Ông Travis Bluemling là một tình nguyện viên thuộc Đoàn Hòa bình Hoa Kỳ (Peace Corps) hiện đang dạy tiếng Anh tại một làng quê cách thủ đô Jakarta của Indonesia hơn 800 kilomét. Ông Bluemling nói rằng Tổng thống Barack Obama được nhiều người Indonesia ái mộ, và ngay cả ở khu vực hẻo lánh này sự ái mộ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng giúp cho ông được cộng đồng dễ dàng chấp nhận hơn.
Ông Bluemling nói: "Một trăm phần trăm. Mọi người ai nấy đều biết Tổng thống Obama. Tuần nào tôi cũng nghe người ta nói ít nhất là 10 lần 'Ông có biết là ông Obama đi học ở Jakarta không?' Và tôi nói với họ 'Vâng, ông ấy họ trường tiểu học SD ở Jakarta'. Mọi người đều biết Tổng thống Obama là ai."
Ông Obama học tiểu học ở Indonesia khi mẹ ông kết hôn với một người Indonesia. Tuy ông đã ở Indonesia thời thơ ấu nhưng đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên kể từ khi lên làm tổng thống năm 2008. Hai chuyến đi trước đã bị hủy bỏ vì những sự kiện xảy ra ở nước Mỹ.
Quá khứ của ông Obama không phải là lý do duy nhất giúp cho ông được ưa chuộng ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này. Ông Anies Baswedan, Viện trưởng Viện Đại học Paramadina, nói rằng người dân Indonesia cảm kích việc ông Obama ra sức làm giảm bớt những mối căng thẳng giữa Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo. Họ cho rằng ông đã có công trong việc không khuất phục trước áp lực trong nước về nhiều vấn đề, từ việc chấm dứt hoạt động tác chiến ở Iraq cho tới việc bảo vệ tự do tôn giáo của người theo đạo Hồi ở Mỹ.
Ông Baswedan nói: "Dân chúng Indonesia nhìn vào cách thức ông Obama giải quyết vấn đề Iraq và cách thức ông ấy giải quyết vấn đề đền thờ ở New York và họ cho rằng ông ấy làm tốt, có phong thái của một chính khách tử tế. Và đây là một điểm tích cực."
Các nhà lãnh đạo Indonesia cũng nhận ra rằng so với các vị tiền nhiệm ông Obama có thái độ sẵn sàng hơn trong việc giao tiếp với họ như một đối tác bình đẳng. Ông Teuku Faizasyah, phụ tá đặc biệt của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, cho biết rằng chuyến viếng thăm của ông Obama sẽ có ích cho sự phát triển dân chủ và sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Indonesia.
Ông Faizasyah nói: "Chúng tôi có thể sánh vai nhau một cách bình đẳng vì chúng tôi cùng thực thi dân chủ và chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Đây là sự trưởng thành của sự cân bằng trong quan hệ giữa hai nước."
Các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Indonesia đã bị căng thẳng trong nhiều năm, phần lớn là vì những vụ vi phạm nhân quyền dưới thời cố Tổng thống Suharto. Một phong trào xuống đường biểu tình rầm rộ năm 1998 đã lật đổ nhà độc tài này, và từ đó trở đi Indonesia đã chuyển đổi sang việc trực tiếp bầu chọn tổng thống và đã ra sức giải quyết những cuộc nổi dậy đòi ly khai và những vụ vi phạm nhân quyền trên khắp quốc gia đa sắc tộc này. Các mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được cải thiện, đặc biệt là sau vụ nổ bom gây nhiều chết chóc ở đảo Bali năm 2002 khiến cho Washington và Jakarta phải cộng tác chặt chẽ hơn để chiến đấu chống lại nạn khủng bố.
Viện dẫn những tiến bộ của Indonesia trong lãnh vực dân chủ, Hoa Kỳ hồi gần đây đã loan báo việc thực hiện lại các chương trình huấn luyện dành cho các binh sĩ của Kopassus, là lực lượng chống khủng bố của Indonesia. Washington đã quyết định như vậy bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền cho rằng Kopassus vi phạm nhân quyền ở Aceh, Papua và Đông Timor.
Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng việc giao tiếp tích cực với Indonesia rốt cuộc sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền và tăng cường các định chế dân chủ ở nước này. Khi Tổng thống Obama và Tổng thống Yudhoyono gặp nhau, hai ông có phần chắc sẽ thảo luận về những mối quan tâm chung trong lãnh vực an ninh, như bảo vệ các thủy lộ ở Biển Nam Trung Hoa. Đôi bên cũng sẽ bàn về việc gia tăng các khoản đầu tư của Mỹ vào Indonesia, một trong những nước hiện có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có lẽ cũng đề nghị hỗ trợ cho cam kết của Indonesia là giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 10 năm tới đây.
Tuy các biện pháp an ninh chặt chẽ sẽ được áp dụng và một số tổ chức có thể sẽ thực hiện các cuộc biểu tình phản đối, nhưng ông Baswedan của Đại học Paramadima tỏ ý hy vọng là ông Obama sẽ có cơ hội để tiếp xúc thân mật với những người Indonesia đnag mong được gặp ông.
Ông Baswedan cho biết: "Tôi có một thỉnh cầu nho nhỏ là hãy làm thế nào cho các biện pháp an ninh được dễ dãi một chút, ít ra là về mặt hình thức, để cho không khí có vẻ thoải mái đôi chút, để ông Obama có thể tiếp xúc với những người dân bình thường."
Ông Baswedan nói thêm rằng dân chúng Indonesia xem chuyến công du của ông Obama là một chuyến về quê thăm nhà của một cậu bé từng đi học ở Jakarta rồi sau đó trở thành Tổng thống của nước Mỹ.
Tuy Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với sự bất mãn của cử tri trong nước, ông sẽ nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ông đến thăm Indonesia vào tuần sau. Theo tường thuật do thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về từ Jakarta, mối liên hệ cá nhân của ông Obama với Indonesia đã mở cánh cửa để cải thiện các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nền dân chủ lớn hàng thứ nhì và thứ ba thế giới.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1