Đường dẫn truy cập

Những thay đổi trong cách viết về lý thuyết văn học


Những thay đổi trong cách viết về lý thuyết văn học
Những thay đổi trong cách viết về lý thuyết văn học

Nhìn từ một khía cạnh nào đó, các cuốn sách được xem là thuộc loại “lý luận văn học” ở Việt Nam lâu nay không khác mấy với cuốn Văn học khái luận của Ðặng Thai Mai xuất bản từ đầu thập niên 1940.

Giống nhất là ở các vấn đề được quan tâm. Thì cũng, trước hết, nỗ lực định nghĩa văn học và sau đó, nhận diện các đặc điểm và chức năng của văn học. Thì cũng những sự loay hoay về các thể loại và mối quan hệ giữa văn học và các khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, từ những yếu tố được xem là “cơ sở” như kinh tế và những yếu tố được xem là thuộc kiến trúc thượng tầng như văn hoá, chính trị, đạo đức, v.v...

Thật ra, những ám ảnh như thế cũng có thể tìm thấy ở những nơi khác trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong các quốc gia nói tiếng Anh, cuốn Theory of Literature của René Wellek và Austin Warren được xuất bản lần đầu tiên năm 1949 là một ví dụ tiêu biểu. Cuốn sách cũng được mở đầu bằng những định nghĩa và những đặc trưng. Cũng so sánh văn học với tâm lý học, xã hội, tư tưởng và các ngành nghệ thuật khác. Cũng phân tích từ nhịp điệu, âm điệu đến hình tượng, ẩn dụ, thể loại, v.v… Cuốn sách có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, được xem như một thứ “kinh điển” trong sinh hoạt lý thuyết văn học các xứ nói tiếng Anh trong suốt cả mấy thập niên, thời “thịnh trị” của phong trào Phê Bình Mới.

Tuy nhiên, dần dần, từ giữa thập niên 1960 về sau, tư tưởng văn học càng ngày càng đa dạng và phức tạp. Cái khung cấu trúc quen thuộc này không còn đủ sức chứa đựng những cách kiến giải khác nhau nữa. Từ đó, hầu hết các cuốn sách về lý thuyết văn học đều chọn lối tiếp cận theo các trường phái.

Ba cuốn sách được sử dụng như những tài liệu tham khảo phổ biến và đáng tin cậy nhất tại các đại học nói tiếng Anh từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990 là cuốn Literary Theory: An Introduction (1983) của Terry Eagleton, cuốn Modern Literay Theory: A Comparative Introduction (1986) do Ann Jefferson và David Robey biên tập, và cuốn A Reader’s Guide to Contemporary Literary Theory (1989) của Raman Selden đều được cấu trúc giống nhau, lần lượt phân tích hết trường phái này đến các trường phái khác, từ Hình thức luận đến ký hiệu học, từ cấu trúc luận đến hậu cấu trúc luận, từ phân tâm học đến chú giải học, v.v...

Không phải chỉ có các sách giáo khoa, ngay cả các tuyển tập phê bình và lý thuyết văn học cũng đi theo con đường này. Cũng được phân bố theo các trường phái và các trường phái được sắp xếp theo thứ tự thời điểm xuất hiện: từ Hình thức luận của Nga, Phê Bình Mới của Anh Mỹ, cấu trúc luận của Pháp đến chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu hiện đại, nữ quyền luận, lý thuyết lệch pha (hay đồng tính, queer theory), duy sử (historicism), v.v… (1)

Từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 trở lại đây, cách tiếp cận theo trường phái này cũng dần dần trở thành lỗi thời.

Lý do chính là, trong cách nhìn thấm đẫm tính chất hậu hiện đại vốn hoài nghi mọi đại tự sự (grand narratives), và do đó, mọi đại lý thuyết (grand theory / high theory) có khả năng bao quát toàn bộ hiện thực và lịch sử, không có lý thuyết nào còn giữ được vị trí thống trị được nữa.

Không những vậy, chúng còn thâm nhập vào nhau, tan hoà vào nhau: ranh giới giữa hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc (deconstruction), chủ nghĩa hậu thực dân và chủ nghĩa hậu hiện đại rất tế nhị; ranh giới giữa nữ quyền luận, giới tính học (gender studies), lý thuyết về sự lệch pha và diễn ngôn thiểu số (minority discourse) rất mờ nhạt.

Ngoài ra, không ít lý thuyết gia từ những lập trường hoàn toàn khác nhau sử dụng những nguyên tắc có tính phương pháp luận giống nhau, từ đó, chúng ta thấy có những nhà Mác-xít hoặc phân tâm học theo khuynh hướng hậu cấu trúc luận hoặc những nhà nữ quyền luận theo khuynh hướng giải cấu trúc, v.v...

Sự giao thoa giữa các trường phái này làm cho lý thuyết văn học phải đối diện với những vấn đề mới, căn bản hơn, không những chỉ thuộc văn học mà còn thuộc những hình thức diễn ngôn khác, như vấn đề bản sắc (identity), bản sắc hoá (identification), tái hiện (representation), ý nghĩa và công việc diễn dịch (interpretation), v.v…

Cuốn Literary Theory: A Very Short Introduction (1997) của Jonathan Culler, sau khi phân tích các khái niệm chính như lý thuyết và văn học, tập trung vào những vấn đề như: văn học và văn hoá học; ngôn ngữ, ý nghĩa và sự diễn dịch; tu từ, thi pháp và thơ; tự sự; ngôn ngữ trình diễn, bản sắc, bản sắc hoá và chủ thể.

