Đường dẫn truy cập

TT Obama sẽ mở đàm phán ba bên với Nhật, Nam Triều Tiên


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nam Triều Tiên sẽ mở một cuộc hội đàm tay ba với Tổng thống Barack Obama bên lề hội nghị hạt nhân quốc tế tại La Haye. Cuộc thảo luận sẽ chú trọng vào chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Cuộc họp này đáng chú ý vì quan hệ giữa hai đồng minh của Hoa Kỳ đã căng thẳng trong những năm gần đây và đây là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy Tokyo và Seoul giảm bớt căng thẳng về những tranh chấp lịch sử và chú trọng đến những vấn đề lợi ích chung, như chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Sung-Yoon Lee, giáo sư Nghiên cứu Triều Tiên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc trường đại học Tufts nói Hoa Kỳ dùng vai trò của mình để làm trung gian hòa giải giữa Seoul và Tokyo.

Ông Sung-Yoon Lee nói Hoa Kỳ lại một lần nữa đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa hai đồng minh Đông Bắc Á. Và đây không phải là vai trò mới của Mỹ dù vai trò này làm nãn lòng đối với Mỹ. Vai trò này phát xuất từ cuộc chiến Triều Tiên. Những nhu cầu cấp bách từ chiến tranh 1950 đã tạo nên sự cần thiết đối với Hoa Kỳ mang Nhật Bản và Nam Triều Tiên lại với nhau.

Oâng Jang Yong-seok, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Trường đại học Quốc gia Seoul nói hội nghị tại La Haye là dịp may để cải thiện sự hợp tác về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Jang nói có sự thiếu phối hợp giữa Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên giữa lúc những nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề này đang bế tắc. Cuộc họp này sẽ là một cơ hội để khôi phục và củng cố sự hợp tác giữa 3 nước để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Ông Ben Rhodes, phụ tá cố vấn an ninh quốc gia về thông tin chiến lược, ngày thứ Sáu tuần trước nói với các phóng viên là cuộc họp tay ba sẽ một phiên họp quan trọng.

Ông Ben nói đây là một thông điệp rất quan trọng cho thấy Hoa Kỳ sánh vai cùng với hai đồng minh quan trọng nhất tại Đông Bắc Á.

Cuộc họp này là chỉ dấu về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Đông Bắc Á và sự tin tưởng của nước Mỹ là khi Hoa Kỳ và các đồng minh cùng đứng chung với nhau thì sẽ mạnh mẽ hơn trong vùng và trên thế giới.

Nam Triều Tiên trong tuần trước cho biết là những cuộc thảo luận ngày hôm nay sẽ không bao gồm vấn đề gai góc được gọi là “Những phụ nữ an ủi” được dùng làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến Thứ hai. Tuy nhiên Seoul nói hai bên đang tham khảo ý kiến về việc mở những cuộc họp cấp thấp về vấn đề này.

Tổng thống Park nhiều lần từ chối đề nghị họp thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Abe, nói rằng Nhật Bản vẫn từ chối xin lỗi về những tội phạm phải trong thời kỳ Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1919 đến năm 1945 và Nhật Bản sử dụng phụ nữ Triều Tiên như những nô lệ tình dục trong Thế chiến Thứ hai.

Tokyo nêu ra nhiều lần xin lỗi của chính phủ Nhật Bản và một thỏa thuận năm 1965 bình thường hóa mối quan hệ hai nước trong đó có một khoản tiền lớn trả cho Seoul.

Nam Triều Tiên cùng với Trung Quốc phản đối chuyến đi thăm đền thờ tử sĩ gây nhiều tranh cãi vào tháng 12 năm ngoái của Thủ tướng Abe.

Nam Triều Tiên cũng chỉ trích Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vào tháng Hai năm nay khi ông này nói chính phủ sẽ duyệt xét lại lời chứng của các cựu an úy phụ được dùng làm nền tảng của lời xin lỗi vào năm 1993.

Tuy nhiên trong tháng này, Thủ tướng Abe hứa tôn trọng những lời xin lỗi trước đây của Tokyo về quá khứ là một nước có thuộc địa, kể cả tuyên bố của Chánh văn phòng Nội các lúc đó là ông Yohei Kono.

Ông Kono phát biểu về cuộc điều tra của ông với 16 an úy phụ. Trong phát biểu này, ông công nhận là trong Thế chiến Thứ hai, Nhật Bản đã ép buộc nhiều phụ nữ phải phục vụ. Sau đó ông xin lỗi và tự kiểm. Kể từ đó bài diễn văn này được biết dưới tên “Tuyên bố Kono.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG