Hôm thứ Sáu tuần qua, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao Giải Nobel Hòa bình 2011 cho ba phụ nữ vì thành tích tranh đấu bất bạo động cho sự an toàn của phụ nữ cũng như cho quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng hòa bình.
Ba người phụ nữ được nhận giải năm nay gồm Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động Liberia Leymah Gbowee và nhà hoạt động Yemen Tawakkul Karman.
Bà Sirleaf khiêm nhường nói với đài VOA rằng đó là thành tích dành cho người dân Liberia: "Tôi rất vui mừng. Tôi rất biết ơn. Và tôi cũng rất khiêm nhường được nhận giải thưởng này. Tôi tin rằng đó là sự công nhận thành tích nhiều năm đấu tranh của tôi. Nhưng tôi cũng tin rằng đó là sự công nhận khát vọng hòa bình của người dân Liberia. Và thực tế là trong 8 năm qua họ đã cùng nhau duy trì hòa bình.”
Tuy nhiên, việc lựa chọn Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cho giải Nobel Hòa bình năm nay đã trở thành vấn đề gây tranh cãi. Một số người đặt nghi vấn rằng liệu có phải Ủy ban Nobel có trụ sở ở Na Uy đang can thiệp vào vấn đề chính trị nội bộ của Liberia hay không khi họ trao giải cho bà Sirleaf chưa đầy một tuần trước khi bà ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy nhiên, những tranh cãi như vậy không hề mới mẻ gì đối với người phụ nữ có biệt danh là “Người đàn bà Thép” của Liberia này.
Người phụ nữ Liberia, năm nay 72 tuổi, đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trên thế giới vào năm 2005 khi trở thành nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi. Bà Sirleaf khi đó đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sau một cuộc nội chiến đẫm máu vốn đã làm thiệt mạng khoảng 250.000 người dân Liberia và làm kiệt quệ nền kinh tế nước này.
Ngay từ những ngày đầu lên nhậm chức, bà đã hứa sẽ chống lại nghèo đói và thúc đẩy cho quá trình hòa giải dân tộc. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền bà là giảm bớt khoản nợ nần của Liberia vốn đã lên tới 4,9 tỷ đôla vào năm 2006. Bà cũng được ca ngợi vì đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Liberia.
Tuy nhiên, gần đây bà đã bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì mối liên hệ của bà với cựu lãnh đạo phe nổi dậy, Tổng thống Charles Taylor. Những người chỉ trích cũng cáo buộc bà đã không thực hiện lời hứa hòa giải giữa các phe phái đối lập của Liberia cũng như lời hứa đem lại công lý cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh và tham nhũng.
Ứng viên Tổng thống Liberia Winston Tubman nói với hãng thông tấn Pháp hôm thứ Sáu tuần qua rằng bà Sirleaf không xứng đáng với giải thưởng này vì bà đã “gây bạo động ở trong nước”. Ông cũng nói rằng trao giải thưởng cho bà chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử là điều không thể chấp nhận được.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nói rằng ủy ban không xét tới các vấn đề chính trị nội bộ trong quá trình lựa chọn. Trong khi người phát ngôn Ủy ban Bầu cử Liberia cho hay cuộc bầu cử vào ngày 11/10 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến.
Trước khi được bầu làm tổng thống, bà Sirleaf, người đã từng du học tại trường đại học Harvard danh tiếng của Hoa Kỳ, đã từng hai lần giữ chức bộ trưởng tài chính. Bà cũng đã từng nắm giữ những chức vụ quan trọng tại Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới.
Cùng với bà Sirleaf, một nhà hoạt động hòa bình của Liberia, bà Leymah Gbowee, cũng đã giành được Giải Nobel Hòa bình năm nay vì thành tích vận động được sức mạnh và lòng dũng cảm của phụ nữ để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu.