Cuốn Introducing Criticism at the 21st Century do Julian Wolfreys biên tập và được Edinburgh University Press xuất bản năm 2002 thì đề cập đến các chuyện: bản sắc, đối thoại, không gian và địa điểm, những tiếng nói phê phán, vật thể tính và cái phi vật thể (materiality and the immaterial), v.v…

Những sự thay đổi như thế lớn lao đến độ khiến rất nhiều người ngạc nhiên và không phải ai cũng có thể dễ dàng đồng ý hay chấp nhận.

Hậu quả là, như Jonathan Culler ghi nhận rất sớm trong cuốn On Deconstruction: viết về lý thuyết, người cầm bút không thể tiếp tục trình bày tư tưởng của mình một cách vô cảm về từng khái niệm hay từng vấn đề nữa, mà hắn phải lao vào những cuộc tranh luận gay gắt với vô số những người, xuất phát từ những góc nhìn khác nhau, không đồng ý với hắn, nhiều khi ngay từ những điểm căn bản nhất (2).

Khi việc mô tả đối tượng thay đổi, cách tiếp cận đối tượng ấy cũng thay đổi theo.

Bởi vậy, một trong những cống hiến có ý nghĩa nhất của lý thuyết là làm sụp đổ những điều được mọi người xem là hiển nhiên, mở ra những góc độ mới để từ đó người ta có thể nhìn các hiện tượng văn học hoặc văn học nói chung một cách khác. Những cách nhìn mới ấy gắn liền với những khái niệm mới: đó là lý do tại sao sự xuất hiện của các lý thuyết mới bao giờ cũng dẫn đến sự ra đời của vô số thuật ngữ mới. Trong tiếng Việt, cùng lúc với việc giới thiệu các lý thuyết mới là sự sử dụng hàng loạt những thuật ngữ mới như thi pháp, thủ pháp nghệ thuật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, hệ hình, lạ hoá, tính quy phạm, tính liên văn bản, tính bất định, tính bất quyết, siêu hư cấu, đại tự sự, văn hoá văn chương, văn hoá tranh luận, cộng hoà văn học, diễn ngôn (discourse), hành ngôn (speech act), điển phạm, cái thế vì, phi tuyến tính, chủ nghĩa iện đại, chủ nghĩa h(ậu h)iện đại, tr(ch)uyện, v.v… Nghe, dễ có cảm tưởng là làm dáng, thậm chí, ồn ào, nhưng đó là điều không thể tránh được khi nội dung những điều được diễn đạt chưa bao giờ từng phổ biến ở Việt Nam (3).

Nhấn mạnh vào chức năng làm thay đổi cách nhìn như vậy, chúng ta cũng đồng thời chấp nhận tính tương đối của lý thuyết: mỗi lý thuyết mở ra một góc độ và không có một lý thuyết nào có giá trị tuyệt đối.

Các lý thuyết thường bổ sung cho nhau hơn là loại trừ nhau: sự nở rộ của các lý thuyết làm cho, một mặt, tầm nhìn của mọi người rộng ra, diện tích của văn học cũng trở thành bao la và đa dạng hơn hẳn; mặt khác, khi thay đổi góc nhìn, hướng nhìn và cách nhìn, người ta cũng thay đổi cả chính bản thân họ với tư cách người cầm bút cũng như với tư cách độc giả.

Một cái nhìn lý thuyết thừa nhận tính tương đối của lý thuyết như vậy thực chất là một cái nhìn hậu-lý thuyết, cái nhìn xuất phát từ những vùng “cát cứ” của lý thuyết. Chữ “cát cứ” (balkanization) này, tôi mượn từ Jeffrey Williams, chỉ một tình trạng mới của lý thuyết từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi các đại-lý thuyết, vốn thường được hình dung như những đế quốc, đã thuộc về quá khứ (4).

Ðiều tôi muốn thêm là: Trong thế bổ sung của các lý thuyết, các lý thuyết không “cạnh tranh” nhau ở chuyện đúng hay sai (đúng hay sai so với cái gì? dựa trên tiêu chuẩn nào?) mà chủ yếu ở tính độc đáo của tư tưởng, độ hoàn chỉnh của hệ thống lý luận, ở cái sang cả của tầm nhìn, và ở cái đẹp của trí tuệ toả sáng từ góc nhìn cũng như lấp lánh trên từng cách nhìn.

Hình như chưa có ai nói đến cái đẹp của các lý thuyết văn học nhỉ?

Chú thích:

  1. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Debating Texts: A Reader in Ttwentieth-Century Literary Theory and Method do Rick Rylance biên tập, Open University Press xuất bản Milton (Anh) năm 1987; Modern Criticism and Theory do David Lodge biên tập, Longman xuất bản tại New York và London năm 1988; Twentieth-Century Literary Theory, A Reader do K.M. Newton biên tập và giới thiệu, St. Martin”s Press xuất bản tại New York năm 1988; Contemporary Literary Criticism do Robert Con Davis và Ronald Schleifer biên tập, Longman xuất bản năm 1989; Literary Theory: An Anthology do Julie Rivkin và Michael Ryan biên tập, Blackwell xuất bản tại Oxford năm 1998, v.v...
  2. Jonathan Culler (1982), On Decontruction: Theory and Criticism after Structuralism, London: Routledge & Kegan Paul, tr. 7-8.
  3. Một số thuật ngữ vừa nêu hiện nay đã bắt đầu được sử dụng khá rộng rãi trong giới cầm bút ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại.
  4. Jeffrey Williams, “The Posttheory Generation” in trong Day Late, Dollar Short: The Next Generation and the New Academy, New York: State University of New York Press, tr. 33.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG