Trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Osama bin Laden, đã chết ở tuổi 53.
Tổng thống Barack Obama loan báo về cái chết này hôm Chủ nhật.
Osama bin Laden bị lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ hạ sát tại một dinh cơ ở sâu trong lãnh thổ Pakistan.
Bị qui lỗi về những hành vi khủng bố độc ác tại ít nhất là 3 châu lục, Osama bin Laden là mục tiêu của một cuộc săn lùng rộng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ
Sau những vụ New York và Washington bị tấn công tàn khốc vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tổng thống Bush nói lên quyết tâm truy lùng người bị coi là đã chủ mưu các vụ tấn công, đó là Osama bin Laden.
Tổng thống Bush nói: ”Xưa kia chúng ta thường truy lùng tội phạm ở miền tây bằng cách niêm yết hàng chữ “cần bắt tội phạm còn sống hay đã bị giết chết.” Tất cả những gì tôi muốn và nước Mỹ muốn, là đưa hắn ta ra xét xử trước công lý."
Nhưng cái hình ảnh một tên khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới của bin Laden lại tương phản hẳn với khung cảnh sống êm đềm và thoải mái của ông ta trong gia đình.
Sinh ngày 10 tháng Ba năm 1957, bin Laden là một trong số 50 người con của một doanh nhân cự phú Ả Rập Saudi trong ngành xây cất. Ông đã qua đời khi bin Laden còn trong tuổi niên thiếu.
Lớn lên trong gia đình giàu có thuộc giai cấp thượng lưu tại Ả Rập Saudi, gặp gỡ, giao du với những người thuộc hoàng gia, bin Laden tiếp tục học đến khi lấy bằng kỹ sư và có vẻ như sẽ làm việc cho công ty của gia đình.
Nhưng cuộc đời của ông ta đã đi đến một bước ngoặt, một thay đổi hoàn toàn khi vào năm 1979, nước Liên Xô cũ đã xâm lăng Afghanistan.
Bin Laden, giống như nhiều người Hồi giáo khác, rời gia đình đi chiến đấu chống quân Xô Viết, mặc dù lúc ban đầu, ông ta chỉ tham gia vào công tác hậu cần cho những chiến binh Afghanistan thánh chiến mới được tuyển mộ, tức là cùng những người mà Hoa Kỳ lúc đó hỗ trợ.
Nhưng đến giữa thập niên 1980, bin Laden quyết định dùng phần gia tài do cha của ông ta để lại để thành lập lực lượng dân quân của riêng ông ta, sau này trở thành lực lượng “al-Qaida”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “căn cứ.”
Sau khi quân đội Xô Viết rút lui, bin Laden trở về quê hương, nhưng vẫn giữ liên lạc với các đồng đội cũ trong cuộc chiến Afghanistan lúc trước và vẫn chú ý theo đuổi một số lý tưởng khác của Hồi giáo.
Một khúc quanh khác trong đời của bin Laden là năm 1990 khi Iraq xâm lăng Kuwait, một quốc gia nhỏ bé đầy dầu hỏa trong vùng Vịnh Ba Tư, khiến cho Ả Rập Saudi phải mời binh sỹ Mỹ đến đồn trú trên lãnh thổ.
Bin Laden coi việc những người không phải Hồi giáo đến nơi mà ông ta coi là đất thánh là một sỉ nhục đối với Hồi giáo. Ông ta phản đối dữ dội chuyện này, khiến ông ta bị trục xuất khỏi Ả Rập Saudi năm 1991.
Bin Laden qua nương náu ở Sudan. Nơi đây nghe nói ông ta đã tổ chức những vụ tấn công vào các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Somalia và Ả Rập Saudi. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Sudan đã trục xuất ông ta năm 1996, và một lần nữa, ông ta trở lại Afghanistan.
Nhưng ngay cả khi ông ta nhúng tay vào chính trường Afghanistan, ông ta vẫn không ngừng can dự vào việc chống lại Hoa Kỳ trên toàn cầu. Ông ta bị coi là đã chủ mưu vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania.
Chặn đứng các hành động khủng bố của bin Laden là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ sau các vụ tấn công tại New York và Washington năm 2001. Hơn 3.000 nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này.
Khi Taliban từ chối không giao nộp thủ lãnh al-Qaida cho nhà chức trách Mỹ, Hoa Kỳ mở cuộc chiến, đánh đuổi Taliban ra khỏi Afghanistan tháng 12 năm 2001 và buộc Osama bin Laden phải trốn chạy.
Trong những năm sống trốn tránh, bin Laden cho công bố nhiều băng ghi âm lên án Hoa Kỳ, gây bực bội, phiền não lớn cho Washington. Phiền não ấy giờ đây đã chấm dứt.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1