2014 là một năm sôi động đầy sự kiện đáng ghi nhớ đối với người dân Việt Nam về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, xã hội đến an ninh-chủ quyền quốc gia.
Những sự kiện nào trong số này được dân chúng trong nước quan tâm nhất năm qua? Chúng tôi ghi nhận qua cuộc trao đổi với một số cư dân từ ba miền đất nước.
Từ Sài Gòn, anh Huỳnh Công Thuận, một blogger hăng hái tham gia các hoạt động xã hội dân sự, chia sẻ:
“Người dân quan tâm nhất là vấn đề kinh tế, rất khó khăn, khó khăn về mọi mặt. Kinh tế nói thẳng ra là lạm phát, nợ xấu ngân hàng lâu nay ảnh hưởng tới người dân thường. Kinh tế tệ chưa đáng nói, đáng nói hơn là chính phủ không giải quyết được mà cứ che lấp. Tôi nói thẳng chế độ này bây giờ có sụp đổ hay không là do kinh tế chứ không phải do chính trị. Với góc độ một người dân thường có theo dõi vấn đề, tôi thấy đó là những điều dân quan tâm nhất. Còn những việc khác cũng có quan tâm như Trung Quốc đặt giàn khoan, biểu tình chống Trung Quốc v..v…những chuyện đó cũng có quan tâm nhưng đó là những chuyện đột phá rồi thôi chứ không kéo dài âm ỉ gây ra mối nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia như là kinh tế.”
VOA: Anh có kỳ vọng thế nào trong năm mới?
Anh Huỳnh Công Thuận: Tôi mong đất nước sẽ thay đổi, tiến bộ lên, mà phải thay đổi thật sự chứ không phải là trên các báo cáo.
Một nhà hoạt động xã hội ở phía Bắc được nhiều người biết đến kể từ các cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, anh Nguyễn Lân Thắng, cho biết:
“Những sự kiện ấn tượng nhất trong năm qua thứ nhất là sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, tăng rất nhanh. Thứ hai, những biến động chính trị đấu đá quyền lực trong nước trước Đại hội đảng. Đó là những vấn đề mà người dân bây giờ rất quan tâm, chú ý theo dõi. Thứ ba là tình trạng đàn áp nhân quyền, các vụ bắt bớ blogger và các cây viết chính trị-xã hội tăng rất cao. Đây là những nét điển hình của năm qua.”
VOA: Về sự an tâm, hài lòng của người dân trong 2014 so với những năm trước, anh có sự so sánh thế nào?
Anh Nguyễn Lân Thắng: Tôi nghĩ tình trạng người dân ngày càng bất an. Quan sát qua các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phi chính phủ hay truyền thông ‘lề dân’ có thể thấy rất rõ qua các bài viết và bình luận của dân chúng. Đồng thời, người dân cũng có các hành động cụ thể chuẩn bị cho một tương lai đen tối có thể xảy ra, chẳng hạn họ nỗ lực cho con đi ra nước ngoài du học. Đặc biệt, gần đây làn sóng người Việt xin đầu tư sang Mỹ để được thẻ xanh ở Mỹ gia tăng. Không phải tự nhiên mà có hiện tượng này. Bất ổn và những bất an trong xã hội đã đến mức báo động và người dân phải tìm đường sống, tìm cách thoát khỏi tình trạng này.
VOA: Nhìn lại năm qua hướng tới năm mới tốt đẹp hơn. Nếu có một điều cầu chúc, một điều ước cho năm mới, anh sẽ ước điều gì?
Anh Nguyễn Lân Thắng: Tôi ước rằng người dân hãy dũng cảm lên. Nếu mọi người dân thật sự dũng cảm đấu tranh cho tương lai của mình thì mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi, dù có đau khổ nhưng sẽ qua nhanh thôi. Không có sự đồng lòng, sự dũng cảm của người dân, một vài nhà hoạt động cũng không thể thay đổi được tình hình đất nước. Quan trọng phải có sự đồng thuận của người dân, những người đang thật sự chịu các vấn nạn này trên đất nước Việt Nam.
Tại miền Trung, một cư dân Đà Nẵng thường chia sẻ các ghi nhận về đời sống xã hội và các quan điểm về dân chủ-nhân quyền trên các trang mạng xã hội, anh Lê Khánh Duy, tiếp lời:
“Mình thấy càng ngày kinh tế Việt Nam càng có vẻ bi đát qua số liệu các doanh nghiệp tư nhân phá sản rất nhiều. Về chính trị, trước thềm Đại hội đảng, có nhiều blogger được nhiều người mến mộ bị bắt, ví dụ như Nguyễn Quang Lập hay mới nhất là Nguyễn Đình Ngọc. Hai sự kiện này, theo mình, là quan trọng nhất. Tình hình Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị đang ở giai đoạn bắt buộc phải có những sự thay đổi.”
VOA: Trong số các thay đổi mong muốn trong năm mới, sự thay đổi ưu tiên nhất mà anh mong mỏi là gì?
Anh Lê Khánh Duy: Bắt đầu từ cải cách cơ chế chính trị. Từ đó mới có động lực để cải tạo lại xã hội, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể phát triển hơn nữa về kinh tế. Nếu không, xã hội sẽ dẫn tới những bất ổn, rối loạn vô cùng bất lợi cho Việt Nam.
VOA: Anh muốn có sự thay đổi chính trị là ưu tiên hàng đầu. Anh mong nó thay đổi như thế nào?
Anh Lê Khánh Duy: Chính quyền phải biết thay đổi như tôn trọng nhân quyền, những quyền căn bản của công dân như tự do ngôn luận chẳng hạn.
VOA: Sôi động nhất trong năm có thể nói là vụ giàn khoan Trung Quốc liên quan đến chuyện chủ quyền biển đảo quốc gia. Vì sao anh không xem đây là điều đáng quan tâm nhất trong năm?
Anh Lê Khánh Duy: Vụ giàn khoan chỉ là một cái nhọt trong cơ thể (mối quan hệ Việt-Trung) đã bị nhiễm độc lâu ngày rồi. Vụ giàn khoan cũng chỉ là một sự kiện bề nổi, một trong những cái bộc phát ra thôi. Nó chỉ thể hiện một phần rất nhỏ trong các mối quan hệ phức tạp giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề chính là Việt Nam phải cho người dân được tự do, dân chủ. Lúc đó, Việt Nam mới có thể vực dậy nội lực, mới có thể tính tới vấn đề Trung Quốc. Bây giờ dân khí và nội lực Việt Nam đã quá yếu trong khi sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế lẫn chính trị ngày càng trầm trọng và nguy hiểm. Cho nên, theo tôi, cải cách chính trị cho dân chủ-tự do là tiền đề tiên quyết để có thể khôi phục lại mọi chuyện, trong đó có cả vấn đề lãnh thổ-lãnh hải của Việt Nam.
Vừa rồi là ý kiến của một số cư ở ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam mà chúng tôi có dịp hỏi chuyện trong cuộc ghi nhận ngắn trong ngày cuối năm. Theo các bạn, những sự kiện nào nổi bật nhất, ấn tượng nhất trong năm qua? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần Ý Kiến ngay bên dưới bài viết này.