Frances Alonzo
Một cuộc nghiên cứu mới phân tích Chỉ số Phát triển Doanh nghiệp Toàn cầu GEDI giữa Nam và Nữ do tập đoàn máy tính Dell tài trợ thực hiện cho thấy hai nước châu Á đứng đầu bảng xếp hạng về môi trường tốt nhất cho các nữ doanh nhân là Hàn Quốc và Trung Quốc. Bà Ruta Aidis, Giám đốc Dự án Gender-GEDI tại Viện GEDI cho biết cuộc nghiên cứu này phân tích cả điểm mạnh và yếu của mỗi quốc gia để có thể cho các nhà lãnh đạo thế giới một mức phát triển cao nhất về việc quốc gia của họ cần phải làm gì để tạo môi trường thân thiện hơn với các nữ doanh nhân.
Trong số 30 nước nằm trong cuộc nghiên cứu Chỉ số Phát triển Doanh nghiệp Toàn cầu giữa Nam và Nữ lần này, Hàn Quốc và Trung Quốc có cùng xếp hạng với Nam Phi ở vị trí 11. Trong khi đó, Nhật Bản cùng đứng với Peru ở vị trí 14, và Thái Lan xếp thứ 17. Như vậy ngoài Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan cũng là hai nước châu Á có môi trường tốt cho các nữ doanh nhân.
Tuy nhiên, theo lời bà Ruta Aidis, Giám đốc Dự án Gender-GEDI tại Viện GEDI, mỗi quốc gia đều có điểm mạnh và yếu riêng:
“Thế mạnh của Hàn Quốc là họ có một môi trường kinh doanh tốt với tỷ lệ rủi ro kinh doanh thấp và nguồn tiếp cận tài chính tốt nói chung.”
Một trong những nguồn tiếp cận tài chính tốt mà Hàn Quốc có đó là tiếp cận vốn qua việc sở hữu một tài khoản ngân hàng chính thức.
Cuộc nghiên cứu cho biết, trong khi việc có một tài khoản ngân hàng chính thức là rất quan trọng đối với các nữ doanh nhân có tiềm năng bởi lẽ đó là điều kiện để xin được các khoản vay ngân hàng, mức tín dụng, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp, 50 phần trăm hoặc hơn phụ nữ tại 14 trên 30 quốc gia trong cuộc nghiên cứu lần này không có tài khoản ngân hàng. Các quốc gia này bao gồm Nga, Chile, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan v..v..
Ngược lại, cuộc nghiên cứu chỉ ra có năm quốc gia không những có tỷ lệ phụ nữ sở hữu tài khoản ngân hàng cao nhất, từ 90% trở lên, mà tại cả năm nước này, tỷ lệ phụ nữ có tài khoản ngân hàng ở mức cao hơn đàn ông. Đó là các nước: Thụy Điển, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng có những mặt yếu và một trong số đó là tỷ lệ doanh nghiệp mới do nữ giới làm chủ còn rất thấp. Bà Aidis cho biết:
“Cứ 10 doanh nghiệp mới của nam giới thì chỉ mới có ba doanh nghiệp mới của nữ giới. Và tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo cũng rất thấp. Trong số tất cả các quản lý và giới chức cấp cao của Hàn Quốc, chỉ có 10 phần trăm là phụ nữ. Cần phải nhấn mạnh hơn nữa về những khu vực còn hạn chế việc phụ nữ khởi nghiệp và việc cung cấp thêm cơ hội cho phụ nữ bước vào những vị trí lãnh đạo. Sở dĩ cần làm như vậy vì chúng tôi nhận thấy có một sự tương quan giữa phụ nữ, sự lãnh đạo và thêm sự chấp nhận phụ nữ nắm giữ những vị trí điều hành trong một quốc gia.”
Không giống Hàn Quốc, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ các doanh nghiệp mới do phụ nữ làm chủ rất cao. Cứ 10 doanh nghiệp mới ra đời thì có tám doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Trung Quốc có thị trường vốn phát triển khá tốt và họ cũng có tỷ lệ phần trăm các doanh nghiệp mới do phụ nữ điều hành giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới khá cao.
