Đường dẫn truy cập

Những vấn đề gai góc nằm trong nghị trình thảo luận tại thượng đỉnh Mỹ-Trung


Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đi bộ từ Nhà Trắng đến nhà khách để dùng bữa tối và bàn công việc, ngày 24/9/2015.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đi bộ từ Nhà Trắng đến nhà khách để dùng bữa tối và bàn công việc, ngày 24/9/2015.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay tiếp tục cuộc thảo luận mà theo dự kiến của nhiều người sẽ tập trung vào các vấn đề gai góc, như những tố giác cho rằng Trung Quốc là thủ phạm của những vụ tấn công mạng qui mô lớn nhắm vào Hoa Kỳ, các chính sách kinh tế của Bắc Kinh và những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Phó Tổng thống Joe Biden đã ra đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Căn cứ Andrews ở ngoại ô Washington hôm thứ năm, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu chặng thứ nhì của chuyến công du một tuần đến nước Mỹ.

Sau đó ông Tập Cận Bình đã dự một bữa ăn tối vừa ăn vừa làm việc và có tính chất riêng tư với Tổng thống Obama. Các viên phụ tá ở Tòa Bạch Ốc cho biết trong dịp này hai nhà lãnh đạo đã nói tới những vấn đề chính đang gây chia rẽ giữa Washington với Bắc Kinh.

Ngày hôm nay, ông Tập Cận Bình sẽ được nghênh đón tại Tòa Bạch Ốc với đầy đủ lễ nghi của một chuyến viếng thăm cấp quốc gia, bao gồm 21 phát đại bác chào mừng, một cuộc họp thượng đỉnh chính thức, một cuộc họp báo chung và một buổi quốc yến.

Biến đổi khí hậu

Tuy cuộc họp thượng đỉnh này sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề hết sức gai góc, các giới chức Mỹ hôm qua đã nhấn mạnh tới một lãnh vực hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: biến đổi khí hậu.

Các giới chức Mỹ không muốn nêu danh tánh cho biết hôm nay ông Tập Cận Bình sẽ trình bày một chương trình mới về mức trần khí thải để giảm thiểu lượng khí thải carbon của quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.

Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Trung Quốc hồi năm ngoái, hai nước đã đồng ý giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong một diễn tiến được xem là có tính chất dấu mốc đối với hai nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.

Vấn đề tin tặc

Trước đó, các giới chức Mỹ cho biết an ninh mạng sẽ là một trong những đề tài chính của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kirby, nói “Chúng tôi tiếp tục có những mối quan tâm sâu sắc về cách làm việc của Trung Quốc trong không gian ảo và sự quan tâm đó có lẽ sẽ không giảm bớt trong thời gian tới đây.”
Tổng thống Obama cũng cho biết ông đang xem xét tới việc áp đặt các biện pháp chế tài để đáp lại những vụ tấn công mạng phát xuất từ Trung Quốc.
Tin tặc là một trong “các vấn đề khó khăn của mối quan hệ Mỹ-Trung” mà 26 thành viên quốc hội Mỹ đang thúc giục Tổng thống Obama nêu ra trong cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Trong một lá thư gởi cho Tòa Bạch Ốc hôm thứ hai vừa qua, các nhà lập pháp Mỹ hối thúc ông Obama trực tiếp tìm cách giải quyết điều mà họ gọi là “những lãnh vực bất đồng có tính chất cấp bách.”

Hàng triệu hồ sơ dấu tay bị đánh cắp

Hôm thứ tư vừa qua, Văn phòng Quản lý Nhân viên của chính phủ Mỹ cho biết một cuộc điều tra về vụ hệ thống máy tính bị xâm nhập mà họ báo cáo trước đây trong năm nay đã phát giác là có hơn 5 triệu rưỡi hồ sơ dấu tay bị đánh cắp, cao hơn gấp 5 lần con số ước tính ban đầu.

Các giới chức Mỹ chưa chính thức tố cáo Trung Quốc thực hiện vụ xâm nhập đó. Tuy nhiên, trong chỗ riêng tư, các nhà điều tra Mỹ cho các nhà báo biết rằng họ tin rằng chính phủ Trung Quốc là thủ phạm.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ muốn ông Tập Cận Bình đích thân bảo đảm là các công ty của họ sẽ được đối xử công bằng khi họ làm ăn ở Trung Quốc. Họ cũng đòi Bắc Kinh ngưng chỉ những vụ đánh cắp bí mật thương mại trên diện rộng đã làm cho các công ty Mỹ thiệt hại hàng tỉ đô la trong những năm vừa qua.

Trong một bài bình luận trên tờ China Daily mới đây, ông Douglas Paal, một nhà phân tích của Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie, nói rằng “Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có một sự bắt đầu trễ nãi và yếu ớt để tham khảo ý kiến với nhau về những gì cần phải làm để quản lý những luật lệ của không gian mạng.”

Biển Đông

Một lãnh vực bất đồng khác giữa Washington với Bắc Kinh là những yêu sách chủ quyền gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hồi gần đây Trung Quốc đã tiến hành những dự án xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên những hòn đảo nhỏ mà họ chiếm cứ ở quần đảo Trường Sa, nơi các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.

Ông John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói “Chúng tôi không có lập trường đối với những yêu sách chủ quyền, nhưng làm cho hiện trạng thay đổi với một cung cách lộ liễu là một việc không có ích, bất kể là thông qua hoạt động cải tạo đất hay quân sự hoá những phần đất được cải tạo.”

Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột ở Biển Đông.

Hồi đầu tuần này, ông Tập Cận Bình nói với tờ Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.

Nhân quyền

Thành tích nhân quyền của Trung Quốc là một nguồn xích mích khác với Hoa Kỳ và đề tài này có phần chắc sẽ được nêu ra trong chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình.

Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch, nói “Đây là một mối quan hệ lớn và phức tạp. Điều này tuyệt đối chính xác. Và do đó, có rất nhiều đề tài cần lưu ý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tình hình nhân quyền ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình là một việc cần đặc biệt lưu tâm.”

Hồi đầu tuần này, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, nói rằng các giới chức Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc ngưng câu lưu các nhà tranh đấu, nới rộng tự do ngôn luận, và loại bỏ những sự hạn chế đối với các sinh hoạt tôn giáo.

VOA Express

XS
SM
MD
LG