sử, mở ra một trang sử mới cho Hoa Kỳ. ĐCSVN không hiểu lịch sử, mà còn muốn sửa đổi, bóp méo, xóa bỏ lịch sử, và do đó đi vào vết xe lịch sử. Họ vẫn tiếp tục chủ trương bưng bít mọi sự thật hiện nay. Và điều này rất tai hại và nguy hiểm cho tương lai.
Nhìn về lịch sử Việt Nam trên hai ngàn năm qua, dân Việt đã trãi qua bao nhiêu cuộc nội chiến và ngoại xâm, cho nên đã bị quá nhiều vết thương và chấn thương. Hận thù đưa đến hận thù. Bạo lực sinh ra bạo lực. Chế độ chính trị hiện nay là hiện thân của chấn thương quá lớn và có lẽ tồi tệ nhất của một tầng lớp văn hóa thấp. Lối thoát duy nhất là cắt đứt vòng luẩn quẩn. Hạt giống tốt có khả năng chuyển hóa. Niềm tin vững chắc vào các nguyên tắc và giá trị nhân bản sẽ đặt nền tảng cho các thế hệ mai sau. Và thông tin, giáo dục cùng với tình thương và cảm thông sẽ là nguồn dinh dưỡng và sức sống cho tiềm năng dân tộc mai sau.
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Khi viết bài này tôi mong rằng một ngày nào đó khi thay đổi chính trị diễn ra tại Việt Nam, cuộc cách mạng lần này sẽ không để tái diễn những lỗi lầm của quá khứ. Không còn cảnh máu đổ xương rơi vì hận thù. Không lập lại những gì cộng sản đã làm đối với người dân miền Nam sau 30 tháng Tư 1975. Như thế mới là cuộc cách mạng chính nghĩa, và một văn hóa cao xứng đáng với sứ mệnh lịch sử.
(Úc Châu, 30/04/2019)
Tài liệu tham khảo:
Doris Kearns Goodwin, Leadership: In Turbulent Times, Simon & Schuster (September 18, 2018).
Doris Kearns Goodwin, No Ordinary Time: Franklin and Eleanor Roosevelt: The Home Front in World War II, Simon & Schuster, 1st edition (October 1, 1995).
Jean Edward Smith, FDR, Random House; Reprint edition (May 13, 2008).
Berit Brogaard D.M.Sci., “Group Hatred in Nazi Germany: 80 Years Later”, Psychology Today, 1 July 2018.
Stephen A. Diamond, “How Mad was Hitler?”, Psychology Today, 20 December 2018.