Một giới chức cao cấp của Trung Quốc hôm thứ ba (20-03-2012) vừa qua đã bày tỏ lo ngại về việc Bắc Triều Tiên định phóng một hỏa tiễn vào trung tuần tháng tư với mục đích mà Bình Nhưỡng nói là đưa lên quĩ đạo một vệ tinh quan sát trái đất.
Ông La Chiếu Huy, Vụ trưởng Vụ Á châu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng “có một điều cấp bách là các bên liên hệ phải giữ thái độ bình tĩnh và ngăn không cho tình hình leo thang, vượt tầm kiểm soát.” Ông La cũng lập lại một tuyên bố mà Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đã đưa ra vài ngày trước đó là Trung Quốc “bày tỏ những mối lo ngại và quan tâm” đối với kế hoạch của Bình Nhưỡng mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh cho là vi phạm lệnh cấm sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo của Liên hiệp quốc.
Giáo sư Victor Cha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Đại học Georgetown ở Washington, nói rằng Trung Quốc lại một lần nữa lâm vào tình thế khó xử vì những hành vi hung hãn của Bắc Triều Tiên, một trong hai nước đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh. Ông cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
"Trước đây Trung Quốc cảm thấy phấn khởi trước viễn ảnh là thỏa thuận đạt được hồi tháng hai có thể dẫn tới chỗ thực hiện lại cuộc đàm phán 6 bên mà họ đứng ra tổ chức. Vì vậy tôi nghĩ rằng Trung Quốc, cũng giống như các nước khác, cảm thấy ngạc nhiên và bất bình đối với tình hình trước mắt. Nhưng đồng thời Trung Quốc giờ đây cũng gặp phải nhiều áp lực hơn, vì nếu Bắc Triều Tiên xúc tiến vụ thử nghiệm thì cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng áp lực đòi Trung Quốc tán đồng những hành động của Liên hiệp quốc để lên án Bắc Triều Tiên."
Hôm 29 tháng 2 vừa qua, Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ cùng tuyên bố một thỏa thuận, theo đó Bình Nhưỡng sẽ ngưng chỉ các chương trình hạt nhân và phi đạn để đổi lấy viện trợ lương thực. Giáo sư Victor Cha nói rằng quyết định phóng hỏa tiễn của Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận với Washington. Ông giải thích thêm như sau:
"Thật ra không có sự khác biệt nào giữa việc phóng vệ tinh với một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo vì cả hai đều sử dụng cùng một kỹ thuật để đưa vật thể đó lên quỹ đạo. Không có gì khác biệt. Và tôi nghĩ rằng phía Mỹ đã nói rõ trong thỏa thuận tháng hai là việc ngưng thử nghiệm của phía Bắc Triều Tiên chẳng những bao gồm việc thử nghiệm phi đạn mà còn có cả việc phóng vệ tinh. Vì vậy, quyết định này rõ ràng là đi ngược với thỏa thuận đã đạt được."
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon cũng cho rằng kế hoạch phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc và Bình Nhưỡng nên từ bỏ kế hoạch này.
Ông Ban nói: "Tôi thúc giục giới hữu trách Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đừng thực hiện những hành động như vậy, những hành động sẽ làm cho tình hình trở nên bất ổn, gây phương hại cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên, và đi ngược với khát vọng và nguyện vọng của cộng đồng quốc tế."
Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng cho biết ông sẽ nêu vấn đề này tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh hạt nhân tổ chức ở Seoul vào tuần sau.
Khi được hỏi cộng đồng quốc tế có thể làm gì để ngăn không cho Bắc Triều Tiên tiến hành vụ phóng hỏa tiễn, giáo sư Cha của Đại học Georgetown cho biết như sau:
"Tôi nghĩ rằng không có nước nào, kể cả Trung Quốc, có thể làm gì để ngăn không cho Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm này. Họ loan báo vụ này trong bối cảnh của những lễ hội ăn mừng sinh nhật thứ 100 của ông Kim Il Sung, người sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Vì vậy có phần chắc là họ sẽ không từ bỏ vụ thử nghiệm này. Việc này là bằng chứng cho thấy sự sai lầm của nhận định cho rằng con đường ngoại giao đã mở ra sau cái chết của ông Kim Jong Il. Nó cũng có lẽ làm yếu đi rất nhiều lập luận cho rằng thỏa thuận đạt được với Mỹ hồi tháng hai cho thấy giới lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng có ý định cải cách đất nước."
Bà Sue Mi Terry là một nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề Đông Á của Đại học Columbia và từng làm việc cho Cơ quan Tinh Trung ương Hoa Kỳ. Bà cho rằng các nước nên tiếp tục yêu cầu Trung Quốc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên đòi họ tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được và tuân hành các nghĩa vụ quốc tế. Bà cho biết như sau về những việc mà Washington có thể làm vào lúc này:
"Tiếp tục thực hiện những cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp Mỹ-Hàn, tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chận những tàu bè chuyên chở vũ khí của Bắc Triều Tiên, tăng cường các biện pháp chế tài, và dĩ nhiên là nên quay sang Trung Quốc một lần nữa để nói với họ là 'quí vị phải thật sự làm những điều gì đó để giải quyết vấn đề vì giờ đây Bắc Triều Tiên đang nằm dưới sự cai trị của giới lãnh đạo mới.'"
Ông Siegfried Hecker, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford ở Mỹ, đã đi thăm Bắc Triều Tiên 7 lần. Tháng 11 năm 2010 các giới chức Bắc Triều Tiên đã đưa ông đến xem một cơ sở tinh luyện uranium có thể dùng để chế bom hạt nhân.
Tại cuộc hội thảo hôm thứ ba (20-03-2012) ở thành phố Busan của Nam Triều Tiên về các vấn đề hạt nhân khu vực, giáo sư Hecker nói rằng chủ động giao tiếp và tiến hành các hoạt động ngoại giao là cách duy nhất để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Giáo sư Hecker cho biết: "Chúng ta có thể làm cho họ hiểu được rằng đó là một gánh nặng rất lớn chớ không phải là một loại tài sản. Nhưng để đạt mục đích đó, họ phải có được một cảm giác an toàn. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều chuyện cần phải làm. Và vì vậy, chúng ta phải làm cho cái giá của việc có các loại vũ khí này lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc từ bỏ các vũ khí đó."
Kế hoạch thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên chẳng những gây lo ngại và quan tâm cho Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên mà còn làm xôn xao dư luận ở Philippines. Tin của hãng thông tấn Pháp đánh đi từ Manila hôm thứ 5 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng nước ông sẽ yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ để truy tung hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên. Trong một văn thư gởi cho Tổ chức Hải dương Quốc tế của Liên hiệp quốc (International Maritime Organization), Bắc Triều Tiên nói rằng tầng thứ nhì của chiếc hỏa tiễn mà họ định phóng sẽ rơi xuống một nơi cách bờ biển miền bắc của Philippines khoảng 190 kilomét về hướng đông. Văn thư này cũng cho biết tầng thứ nhất của hỏa tiễn sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và Nam Triều Tiên, cách bờ biển phía tây của Nam Triều Tiên chừng 140 kilomét.
Thứ ba vừa qua Trung Quốc lại một lần nữa bày tỏ “lo ngại và quan tâm” đối với kế hoạch phóng hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên định thực hiện vào trung tuần tháng tư, trong lúc Bắc Kinh tìm cách phô trương hình ảnh của mình như một nước góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên. Các nhà quan sát cho rằng kế hoạch của Bình Nhưỡng, mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh nói là vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc, lại một lần nữa làm cho Trung Quốc cảm thấy lúng túng. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.