Đường dẫn truy cập

Những điều cần biết về chuyến thăm của USS Carl Vinson tới Việt Nam


Nó thuộc lớp hàng không mẫu hạm hùng mạnh nhất thế giới

USS Carl Vinson là một siêu hàng không mẫu hạm thứ ba thuộc lớp Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ. Lớp Nimitz, với thể tích choán nước lúc chở nặng là 100.000 tấn dài, là hàng không mẫu hạm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Lớp Gerald R Ford của Mỹ được đưa vào hoạt động vào năm ngoái, theo trang tin Naval Technology.

Hàng không mẫu hạm Nimitz có tổng chiều dài 333 mét với diện tích mặt sàn báy bay cất cánh gần 2 hectare có thể chứa hơn 60 chiến đấu cơ. Thủy thủ đoàn có thể lên tới 3.200 người, 1.500 người thuộc không đoàn và 500 người thuộc các toán khác.

Tàu thuộc Lớp Nimitz được vận hành bằng hai lò phản ứng hạt nhân tạo ra hơi nước áp lực cao làm xoay bốn trục cánh quạt, khác với các tàu chiến hiện đại khác sử dụng turbine khí hay hệ thống đẩy bằng điện-diesel. Nhờ thiết kế này, các tàu Nimitz có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu và có thời gian phục vụ khoảng 50 năm. Vận tốc tới đa của tàu có thể đạt được là 30 hải lý (56 km) một giờ.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 1982, USS Carl Vinson đã được điều động tham gia nhiều hoạt động quân sự quy mô lớn của Mỹ như Chiến tranh Iraq (2003) và Cuộc chiến Toàn cầu Chống Khủng bố từ năm 2001 tới năm 2014. Một trong những sự kiện nổi bật có sự tham gia của USS Carl Vinson là việc trùm khủng bố Osama bin Laden được hải táng vào năm 2011 từ boong của chiến hạm này.

Nó là hàng không mẫu hạm đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh

Việc USS Carl Vinson, tàu chủ lực trong Nhóm Tàu sân bay Tấn công 1 của Hải quân Mỹ, cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam – và sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Mỹ tại Việt Nam – kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Những tàu chiến nhỏ hơn của Hải quân Mỹ đã ghé thăm Việt Nam trong những năm gần đây, trong đó có một chuyến thăm của tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable và khu trục hạm với phi đạn điều hướng USS John S. McCain tới Vịnh Cam Ranh. Nhưng việc USS Carl Vinson đến Việt Nam được giới quan sát nhận định là một diễn biến rất đáng kể trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt tiếp tục được cải thiện.

“Trong bối cảnh đó, chuyến thăm này nên được hiểu không chỉ là một sự kiện đơn lẻ mà là một phần trong chiến lược Mỹ dần dần đưa hàng không mẫu hạm của mình vào mối quan hệ này,” biên tập viên cao cấp Prashanth Parameswaran viết trong một bài phân tích trên tạp chí The Diplomat chuyên về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Parameswaran nêu dẫn chứng tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trở thành quan chức Việt Nam cao cấp nhất chính thức bước lên một hàng không mẫu hạm của Mỹ khi ông thăm chiếc USS Carl Vinson. Và chỉ vài ngày trước, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã tham quan hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush trong chuyến thăm chính thức hai ngày tới Norfolk, bang Virginia.

“Việc Việt Nam đón tiếp một hàng không mẫu hạm Mỹ chắc chắn sẽ là một bước tiến nữa về phương diện này và sẽ là minh chứng cho thấy Hà Nội ngày càng dễ chịu trong việc tiếp đón các tàu Mỹ, cũng như vai trò ngày càng lớn của Hà Nội trong việc ủng hộ các nỗ lực của Mỹ trong bối cảnh rộng hơn là khu vực Châu Á Thái Bình Dương,” ông Parameswaran phân tích.

Nó gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của Mỹ tới Trung Quốc

Trươc chuyến thăm Việt Nam, USS Carl Vinson đã cập cảng ở Manila, Philippines, nơi thủy thủ đoàn giao lưu với người dân địa phương và tham gia một số hoạt động trợ giúp cộng đồng. Dù Hải quân Mỹ có chính sách không tiết lộ địa điểm cụ thể các chiến hạm của mình, sĩ quan chỉ huy hàng không mẫu hạm này, Hạm trưởng Doug Verissimo, nói trong một video thông điệp đăng trên trang Facebook của USS Carl Vinson hôm 26 tháng 2 rằng chiến hạm này đang ở Biển Đông, “nơi chúng tôi tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ.”

Phóng viên của hãng tin ABC của Úc có mặt trên chiến hạm này tường thuật rằng dù không ai trên tàu phát biểu một cách thẳng thừng, “nhưng con tàu đang đi ngang qua Biển Đông để gửi đi một thông điệp có chủ ý: những vùng biển này không phải của riêng Trung Quốc.”

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông có tranh chấp và trong những năm gần đây đã tăng cường bồi đắp cải tạo những đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những cơ sở quân sự và đường băng tiếp tục được Trung Quốc xây cất giữa những lo ngại đang lớn dần của các nước láng giềng về một cuộc đối đầu quân sự khả dĩ.

Các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” mà Mỹ tiến hành trong khu vực này đã khiến Trung Quốc phẫn nộ, nhưng việc USS Carl Vinson tiến vào vùng biển này cho thấy quyết tâm của giới lãnh đạo Mỹ, Hạm trưởng Verissimo nói.

“Khi họ đưa một nhóm tàu sân bay tấn công tới nơi nào đó, nó cho thấy Mỹ quan tâm tới nơi đó,” ông nói với phóng viên của ABC có mặt trên tàu. “Chúng tôi không có quá nhiều hàng không mẫu hạm, nhưng khi chúng tôi điều nó tới một nơi nhất định thì nó tạo ra được ảnh hưởng.”

“Đương nhiên nó cũng cho các nhà ngoại giao của chúng tôi thời gian và không gian để thương thuyết và ra quyết định, cuối cùng là để có gắng ngăn chặn bất kỳ loại xung đột nào.”

Việt Nam, nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã nổi lên như một nước mạnh mẽ phản đối những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sau khi Philippines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, cố gắng giảm nhẹ những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh để tìm kiếm viện trợ và hợp tác.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của USS Carl Vinson cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam tìm kiếm sự cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, theo Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Yusof Ishak ISEAS ở Singapore.

“Nó là biểu tượng mạnh mẽ cho cách thức mà mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã tiến triển giữa bối cảnh quyền lực của Trung Quốc đang trỗi dậy,” ông Storey nói với Reuters.

VOA Express

XS
SM
MD
LG