Nhưng một trong những điểm yếu mà Trung Quốc cần khắc phục đó là tỷ lệ nữ doanh nhân có bằng đại học còn thấp, theo lời bà Aidis:
“Chỉ có 28 phần trăm các nữ chủ nhân doanh nghiệp có bằng đại học. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những doanh nhân nam hoặc nữ học cao hơn có xu hướng lèo lái công ty của mình thành công hơn và có thể tiếp cận thêm nhiều mạng lưới, cơ hội tập huấn, và những kiến thức mà những người khác với mức giáo dục thấp hơn không có cơ hội tiếp cận được. Một vấn đề khác ở Trung Quốc đó là đối với các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, mức độ phụ nữ dùng internet là rất thấp, chỉ có 34 phần trăm. Tỷ lệ phần trăm phụ nữ có tài khoản ngân hàng chính thức cũng thấp, chỉ ở mức 37 phần trăm.”
Không chỉ ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, bà Aidis cho biết, phụ nữ ở phần lớn các quốc gia trên thế giới đổ xô vào ngành dịch vụ, y tế, giáo dục, những mảng có xu hướng đem lại lợi nhuận thấp và rất cạnh tranh. Sau khi tập trung nghiên cứu các doanh nghiệp mới trong ngành công nghệ, cuộc nghiên cứu của GEDI nhận thấy chỉ số phụ nữ tham gia trong ngành công nghệ ở cả 30 quốc gia đều thấp. Bà Aidis nói:
“Trung bình chỉ có 1 đến 2 phần trăm các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Chúng tôi mong muốn khuyến khích các quốc gia thực sự sẽ chú tâm đến vấn đề này và vạch ra những chiến lược để mở rộng những mảng vốn đã do nam giới chiếm lĩnh như xây dựng, khai mỏ, giao thông, cơ sở hạ tầng, v..v...”
Mặc dù ở một số các quốc gia và trong khu vực châu Á, phụ nữ theo học các ngành như khoa học, công nghệ, toán, kỹ thuật, tin học, những ngành có thể giúp họ khởi nghiệp trong ngành công nghệ, nhưng phụ nữ lại chưa làm điều đó. Bà Aidis nói rằng có một câu hỏi rất quan trọng đó là ‘tại sao họ lại chưa làm điều đó?’ Bà nói thông thường chính những thái độ, văn hóa trọng nam, đã ngăn cản việc phụ nữ thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ngành công nghệ trên khắp thế giới:
“Một quốc gia có thể nói rằng những giá trị truyền thống là rất quan trọng đối với chúng tôi và phụ nữ thì không cần tham gia vào lực lượng lao động chính thức hay việc kinh doanh. Nhưng thực sự, nếu bạn quan tâm tới tính cạnh tranh của đất nước bạn trong thời đại toàn cầu mới này, tôi không nghĩ là sẽ có quốc gia nào muốn hạn chế 50 phần trăm dân số của mình tham gia tạo ra những sáng kiến và những sự phát triển mới có thể giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tính cạnh tranh của nước họ. Vì thế mà điểm mấu chốt mà chúng tôi muốn nói tới đó là nên tạo ra những sự lựa chọn cho tất cả các cá nhân trong xã hội. Không phải tất cả phụ nữ đều muốn trở thành doanh nhân, không sao cả, không phải phụ nữ nào cũng muốn phát triển doanh nghiệp của họ, nhưng họ nên được cho cơ hội bởi vì nếu không thì về cơ bản, bạn đang ném tất cả các khả năng ra ngoài cửa sổ.”
Cuộc nghiên cứu chỉ số doanh nghiệp phụ nữ GEDI hay còn gọi là Gender GEDI đo lường sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tiềm năng trên khắp thế giới do Viện Doanh nghiệp và Phát triển Toàn cầu có trụ sở ở Washington, DC thực hiện.
Nguồn: VOA Interview, Dell