Trong bài diễn văn đầu tiên về vấn đề tràn dầu đọc từ Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng chưa có vụ dầu loang nào có tầm mức lớn như thế này và việc ngăn chặn dầu loang là một thử nghiệm “về giới hạn của công nghệ của con người.”
Ông nói rằng chính quyền của ông đã chỉ thị cho đại công ty dầu BP, là công ty quản lý giếng dầu bị tràn, phải huy động thêm thiết bị và công nghệ, trong nỗ lực thu hồi 90% số dầu tràn ra. Ông nói rằng theo dự trù một giêng được đào để gần giếng bị vỡ để hướng dầu chảy vào đó để chận đứng hoàn toàn dầu tràn ra, mặc dù theo dự trù thì phải mất nhiều tuần lễ.
Ông nói rằng vụ tràn dầu là một tai họa tệ hại nhất cho môi trường mà Hoa Kỳ phải đương đầu. Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với các hệ quả của tai nạn này trong nhiều tháng ngay cả nhiều năm.
Ông nói gần 30.000 ngàn nhân viên và hàng ngàn chiếc tàu đang làm việc trải dài 4 bang để ngăn chặn và tẩy sạch dầu loang. Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng ông cho phép điều động 17.000 vệ binh quốc gia dọc theo duyên hải để giúp dọn sạch dầu loang, huấn luyện cho nhân viên và kể cả giúp giải quyết các khiếu nại.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng hàng ngàn thùng dầu tràn đã được rút ra khỏi mặt nước. Ông nói chính phủ sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để giúp vùng Vịnh và cư dân ở đó phục hồi sau vụ này.
Tổng thống Obama nói rằng chính phủ của ông sẽ cung ứng bất cứ nguồn lực, và sự trợ giúp bổ sung nào mà các bang dọc duyên hải vùng Vịnh cần để giúp hồi phục khu vực này, và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tai họa này.
Ông nói những người sinh kế tùy thuộc vào sinh hoạt của vùng duyên hải này đang bị đe dọa, vì dầu đang lan đến các vùng duyên hải.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng thư Tư ông sẽ nói với Chủ tịch công ty dầu BP rằng ông ấy phải dành ra bất cứ nguồn lực nào cần thiết để bồi thường cho những người bị thiệt hại vì kết quả, mà ông gọi là “sự bất cẩn của BP.”
Tổng thống Obama nói, quỹ này sẽ được kiểm soát bởi một đệ tam nhân, để bảo đảm các khiếu nại được chi trả một cách công bằng và đúng lúc.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã thảo luận về các mục tiêu của chính quyền nhằm giảm sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào dầu.
Theo con số ước lượng mới thì số dầu tràn ra mỗi ngày là từ 35.000 đến 60.000 thùng. Trước đây các nhà khoa học ước tính là 40.000 thùng.
Trước khi Tổng thống đọc bài diễn văn, hôm thứ Ba, giới điều hành của 5 trong số các công ty dầu lớn nhất thế giới, trong đó có công ty BP, đã ra điều trần trước các đại biểu Quốc hội đang rất tức giận về việc này. Các nhà làm luật nói rằng các công ty có kế hoạch dự phòng nhằm ứng phó trước các tai họa có thể xảy ra, không đầy đủ, và hầu như giống y nhau.
Quốc hội đã chất vấn Chủ tịch công ty BP ở Mỹ, ông Lamar McKay về hoạt động của giếng dầu bị vỡ của công ty, kể cả việc liệu có phải công ty chấp nhận rủi ro để giảm chi phí đã dẫn đến tai họa này.
Chủ tịch buổi điều trần, Dân biểu bang Massachusetts Edward Markey cũng nêu lên những điểm không đúng của các kế hoạch dự phòng gần giống như nhau trong 5 công ty. Ông Markey nói rằng 3 trong số các kế hoạch này liệt kê số điện thoại của một chuyên gia về đời sống hoang dã đã qua đời từ 2005. Ông cũng chỉ trích BP ước lượng thấp số dầu tràn trong vịnh.
Theo chương trình hôm nay, thứ Tư Tổng thống Obama sẽ gặp các nhân vật điều hành công ty BP để yêu cầu họ lập một quỹ đặc biệt nhằm trả tiền bồi thường cho các đơn khiếu nại. Một số nhà lập pháp đang yêu cầu số tiền này lên đến 20 tỉ.
Những người chỉ trích cho rằng chính quyền chậm chạp trong việc đáp ứng với tai họa, đã xảy ra từ ngày 20 tháng 4, là ngày giếng dầu bị nổ gây thiệt mạng cho 11 công nhân.
Một cuộc thăm dò của hãng tin AP cho thấy đa số dân Mỹ - 52% nói rằng họ không chấp thuận cách xử lý của Tổng thống Obama về vụ dầu tràn, mặc dù công ty BP bị đổ lỗi rất lớn ứng phó chậm chạp trong tai họa này.