Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng hỏa tiễn


Giới chức Cơ quan Cảnh sát Hàng hải Incheon trong tình trạng báo động cao độ trước kế hoạch phóng hỏa tiễn Unha-3 của Bắc Triều Tiên, ngày 12/4/2012
Giới chức Cơ quan Cảnh sát Hàng hải Incheon trong tình trạng báo động cao độ trước kế hoạch phóng hỏa tiễn Unha-3 của Bắc Triều Tiên, ngày 12/4/2012

  • Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên

  • Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980.


  • Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.


  • 1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.


  • 1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ.


  • 2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium.


  • 2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.


  • 2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu.


  • 2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân.


  • 2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại.


  • 2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.


  • 2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau loan báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì.


  • 2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa.


  • 2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.

Hôm nay, lực lượng quân sự ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản ở trong tư thế sẵn sàng trong ngày đầu tiên của khung thời gian 5 ngày mà Bắc Triều Tiên có thể tiến hành vụ phóng hỏa tiễn mà Bình Nhưỡng nói là để đưa một vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo.

Triển vọng về vụ phóng sẽ diễn ra hôm nay tan biến lúc giữa trưa khi không thấy có hoạt động nào tại bệ phóng tại khu vực bên ngoài Bình Nhưỡng bị mây mù bao phủ.

Giới hữu trách Bắc Triều Tiên từng nói rằng vụ phóng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ thứ Năm tuần này tới thứ Hai tuần sau, và trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối tới 3 giờ quốc tế.

Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lặp lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng hoãn vụ phóng nhưng nói rằng các lực lượng Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ bất kỳ hỏa tiễn nào nếu nó bay trệch hướng qua lãnh thổ Nhật Bản.

Nam Triều Tiên cũng đặt các lực lượng nước mình trong tình trạng cảnh giác cao và đe dọa sẽ bắn hạ hỏa tiễn nếu nó cho thấy là đâm xuống lãnh thổ Nam Triều Tiên.

Philippines, nước nằm gần địa điểm rơi các thiết bị phục vụ giai đoạn phóng đầu tiên, đã đổi hướng chuyến bay của các hãng hàng không và yêu cầu ngư dân tránh khu vực đó.

Ông Paek Chang Ho, giám đốc trung tâm chỉ huy vụ phóng của Bắc Triều Tiên, hôm qua cho các phóng viên biết rằng nhiên liệu đang được bơm vào hỏa tiễn trong bước cuối cùng trước khi tiến hành vụ phóng.

Các nhà báo, trong đó có một phóng viên của ban tiếng Triều Tiên của đài VOA, cũng có thể chứng kiến hoạt động này qua video, được truyền trực tiếp tới trung tâm chỉ huy ở cách xa nơi phóng.

Ông Paek nói rằng vệ tinh thời tiết đã được lắp vào hỏa tiễn, dự kiến sẽ được phóng đi trong khoảng thời gian tính từ hôm nay tới thứ Hai tuần sau, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Đoạn video cho thấy một tấm bạt được phủ lên đầu hỏa tiễn, khiến khó có thể xác định tuyên bố của ông Paek.

Ông Paek cũng nhấn mạnh rằng Bắc Triều Tiên đã mở cửa trung tâm chỉ huy vụ phóng cho các phóng viên tới thăm để chỉnh lại các tin tức nói rằng nước này sẽ thử nghiệm một phi đạn đạn đạo tầm xa.

Ông Paek cũng cam kết sẽ chia sẻ hình ảnh mà vệ tinh Bắc Triều Tiên chụp được với các nước khác.

Vụ phóng dự kiến sẽ khiến nhiều nước láng giềng của Bắc Triều Tiên, vốn coi hành động này là một bình phong cho một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo mà sau này có thể được lắp một đầu đạn hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG