Nhiều nhà ngoại giao tây phương tại Liên hiệp quốc đã bầy tỏ mối quan ngại trong mấy tuần vừa qua về việc liệu các cuộc trưng cầu dân ý đó có sẵn sàng kịp thời hay không. Một nhà ngoại giao nói rằng Liên hiệp quốc đã cho biết các chuẩn bị bị đình trệ.
Các nhà ngoại giao khác nói rằng quốc tế ngày càng lo ngại rằng nếu cuộc bỏ phiếu vào tháng giêng không được xúc tiến theo kế hoạch thì có thể xảy ra bạo động, nhất là nếu miền nam lại đơn phương tuyên bố độc lập. Nhưng họ còn lo ngại rằng cho dù cuộc trưng cầu dân ý có được tổ chức kịp thời đi chăng nữa, mà kết quả không được tôn trọng hoặc không được coi là khả tín, thì sự kiện này có thể đẩy đất nưóc trở lại vào một cuộc nội chiến đẫm máu khác.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Obama sẽ tham dự cuộc họp hôm nay để truyền đạt viễn kiến của ông về cách thức tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý với thành quả tốt đẹp.
Bà Samantha Power là một cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama. Bà nói với các phóng viên trong tuần này nhân một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng thông điệp chính của ông Obama cho cuộc họp về Sudan sẽ là sự cần thiết phải mau chóng thực thi Thỏa thuận Hoà bình Toàn diện – còn gọi tắt là CPA – đề nghị cuộc biểu quyết Nam Bắc và một cuộc bỏ phiếu khác cùng ngày cho nhân dân vùng Abyei.
Bà Power nói: “Thông điệp số 1 là các cuộc trưng cầu dân ý này phải khởi sự đúng lúc; phải diễn tiến một cách êm thắm; và phải phản ánh nguyện vọng của dân chúng Nam Sudan.”
Bà Power nói Tổng thống Obamacũng sẽ phát biểu về tình trạng gia tăng bạo động mới đây trong vùng Darfur của Sudan.
Bà Power nói tiếp: “Chúng ta tiếp tục thấy các tình trạng không thể chấp nhận được đối với những người sống trong các trại và sự kiến là không có người nào cảm thấy đủ an toàn để trở về nhà. Vì vậy, dĩ nhiên, tổng thống sẽ đề cập đến sự cần thiết phải cải thiện an ninh và đem lại nhân phẩm cho dân chúng ở Darfur, cũng như sự cần thiết phải có trách nhiệm nữa.”
Cũng có nhiều phần chắc cuộcc họp sẽ bàn về sự cần thiết để cho nhân viên cứu trợ được tiếp cận và tầm quan trọng của việc các binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc không bị hạn chế quyền tự do đi lại.
Hiện có hơn 30 ngàn cảnh sát và binh sĩ của Liên hiệp quốc và được bố trí tại Darfur và Nam bộ Sudan, là nơi tập trung lớn nhất của các binh sĩ đội mũ xanh trên thế giới.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, bà Susan Rice, nói rằng trong khi cộng đồng quốc tế sẵn sàng ủng hộ dân chúng Sudan vào lúc họ thực thi các cam kết theo CPA, và sẽ có những lợi ích cho họ nếu làm như thế, thì cũng có thể có các hậu quả nếu họ không hoàn tất các nghĩa vụ của họ.
Bà Rice cho biết: “Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng nếu họ không đi đến cùng thì sẽ có những hậu quả – như chúng tôi vẫn thường nói trong chính sách của chúng tôi. Những hậu quả đó có thể dưới hình thức đơn phương và/hoặc đa phương- nghĩa là các biện pháp chế tài, và chúng tôi đã có một số biện pháp sẵn sàng đem ra áp dụng. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là hối thúc họ đi tới vì lợi ích của chính họ.”
Đại diện cho các bên Sudan tại cuộc họp sẽ có Phó Tổng thống Ali Osman Taha thuộc chính phủ Sudan và ông Salva Kiir, Tổng thống Nam Sudan. Chủ tịch Liên hiệp châu Phi, các giới chức Phi châu, các nhà ngoại giao Tây phương và các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ dự trù sẽ dự phiên họp dưới sự chủ tọa của Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ dự một cuộc họp cấp cao về Sudan trong ngày hôm nay tại Liên hiệp quốc. Dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và với sự tham dự của các giới chức cấp cao Tây phương và Phi châu, cuộc họp nhằm mục đích tập trung sự chú ý của thế giới vào Sudan trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào tháng giêng mà có nhiều phần chắc Nam Sudan sẽ bỏ phiếu ly khai khỏi miền Bắc. Từ trụ sở Liên hiệp quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1