Cha Nguyễn Thế Viễn là linh mục của nhà thờ Nữ Vương Việt Nam ở Đông New Orleans. Ông cho biết nhiều người sinh sống bằng nghề đánh cá trong vùng Vịnh là người Việt Nam.
Cha Viễn nói: “Trong số 14.000 tàu thuyền đánh cá trong vùng Vịnh, thì có 1/4 là thuộc quyền sở hữu của người Mỹ gốc Việt. Số đó vào khảong 4.000 chiếc.”
Vị linh mục Thiên chúa giáo Roma này nói các vấn đề mà các ngư dân này và gia đình họ phải đối phó không đơn giản là trong tương lai gần và kéo dài mãi đến về sau này.
Cha Viễn cho biết: “Suốt năm họ dựa vào mùa hè là lúc họ đi đánh cá, bắt tôm, cua hay bất cứ ngư sản nào khác. Năm nay coi như tiêu. Vấn đề ở đây là vụ dầu loang này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với công nghiệp đánh cá ở vùng Vịnh trong những năm tới, 5, 10 hay 50 năm nữa, chúng ta cũng chưa biết được.”
Công ty dầu khí BP, là chủ dàn khoan dầu ngoài khơi đã nổ hồi tháng tư gây ra vụ tràn dầu, nói rằng họ đang cung cấp sự trợ giúp. Mặc dù công ty từ chối yêu cầu của chúng tôi xin ghi âm một cuộc phỏng vấn tại chỗ, phát ngôn viên Graham MacEwen nói trong số 28.000 người đã nộp đơn với công ty, hơn 11.000 người đã nhận được khoản bồi thường chừng 5.000 đôla mỗi người, với những khoản khác sẽ được trả thêm sau này. Một số đã được đề nghị làm các công việc dọn dẹp vụ dầu tràn.
Nhưng cha Viễn nói sự kiện này đề ra một vấn đề đặc biệt đối với ngư dân người Việt và những người Đông nam Á khác.
Cha Viễn nói tiếp: “Công nghiệp đánh cá không đòi hỏi nhiều tiếng Anh. Vì thế những người xuất thân từ Đông Nam Á có thể nhẩy thẳng vào nghề đánh cá. Nhiều người đã từng làm nghề đó ngay từ lúc còn ở quê nhà, vì thế họ không cần học ngôn ngữ nhiều. Bây giờ, thì ta phải đối phó với tình hình này. Họ phải điền những đơn xin bồi thường và phải tìm hiểu nội dung các đơn khiếu nại. Và theo tôi hiểu thì có tới 33 mẫu đơn phải điền và họ phải mò mẫm tất cả những đơn đó.”
Người phát ngôn của BP, ông MacEwen nói với chúng tôi rằng nhiều hướng dẫn trên trang web của công ty ông có sẵn mẫu bằng tiếng Việt cũng như các thứ tiếng khác. Một cuộc kiểm tra cho thấy quả thực có những trang như thế, tuy rằng đa số là bản dịch các thông cáo của các cơ quan liên bang.
Cha Nguyễn Thế Viễn nói ngoài các vấn đề tài chính mà các ngư dân từ Đông nam Á phải đối phó, còn vấn đề tự ái và sức chịu đựng của họ đến đâu nữa. Ông nhắc nhở chúng ta rằng họ đã trải qua một cơn bão gây tàn phá khủng khiếp vào năm 2005.
Cha Viễn nói: “Có những người mà sau cơn bão Katrina, đã gom góp mọi thứ, vươn mình trở lại, và tìm cách sinh sống, cố gắng hoạt động, cố gắng đóng góp vào xã hội, cố gắng tỏ ra hữu dụng bằng nhiều cách. Và bây giờ, họ lại phải thu mình xếp hàng để đi lãnh những phiếu nhận bất cứ khoản tiền nào mà BP trả cho họ, ít nhất là vào thời điểm này.”
Theo cha Viễn, một số người đã bắt đầu mất nhà và nhiều người mất cả tàu thuyến, vì thế mà mất đi nguồn sống bởi vì họ không thể trả nổi nợ nần. Ông cho biết đã có một số các luật sư bất lương đến khu vực này tìm cách đánh lừa mọi người bòn rút khoản tiền mà họ có thể được BP trả.
Nhà thờ của vị linh mục này, và cơ quan phát triển cộng đồng liên hệ cùng các tổ chức từ thiện khác, đang tìm cách giúp đỡ các ngư dân và gia đình họ trong đoản kỳ. Ông lo lắng về tương lai.
Cha Viễn nói thêm: “Dường như sẽ còn một thời gian nữa trước khi hoàn tất công tác thu dọn. Tôi nghĩ sẽ cần phải tạo công ăn việc làm cho những cá nhân này. Và sau đó, chúng ta cần phải giúp họ đa dạng hóa kỹ năng của họ. Vì thế cần đến công tác huấn luyện kỹ năng. Nhưng huấn luyện kỹ năng mà không có việc làm cho họ thì cũng là điều vô ích.”
Cha Viễn đã nói chuyện với các nhà lập pháp Hoa Kỳ về những gì tiếp tục phải làm. Nhưng ông nói cho đến khi nào bịt được vụ tràn dầu và đánh giá được thiệt hại thì không làm gì được nhiều vào lúc này.
Vào lúc dầu tiếp tục tràn ra từ giếng bị vỡ trong vùng Vịnh Mexico, cuộc sống tiếp tục trở nên khó khăn hơn đối với những người mà sinh hoạt lệ thuộc vào vùng nước đó. Theo thông tín viên VOA Ira Mellman, nhiều người trong số đó xuất thân từ Đông nam châu Á.
Đọc nhiều nhất
1