Đường dẫn truy cập

Nỗ lực hòa giải các sắc tộc tại bang Rakhine Miến Điện


Khói bốc lên từ 1 căn nhà đang cháy ở Sittwe, Rakhine, Miến Điện, nơi bạo động giáo phái đang diễn ra, 12/6/2012
Khói bốc lên từ 1 căn nhà đang cháy ở Sittwe, Rakhine, Miến Điện, nơi bạo động giáo phái đang diễn ra, 12/6/2012
Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đề nghị giúp chính phủ Miến Điện hòa giải những người theo Phật Giáo và Hồi Giáo tại bang Rakhine. Cao ủy Liên Hiệp Quốc, đang trong chuyến công tác Thái Lan và Miến Điện, đã đưa ra đề nghị này với Tổng thống Miến Điện và các giới chức khác nhằm mục đích hòa giải hai cộng đồng này. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình từ Genève.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng “tình trạng yên ổn đầy căng thẳng” đã được tái lập tại bang Rakhine, một vùng hẻo lánh ở miền tây Miến Điện. Hồi tháng Năm, bạo động giữa những người theo Phật Giáo và những người Hồi Giáo tại Rakhine bùng phát sau khi 3 người Hồi Giáo bị bắt giữ sau khi nữ Phật Tử bị hãm hiếp và giết chết. Hơn 60 người đã thiệt mạng và hàng ngàn nhà bị phá hủy trong những vụ xung đột giáo phái xảy ra sau đó.
Phát ngôn viên tị nạn Liên Hiệp Quốc Melissa Fleming nói Cao ủy Tị nạn đang tiếp tục quan sát tình hình bất ổn ở Rakhine với nhiều lo ngại.
Bà nói Trưởng Cao ủy Tị nạn Guterres đề cập đến những quan ngại đó với các giới chức Miến Điện và đề nghị giúp đỡ.
Tại cao điểm của cuộc xung đột sắc tộc, hàng trăm người Hồi Giáo Rakhine đã vượt qua sông Naf để chạy sang Bangladesh. Tuy nhiên, ý định tị nạn của họ gặp trở ngại khi Bangladesh quyết định đóng cửa biên giới. Tin cho hay là lực lượng an ninh Bangladesh đã buộc người tỵ nạn phải trở lại thuyền của họ, khiến hàng trăm người tị nạn trôi dạt vô định trên sông Naf.
Nói với Đài VOA, Phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc Fleming nói rằng tình hình những người trốn qua biên giới không còn cấp bách.
Bà nói: "Chúng tôi theo sát tình hình và hy vọng mọi chuyện sẽ trở nên bình thường và quan hệ giữa hai cộng đồng có thể được nối lại. Tuy nhiên một trong những vấn đề nhức nhối là tình trạng vô quốc của người tỵ nạn."
Bà Fleming nói Cao Ủy Tỵ Nạn tin rằng nên trao quốc tịch cho những người trong cộng đồng Hồi Giáo hội đủ điều kiện theo luật hiện hành. Những người khác nên được công nhận quy chế pháp lý, để họ được hưởng các quyền cần thiết dể có một cuộc sống bình thường ở Miến Điện.
Liên quan tới một vấn đề khác, Cao ủy Tỵ nạn Guterres yêu cầu các giới chức Miến Điện minh định vì sao 10 nhân viên cứu trợ địa phương của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức phi chính phủ bị bắt trong tháng qua, và bị cáo buộc phạm tội hình sự. Bà nói Cao Ủy Tị nạn cũng yêu cầu được thăm viếng 3 nhân viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đang bị giam giữ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG