Nhiều người Mỹ tin hoặc chỉ muốn tin rằng tệ nạn buôn bán người và nô lệ tình dục chỉ xảy ở các nước khác chứ không phải là vấn đề đáng quan ngại ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy trong phiên điều trần về tệ nạn buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục ở nước Mỹ trước Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng 2 vừa qua thì: “Buôn người là một loại tội phạm có tổ chức đang phát triển nhanh nhất thế giới, chúng biến các trẻ em, phụ nữ và nam giới trở thành nạn nhân ở khắp mọi nơi. Mọi người rất dễ làm ra vẻ như tệ nạn ghê tởm đó không tồn tại ở đất nước chúng ta, nhưng thực tế đáng buồn là Hoa Kỳ không hề miễn dịch trước tệ nạn này.”
Theo số liệu được tổ chức Giáo dục và Tư vấn cho các em gái Mỹ (GEMS: Girls Educational & Mentoring Services) công bố tại phiên điều trần, tại Hoa Kỳ hàng năm có khoảng 100.000 trẻ em bị mua bán để phục vụ cho hoạt động mại dâm, trong khi khoảng 300.000 em khác có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tệ nạn này.
Bà Tracy Powell, một nhân viên y tế tại tổ chức Red Lion ở tiểu bang Pensylvania, cũng nằm trong số những người bất ngờ khi được biết về thực tế rằng ngay tại thời điểm này vẫn còn có những trẻ em Mỹ bị bắt cóc và bị buộc phải làm nô lệ tình dục tại một đất nước văn minh, nơi mà người nô lệ đã được giải phóng từ hàng trăm năm nay:
“Tôi cảm thấy rất buồn và thấy mình bất lực nếu không thể làm gì trước thực trạng đó. Phải làm thế nào để giáo dục và phục hồi danh dự cho những em gái đó, thậm chí sau khi các em đã được giải thoát và làm sao để giúp các em cảm thấy cuộc sống của các em vẫn còn giá trị. Vì vậy tôi đã trăn trở và muốn làm một điều gì đó để giúp những em gái này vượt qua được những mặc cảm và hiểu rằng cuộc sống không chỉ có những điều các em đã trải qua và bị nhồi nhét vào tư tưởng khi phải trở thành những nô lệ tình dục.”
Có rất nhiều cạm bẫy mà các em gái và phụ nữ dễ mắc phải và trở thành nạn nhân của tệ nạn bóc lột tình dục. Những kẻ buôn người thường nhắm tới những trẻ em và phụ nữ yếu thế và biến họ thành nạn nhân bằng bất cứ công cụ nào chúng có thể sử dụng và ở bất cứ nơi đâu.
Hiện nay, Internet và các trang mạng xã hội cũng là nơi các em dễ rơi vào cạm bẫy, như trường hợp được Phó Công tố viên Quận Sedgwick, bang Kansas, ông Marc Bennett mô tả trên bản tin (hôm 27/2) trên trang tin điện tử ktka.com, rằng một bé gái vốn chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên trang mạng xã hội Facebook đã bị một người đàn ông tiếp cận và nói rằng hắn sẽ đến đón cô đi chơi. Tối hôm đó, người đàn ông đã đưa cô bé đi khỏi nhà, ngày hôm sau hắn đưa cô tới những thành phố khác nhau và cuối cùng vào ngày thứ ba thì cô bị buộc phải làm gái điếm đứng đón khách ở trên đường phố ở Chicago. Chỉ trong vòng có 48 giờ đồng hồ rời khỏi nhà, cô bé 15 tuổi đã bị buộc phải hành nghề mại dâm để tồn tại. Cô bé này sau đó đã được giải cứu, nhưng ông Bennett mô tả rằng cuộc đời của cô đã vĩnh viễn thay đổi.
Để giúp những người như bé gái này làm lại cuộc đời bà Powell đã có ý tưởng xây dựng một ngôi nhà ở một nơi xa xôi để các nạn nhân, vốn vẫn nơm nớp lo sợ họ sẽ bị phát hiện và bị bắt cóc trở lại, có thể tránh xa được những tay săn mồi này.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, bà Debbie Colton, một người đang cùng chồng chăm sóc cho các em gái mới được giải thoát khỏi các tay môi giới mại dâm tại một nhà từ thiện Thiên Chúa giáo ở phía Bắc bang Pensylavania.
Hai người phụ nữ không hẹn mà gặp với cùng một mong muốn giúp những nạn nhân này thoát khỏi thân phận nô lệ và tái hòa nhập vào cộng đồng.
Hai bà cũng nhận ra rằng ngân quĩ của liên bang chỉ tập trung nhiều đến các nạn nhân là người nước ngoài ở Hoa Kỳ trong khi số ngân khoản dành cho các chương trình hỗ trợ những nạn nhân người Mỹ khá ít ỏi đặc biệt là trong hệ thống tòa án. Vì vậy mục tiêu ban đầu của họ là đặc biệt nhắm tới các nạn nhân là các bé gái người Mỹ.
Bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức và vận động tình nguyện viên tham gia vào tổ chức mà họ lấy tên là Oasis of Hope có nghĩa là Ốc đảo của sự Hy vọng. Hiện tại hai bà đang tìm cách gây quĩ để có thể khai trương ngôi nhà này vào mùa Hè hoặc mùa Thu tới đây. Bà Powell cho biết:
“Chúng tôi sẽ có tất cả các loại dịch vụ như phục hồi tâm lý, phục hồi niềm tin, dạy nghề, chúng tôi muốn dạy các em biết cách kiếm sống mà không nghĩ rằng cách duy nhất để kiếm tiền là hành nghề mại dâm và chúng tôi cũng sẽ giúp phục hồi cả về thể chất cho các em nếu cần”.
Vậy làm thế nào tổ chức của bà có thể tìm tới những nạn nhân này và ngược lại làm sao để các em biết được về tổ chức của bà để tìm sự trợ giúp khi cần?
“Chúng tôi hy vọng các nhân viên của chúng tôi sẽ đi tìm hiểu tại nhiều địa điểm khác nhau, một trong số đó là qua hệ thống tư pháp, như tại các tòa án, nơi mà nhiều khi các em bị truy tố vì tội làm gái mại dâm. Vì vậy một trong những bước đầu tiên của chúng tôi là giúp các nhân viên trong hệ thống tòa án ngay tại hạt của chúng tôi hiểu rằng những em gái này đa phần là không tự nguyện hành nghề mại dâm. Chúng tôi cũng sẽ cùng phối hợp với các tổ chức dành cho phụ nữ khác để họ biết được rằng hiện tại có một chỗ an toàn mà họ có thể tìm tới vì đa số những tay môi giới mại dâm thường tìm cách bắt các nạn nhân này trở lại hành nghề cũ, vì vậy chúng tôi hy vọng đây sẽ là nơi che chở và bảo vệ họ.”
Mặc dù ngôi nhà chưa chính thức được khai trương, nhưng những tổ chức như Oasis of Hope và ý tưởng của họ muốn xây dựng nơi tạm trú cho các nạn nhân của tệ nạn buôn người và nô lệ tình dục đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân Mỹ về thực trạng này. Và giống như tên gọi của tổ chức, Ốc Đảo của sự Hy vọng, các nạn nhân được đón nhận ở đây có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi họ tái hòa nhập lại vào cộng đồng và xã hội.