Trận hải chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 tháng 3 năm 1988 giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam, nay vừa tròn 29 năm.
Gọi là hải chiến, nhưng thật ra không có giao tranh gì đáng kể, vì phía hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải nhỏ HQ505, HQ604 và HQ605 làm nhiệm vụ tiếp tế cho các đảo trước các tàu khu trục hung hăng của Trung Quốc ở thế tiến công. Hơn nữa, theo kể lại của các sỹ quan chỉ huy hải quân Việt Nam, trước đó từ giữa năm 1988 đã có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh hồi ấy là dù có bị khiêu khích, tiến công, các đơn vị hải quân trên các đảo đều phải tự kiềm chế, không được nổ súng. Nhân dịp này chính tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội Nhân dân, xác định rõ điều này, cho rằng quân đội đã bị trói tay khi lâm chiến.Thế là 64 quân nhân Việt Nam đã bị hy sinh một cách oan uổng, 9 quân nhân bị hải quân Trung Quốc bắt làm tù binh giam trên đảo Lôi Châu. Thái độ đầu hàng quân xâm lược bắt nguồn từ thái độ bạc nhược của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước sự hung hăng của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979, khi các cuộc đàm phán về Campuchia đang căng thẳng và mật ước Thành Đô đang được chuẩn bị ráo riết.
Đầu năm nay, vào dịp kỷ niệm lần thứ 43 trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, lẽ ra Bộ Quốc phòng cần tổ chức tưởng niệm các liệt sỹ, thăm viếng các gia đình thương binh, liệt sỹ của cả 2 miền đã từng chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương, nhưng chính quyền đã không có một hình thức kỷ niệm, tưởng nhớ, vinh danh nào. Chỉ có hoạt động lẻ loi của tổ chức xã hội dân sự Nhịp cầu Hoàng Sa với nhiều hoạt động phong phú. Đây là tổ chức do các nhà báo tiến bộ Vũ Kim Hạnh, Lê Thế Thanh, Huy Đức, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, các văn nghệ sỹ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, doanh nhân Đặng Cao Thắng lập nên. Nhịp cầu Hoàng Sa đã tổ chức các cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa giữa các chiến sỹ Hoàng Sa và gia đình, đồng đội còn sống sót. Các chiến sỹ Việt Nam trong trận Hoàng Sa và trận Trường Sa đã coi nhau là anh em ruột thịt chung một tổ quốc, chung một kẻ thù, không hề chống đối nhau. Nhịp cầu Hoàng Sa còn tặng 10 gian nhà cho các gia đình liệt sỹ thiếu thốn.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch huyện Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng cũng vào tham dự.
Các bạn trong tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa trên đây dự định sẽ tham gia tổ chức kỷ niệm "Ngày Gạc Ma" vào ngày 14/3 này. Điều này chứng tỏ nhân dân ta rất quý trọng các chiến sỹ 2 miền đã dũng cảm chống kẻ thù xâm lược, sống có nghĩa có tình.
Trong khi đó Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị QĐND, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng vẫn một mực im lặng trong các ngày kỷ niệm chống Trung Quốc xâm lược. Họ cố tình ngăn chặn, còn cho công an đi phá đám các cuộc tưởng niệm chiến sỹ, liệt sỹ Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Lẽ ra, nhân dịp này, Tướng Lê Đức Anh, người từng nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, ra lệnh cho Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương không được nổ súng dù bị tiến công, nay đã 97 tuổi, còn sức, phải vào Đà Nẵng tưởng niệm và tạ tội với các liệt sỹ, chiến sỹ Gạc Ma, một món nợ tinh thần không thể nào xúy xóa bỏ qua. Xin nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người gốc Đà Nẵng, có quan hệ gần gũi đặc biệt với Hòang Sa và Gạc Ma, cũng cần làm một việc đơn giản lúc này là chỉ thị cho Bộ Quốc phòng và đích thân đến viếng mộ và tượng đài kỷ niệm và thăm hỏi ân cần các thương binh gia đình liệt sỹ của các trận hải chiến Trường Sa và Hoàng Sa oan nghiệt, tham gia giải tỏa niềm uất hận sâu xa khôn nguôi của dân tộc.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.