Bà Gbowee nói: "Tôi là một biểu tượng của sự hy vọng trong cộng đồng của tôi, của lục địa này, ở một nơi có rất ít hy vọng. Nếu quí vị là một biểu tượng của hy vọng, quí vị không hành động vì trông đợi sẽ nhận được một giải thưởng. Quí vị hành động vì quí vị được mọi người kỳ vọng sẽ hành động như vậy và có những người trong cộng đồng người lệ thuộc vào quí vị."
Nhà hoạt động năm nay 39 tuổi đã giúp đoàn kết những phụ nữ Cơ Đốc giáo và Hồi giáo để chống lại các lãnh chúa ở nước bà, một chiến dịch được cho là đã giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 13 năm ở Liberia.
Bà Gbowee đã sáng lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Phụ nữ Liberia cùng Hành động vì Hòa bình (Women of Liberian Mass Action for Peace), tổ chức đã đấu tranh với các lãnh chúa và cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor. Các thành viên của tổ chức này thường tuần hành trong màu áo trắng, là biểu tượng của hành động đấu tranh bất bạo động của họ.
Tổ chức này đã gây áp lực buộc ông Taylor tham gia các cuộc hòa đàm và một số thành viên của họ còn phong tỏa không để cho các phe đối lập rời khỏi phòng đàm phán.
Trong cuốn tự truyện của mình mang tựa đề 'Mighty Be Our Powers', bà Gbowee mô tả tổ chức này là một đội quân gồm những phụ nữ mặc áo trắng, dám đứng lên, không sợ hãi, nói lên tiếng nói của họ để chấm dứt cuộc chiến và phục hồi lại sự lành mạnh cho đất nước.
Gần đây, bà Gbowee cũng lãnh đạo Mạng lưới Phụ nữ, Hòa bình và An ninh có trụ sở ở Accra, Ghana.
Người phụ nữ thứ ba giành giải Nobel Hòa bình năm nay, bà Tawakkul Karman, người Yemen, là người phụ nữ Ả Rập đầu tiên nhận giải thưởng này.
Người mẹ ba con xuất thân từ thành phố Taiz, một thành phố điểm nóng, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình chống tổng thống Ali Abdullah Saleh, đã trở thành một nhân vật quan trọng trong các cuộc biểu tình này. Bà là một trong số những người phụ nữ Yemen đầu tiên xuống đường để đòi các quyền phổ cập, bất chấp những lời đe dọa và bạo lực chống lại những người biểu tình.
Bà Karman, 32 tuổi, đồng sáng lập tổ chức nhân quyền mang tên Các nữ Ký giả không Gông xiềng (Women Journalists Without Chains) cùng với 7 người phụ nữ khác vào năm 2005 nhằm mục đích cổ vũ cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do bày tỏ ý kiến và các quyền dân chủ khác.
Phát biểu với các phóng viên khi nhận được giải Nobel Hòa bình, bà Karman nói rằng bà dành tặng giải thưởng này cho “giới trẻ của cuộc cách mạng ở Yemen."
Bà Karman nói rằng bà rất vui mừng được nhận giải thưởng này và bà trao giải đó cho cuộc cách mạng Ả Rập và cho cuộc cách mạng ôn hòa của giới trẻ ở Yemen cũng như người dân Yemen. Bà cũng dành tặng giải này cho những người đã thiệt mạng và những người bị thương trong cuộc cách mạng ôn hòa này.
Trong công bố chúc mừng ba khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng giải thưởng này vinh danh ba cá nhân xuất sắc, và nói lên một thông điệp mạnh mẽ rằng cuộc đấu tranh giành nhân quyền và phẩm giá chỉ có thể thành công với sự tham gia của phụ nữ trên khắp toàn cầu.
Đã 7 năm qua, kể từ năm 2004, phụ nữ vắng tên trong danh sách các khôi nguyên giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, năm nay có tới 3 người phụ nữ được vinh danh với giải thưởng cao quí này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Giải Nobel Hòa Bình được trao cho một nhóm phụ nữ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1