Chữ ký của tổng thống trên dự luật giải quyết điều có thể là một cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế của Hoa Kỳ.
Vài phút sau khi Thượng viện thông qua dự luật với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống, ông Obama nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng tiến trình cắt giảm thâm hụt ngân sách chính phủ đã bắt đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng thỏa hiệp này bảo đảm sẽ cắt giảm hơn 2 ngàn tỷ đôla thâm hụt và đây là bước đầu quan trọng để bảo đảm rằng trong tư cách một quốc gia, Hoa Kỳ sẽ chi tiêu trong giới hạn khả năng của mình.
Chi tiết về thỏa thuận nợ của Hoa Kỳ
|
Đạo luật mới lập tức cho phép Ngân khố vay thêm 400 tỷ đôla, với những khoản vay khác sẽ được cho phép sau này. Đạo luật cũng nhắm mục đích cắt giảm ít nhất 2,1 tỷ đôla trong mức thâm hụt ngân sách 14,3 ngàn tỷ đôla trong thời gian 10 năm. Hạ viện đã chấp thuận dự luật hôm thứ hai với 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, sau nhiều tuần lễ tranh luận ráo riết.
Theo bộ luật vừa ký, một ủy ban lưỡng đảng tại Quốc hội sẽ làm việc để tìm cách tiết kiệm thêm trong ngân sách liên bang.
Tổng thống nói thỏa thuận đòi hỏi cả hai chính đảng lớn phải cùng làm việc để đạt được một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm cắt giảm mức thâm hụt ngân sách liên bang, mà ông cho là điều quan trọng cho sự lành mạnh dài hạn của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông Obama nói kế hoạch đó sẽ cần phải bao gồm những cắt giảm trong các chương trình xã hội, là điều mà nhiều đảng viên Dân chủ chống đối, và mức thuế cao hơn, là điều mà nhiều đảng viên Cộng hòa bác bỏ. Không có phương án nào được bao gồm trong đạo luật dung hòa.
Tổng thống giải thích thêm rằng những điều chỉnh đó là để bảo vệ các chương trình chăm sóc y tế như Medicare, dành cho các thế hệ tương lai. Cũng có nghĩa là cải tổ quy chế thuế khóa để những người Mỹ giàu có nhất và các đại công ty đóng góp một cách công bằng.
Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng sẽ cứu xét một khoản tu chính hiến pháp đòi hỏi chính phủ phải quân bình ngân sách.
Thương nghị sĩ John Barrasso của đảng Cộng hòa cho rằng một khoản tu chính như thế sẽ ngăn tránh được một cuộc khủng hoảng khác về nợ nần.
Ông Barraso đặt vấn đề là liệu Hoa Kỳ có sinh hoạt theo đúng các quy luật áp dụng cho mỗi một gia đình, mỗi một doanh nghiệp nhỏ và 49 tiểu bang, nghĩa là không thể chi tiêu nhiều hơn số tiền mình có hay không.
Ông Obama cực lực lên án các nhà lập pháp đã để cho cuộc tranh luận về nợ nần kéo dài cho đến phút chót trước kỳ hạn. Ông nói một “cuộc khủng hoảng giả tạo” tại Washington đã gây thiệt hại cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama nói rằng mọi chuyện nằm trong tầm tay của chúng ta. Theo ông, điều khá chắc chắn là sự bất định xoay quanh vấn đề nâng mức giới hạn nợ nần đối với cả các doanh nghiệp lẫn giới tiêu thụ, đã gây lo ngại và chỉ cản trở thêm cho công cuộc phục hồi toàn diện mà chúng ta đang cần có. Ông cho rằng đó là điều lẽ ra có thể hoàn toàn tránh được.
Tổng thống Obama nói không nên để cho rủi ro của một tai họa kinh tế thúc ép các nhà lập pháp làm việc vói nhau và hoàn thành công tác của mình. Ông nói ưu tiên giờ đây là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải tập trung vào vấn đề tạo công ăn việc làm và hồi phục nền kinh tế Hoa Kỳ.
Đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ tạo Hạ viện và là trưởng khối thiểu số, bà Nancy Pelosi, đồng ý rằng các nhà lập pháp phải lập tức chuyển trọng tâm chú ý qua việc phục hồi kinh tế.
Bà Pelosi nói: “Chúng ta đã băng qua được một nhịp cầu hồi hôm qua. Bàn về nợ nần như thế là đủ rồi. Chúng ta cần phải bàn qua vấn đề công ăn việc làm.”
Ông Obama kêu gọi Quốc hội thông qua nhiều dự luật mà ông nói là sẽ củng cố nền kinh tế, trong đó có việc chấp thuận các hiệp định mậu dịch tự do với Colombia, Panama và Nam Triều Tiên.